Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Xây dựng nền tảng cho văn hóa đọc phát triển

Ông Lê Hoàng cho rằng có nhiều tín hiệu đáng mừng trong chủ trương, chính sách liên quan xuất bản và phát triển văn hóa đọc. Tất cả tạo cơ hội đưa sách vào đời sống.

Phat trien van hoa doc anh 1

Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, từng được trao “Giải thưởng thành tựu trọn đời trong xuất bản” (tại hội thảo Xuất bản châu Á thường niên lần thứ tư, ngày 9/7/2010). Có thể nói ông là người đã sống một đời với sách, cho sách, và vì sách.

Trao đổi nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 năm nay, ông Lê Hoàng cho rằng về giải pháp cụ thể, hãy bắt đầu từ gia đình. Đây là nơi góp phần rất quan trọng cho việc hình thành thói quen đọc sách của trẻ em.

Tốc độ tăng trưởng của thị trường sách chậm, sức đọc thấp

- Là người dành tâm sức để quan sát tình hình sách và đọc sách tại Việt Nam nhiều năm qua, ông thấy bức tranh ấy như thế nào?

- Lấy số liệu năm 2019, thời điểm chưa bùng phát đại dịch Covid-19 để làm căn cứ phân tích: Dân số nước ta khi ấy là 97 triệu người, số lượng sách đã phát hành là 440 triệu bản. Nếu trừ đi số bản sách giáo khoa, giáo trình ước tính 300 triệu bản, số bản sách được phát hành ra thị trường là 140 triệu. Bình quân chỉ có 1,4 bản sách/người/năm.

Nghĩa là, mỗi người chúng ta một năm chỉ cầm tới hơn một quyển sách mới mà thôi. Cần biết rằng đó chỉ là số lượng phát hành, còn sau khi mua, người ta có thực đọc hay không, lại là chuyện rất khác!

Nếu so sánh trong giai đoạn 5 năm 2014-2019, theo số liệu do Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, công bố chúng ta thấy số tựa sách được in tăng 30% (từ 28.326 tựa lên 37.100 tựa), số bản sách được in tăng 19% (368,9 triệu cuốn lên 441 triệu cuốn), còn số lượng sách được phát hành chỉ tăng 16% (378 triệu cuốn lên 440 triệu cuốn).

Như vậy, tốc độ tăng trưởng của thị trường sách rất chậm. Mặt khác, doanh thu cũng rất thấp. Theo số liệu năm 2019, doanh thu ngành xuất bản là 2.775 tỷ đồng, phát hành là 4.362 tỷ đồng. Con số này quá nhỏ bé so với các thị trường hàng hóa khác. Nó càng nhỏ bé so với thị trường sách của các nước.

Phat trien van hoa doc anh 2

Ông Lê Hoàng cho hay bình quân ở Việt Nam chỉ có 1,4 bản sách/người/năm. Ảnh: Quỳnh Trang.

- Thị trường nhỏ, sức mua kém, nhưng còn “sức đọc” của người Việt thì sao?

- Câu chuyện mà doanh nhân Lý Trường Chiến trình bày tại một cuộc hội thảo (năm 2008) rất thú vị, đáng quan tâm.

“Qua 2 lần chờ chuyến bay, tình cờ để ý, tôi nhận thấy: Ở lần thứ nhất tại Việt Nam, đếm nhanh với hơn 50 người, trong đó có 8 người nước ngoài (6 Âu và 2 Á), thì 4 người Âu và 2 người Á đều đọc sách, 2 người Âu còn lại trò chuyện cùng nhau. Trong khi đến hơn 40 người Việt, chỉ có 3 người đọc báo, số còn lại lang thang chờ, ngủ, xem tivi hay lơ đễnh, làm những chuyện cá nhân. Ở lần thứ hai tại một sân bay ở châu Âu, không đếm được số người, do quá đông, nhưng những người chờ thì khoảng 65% đều đọc sách. Một số ít ngủ và cuốn sách vẫn cầm trên tay hay đặt trên ngực. Chỉ có số rất ít không đọc sách vì bận công việc cá nhân".

Một “khảo sát bỏ túi” nhanh về thói quen đọc và nội dung đọc (với nhân viên và sinh viên, lứa tuổi 20-30): 70% cho biết chỉ học chứ không đọc tham khảo thêm; 12% cho biết có đọc các sách, truyện khác ngoài chuyên môn; 80% không đọc sách một năm qua; 98% không đọc sách tuần qua; 100% nói gần như chẳng để ý đến thơ.

- Nhưng đó chỉ là những quan sát riêng, khảo sát bỏ túi…?

- Theo số liệu chúng tôi có được năm 2017, tính số tròn, Việt Nam có 90 triệu dân, 30.000 tựa sách và doanh thu từ thị trường sách là 180 triệu USD, bình quân 2 USD người/năm.

Trong khi đó, Malaysia, dân số bằng 1/3 Việt Nam, bình quân gần 9 USD/người/năm (gấp 4,64 lần). Thái Lan dân số bằng hơn 1/2 Việt Nam, bình quân hơn 10 USD/người/năm (gấp 5,33 lần). Riêng Hàn Quốc, dân số cũng chỉ bằng nửa nước ta nhưng doanh thu đạt xấp xỉ 5,176 tỷ USD, bình quân hơn 104 USD/người/năm, gấp 52 lần chúng ta.

Ở Indonesia, trẻ em có 15 phúc đọc sách mỗi ngày trước khi vào giờ học chính thức. Ở Hàn Quốc, cha mẹ thường đọc sách cùng con 3 lần/tuần, mỗi lần khoảng 30 phút. Tại Thái Lan, kết quả khảo sát 55.920 hộ gia đình (năm 2015) cho thấy trẻ em dưới 6 tuổi trung bình đọc 71 phút/ngày, thanh niên đọc 94 phút/ngày, người trong độ tuổi lao động đọc 61 phút/ngày, còn người già đọc 44 phút/ngày.

Nhiều thống kê trên thế giới (với những tiêu chí khác nhau) đều không có tên Việt Nam trong danh sách các nước có tỷ lệ đọc sách cao. Có thể khẳng định sức đọc của chúng ta còn rất thấp, hay nói đúng hơn, người Việt vẫn chưa có thói quen đọc sách!

Những tín hiệu lạc quan

- Thực trạng là như thế, nhưng vì sao qua nhiều lần trao đổi, ông vẫn tỏ ra lạc quan khi nói về sự phát triển của thị trường sách và của văn hóa đọc trong tương lai?

- Nếu tính từ Chỉ thị 42 của Ban bí thư “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” (25/8/2004) đến nay, có nhiều tín hiệu đáng mừng trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan hoạt động xuất bản và phát triển văn hóa đọc.

Nhiều thống kê trên thế giới với những tiêu chí khác nhau đều không có tên Việt Nam trong danh sách các nước có tỷ lệ đọc sách cao.

Ông Lê Hoàng

Ngày 31/12/2015, Bộ GD&ĐT có công văn về Đổi mới Thư viện và phát triển Văn hóa đọc trong nhà trường phổ thông và mầm non.

Ngày 15/3/2017, Thủ tướng phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Ngày 26/12/2018, Bộ GD&ĐT có Thông tư ban hành về Chương trình Giáo dục Phổ thông mới theo định hướng phát triển 5 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi cho học sinh.

Ngày 21/11/2019, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Thư viện, trong đó có điều 30 về Phát triển văn hóa đọc.

Ngày 31/12/2020, Bộ GD&ĐT có công văn về Tổ chức hoạt động Thư viện trong trường tiểu học từ năm học 2020-2021. Điều lệ hiện hành của trường tiểu học và trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung học có nhiều cấp học, được Bộ GD&ĐT ban hành vào tháng 9/2020 đều có điều khoản về phát triển văn hóa đọc…

Tất cả đã góp phần tạo nên những điều kiện mới, mở ra cơ hội cho sách vào thư viện, vào nhà trường, đến với cộng đồng, xây dựng nền tảng cho văn hóa đọc phát triển.

- Để thúc đẩy phát triển văn hóa đọc, theo ông, cần phải làm gì, trước hết ở tầm vĩ mô?

- Chúng tôi thống nhất như kiến nghị của ông Nguyễn Hữu Viêm là nên thành lập một Ủy ban Quốc gia Phát triển Văn hóa đọc. Ủy ban bao gồm đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan việc đọc, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan việc đọc, đại diện các tổ chức xã hội như Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Xuất Bản Việt Nam, Hội Thư viện, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật, Hội Nông dân Việt Nam...

Ủy ban này trực thuộc Chính phủ, do một Phó thủ tướng phụ trách. Ủy ban này làm các nhiệm vụ soạn thảo chiến lược, xây dựng kế hoạch dài hạn, tổ chức hoạt động và đôn đốc, giám sát thực hiện.

Phat trien van hoa doc anh 3

Hình ảnh tại chương trình "Sách hay cho học sinh tiểu học". Ảnh: Thu Thủy.

Từ gia đình đến nhà trường và cộng đồng

- Đâu là những giải pháp cụ thể từ thực tế?

- Hãy bắt đầu từ gia đình. Gia đình là nơi góp phần rất quan trọng cho việc hình thành thói quen đọc sách của trẻ em. Kích hoạt các giải pháp để khuyến khích cha mẹ đọc sách cùng con và mỗi gia đình phải xây dựng được tủ sách gia đình và góc sách cho trẻ.

Có chương trình bồi dưỡng cho cha mẹ kỹ năng đọc sách cùng con và các hình thức khuyến khích, khen thưởng, tôn vinh cha mẹ thường xuyên đọc sách cùng con tại gia đình.

Dựa vào danh mục sách hỗ trợ dạy và học các cấp trong nhà trường để tư vấn cho phụ huynh xây dựng tủ sách phù hợp lứa tuổi và nhu cầu đọc, học của trẻ tại gia đình. Đưa việc đọc sách và xây dựng tủ sách gia đình vào tiêu chí của Gia đình Văn hóa.

- Có nhiều mô hình phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và tại cộng đồng đã được khẳng định và cần nhân rộng. Theo ông, cần có thêm hoạt động gì để khuyến đọc?

- Chúng ta, bao gồm các đoàn thể, hội đoàn, nhà xuất bản, công ty sách, cùng các nhóm, dự án thiện nguyện phát triển văn hóa đọc, hãy cùng bắt tay nhau tham gia đẩy mạnh hoạt động phát triển văn hoá đọc tại các trường học như:

Hãy bắt đầu từ gia đình. Gia đình là nơi góp phần rất quan trọng cho việc hình thành thói quen đọc sách của trẻ em.

Ông Lê Hoàng

Giới thiệu danh mục sách hỗ trợ dạy và học tham khảo cho thư viện trường học; tổ chức hội sách mini, sinh hoạt chuyên đề, giao lưu tác giả - tác phẩm, hội thi Đại sứ văn hoá đọc/Lớn lên cùng sách, xây dựng một chương trình giáo dục kỹ năng đọc trong môi trường truyền thống và môi trường điện tử không chỉ dành cho giáo viên học sinh trong nhà trường mà cho cả các bậc phụ huynh trong nhà…

Tại cộng đồng, cùng phối hợp tổ chức chương trình “Đào tạo Đại sứ đọc - Happy Reading”; tiếp tục đẩy mạnh tổ chức hội sách đã có và các hội sách trực tuyến (online); tổ chức hội chợ sách không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM, mà còn ở các tỉnh trong cả nước, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với sách mới.

Có cơ chế phối hợp tốt giữa Sở Thông tin và Truyền thông, các công ty phát hành sách địa phương, nhà xuất bản, công ty sách để đưa sách về tận địa phương vùng sâu, xa phục vụ bạn đọc…

Mặt khác, cần phát triển đường sách - phố sách tại các tỉnh thành, đồng thời ứng dụng công nghệ reading code - giải pháp công nghệ vừa tương tác tốt với người đọc vừa góp phần chống sách lậu, sách giả.

Có một điều quan trọng là chính các nhà xuất bản, công ty sách - lực lượng nòng cốt của nền công nghiệp sách quốc gia, cũng phải có sự chuyển động mạnh mẽ và toàn diện trong hoạt động xuất bản và kinh doanh của mình để đáp ứng ngày càng cao nhu cầu phát triển của đất nước và con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Cần điều tra thực trạng về sách và đọc sách tại Việt Nam

Ông Lê Hoàng đề xuất Hội xuất bản Việt Nam cần có những cuộc khảo sát định kỳ 5 năm một lần về thực trạng đọc trong xã hội để làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện và đồng bộ văn hoá đọc. Kết quả của những cuộc điều tra xã hội học trên quy mô quốc gia nhằm xác định thực trạng, trả lời xác đáng các câu hỏi như:

Bao nhiêu phần trăm người dân có thư viện hoặc tủ sách cá nhân? Họ có mua sách không? Và mua bao nhiêu cuốn sách trong một năm ở những gia đình có thu nhập thấp, ở những gia đình có thu nhập trung bình và ở những gia đình có thu nhập cao? Họ có đến thư viện không? Họ có đi nhà sách không? Ai là người giới thiệu sách cho họ đọc (nhân viên thư viện, người bán sách, bạn bè, cha mẹ, thầy cô giáo...). Tuần rồi, họ có đọc sách không? Tháng rồi, họ có đọc sách không? Năm rồi, họ có đọc quyển nào không? Nếu có thì đã đọc mấy quyển/năm... Có điều tra sâu rộng như vậy, giải pháp của chúng ta mới cụ thể và khả thi.

"Chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đưa nội dung Phát triển văn hóa đọc vào Luật Xuất bản (sửa đổi) sắp tới. Đề nghị Nhà nước đầu tư hơn nữa cho các thư viện văn hóa - tổng hợp, đặc biệt là thư viện trường học, để có đủ kinh phí hoạt động và phát triển ngang tầm các hệ thống thư viện tương ứng trong khối các nước ASEAN", Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam nói.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cần đẩy mạnh việc tổ chức dạy và học theo phương pháp lớp học đảo ngược và đọc có hướng dẫn (guide reading), khuyến khích giáo viên và học sinh thu thập, chia sẻ thông tin từ nguồn tài nguyên thông tin (xuất bản phẩm) của thư viện, thực hiện hiệu quả các tiết đọc sách trong nhà trường.

Tìm hướng đi cho ngành xuất bản

Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho rằng nâng cao tỷ lệ đọc sách cho người dân là giải pháp mấu chốt quyết định sự phát triển của toàn ngành.

Ông Lê Hoàng: ‘Việc bức thiết là giúp học sinh có sách giáo khoa’

Trước thềm năm học mới, chương trình tặng sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn giúp các em vững vàng, an tâm hơn trong hành trang đến trường.

Duyên Trường thực hiện

Bạn có thể quan tâm