Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ông Lê Hoàng: ‘Việc bức thiết là giúp học sinh có sách giáo khoa’

Trước thềm năm học mới, chương trình tặng sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn giúp các em vững vàng, an tâm hơn trong hành trang đến trường.

Ho tro sach giao khoa cho hoc sinh anh 1

Năm học mới đã bắt đầu nhưng nhiều học sinh trên địa bàn TP.HCM vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận sách giáo khoa, nhất là đối với các em đã và đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch.

Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho biết đến nay, chương trình tặng sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ từ nhiều tập thể, cá nhân trong lẫn ngoài ngành xuất bản.

Sự chung tay và hỗ trợ kịp thời

- Đâu là nguyên nhân lớn nhất khiến Hội Xuất bản quyết tâm tổ chức chương trình tặng sách cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn?

- Trong lần trao đổi với ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, về một số khó khăn trong tình hình sắp tựu trường, chúng tôi nhận thấy thực tế khó khăn của một bộ phận không nhỏ người lao động, công nhân đang sinh sống trên địa bàn thành phố hiện tại.

Thời gian giãn cách kéo dài, rất nhiều người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp, mất đi thu nhập. Việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày đang phải dựa vào sự hỗ trợ từ thành phố, sự san sẻ của cộng đồng.

Thế nên, khi bắt đầu mùa tựu trường, ngoài lo chuyện cơm ăn áo mặc mùa dịch bệnh, các gia đình tiếp tục gánh trên vai áp lực các khoản tiền trường, tiền học phí, mua sắm sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho con em mình.

Chưa kể, đại dịch đã khiến nhiều gia đình nghèo lại càng khó khăn hơn. Một số học sinh chịu cảnh mất cha, mẹ vì Covid-19, phải sống bơ vơ hoặc về ở cùng ông, bà đã quá tuổi lao động. Việc bức thiết hiện tại là giúp đỡ cho các trường hợp như thế này.

Chính vì thực tế đó, Hội Xuất bản đã quyết định vào cuộc, tìm cách hỗ trợ phần nào để các em an tâm có sách học trước ngày tựu trường. Chương trình tặng sách giáo khoa cho học sinh khó khăn ra đời từ đây.

- Chương trình được các bên phối hợp, triển khai như thế nào, thưa ông?

- Trong bối cảnh dịch bệnh hiện tại, chúng tôi lên kế hoạch triển khai chương trình khá chặt chẽ. Đầu tiên, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản, viết thư ngỏ, kêu gọi sự đóng góp, hỗ trợ cả sách lẫn tiền để tặng các em học sinh.

Hội Xuất bản Việt Nam giao trách nhiệm cho Văn phòng Đại diện phía Nam thực hiện. Chúng tôi đã phối hợp Quỹ Tình Thương Việt (quỹ từ thiện, phát triển xã hội, hoạt động không lợi nhuận trong lĩnh vực giáo dục và y tế tại Việt Nam) là nơi tiếp nhận sự đóng góp của các cá nhân và tổ chức.

Đơn vị phát hành hỗ trợ cho chương trình lần này là Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Giáo dục Phương Nam, chịu trách nhiệm cung cấp, phân phối sách giáo khoa cho chương trình với chiết khấu cao.

Tiếp đó là sự giúp sức của Thành Đoàn TP.HCM, Hội đồng Đội TP.HCM trong việc lên danh sách, kiểm tra các hoàn cảnh khó khăn. Cơ sở đoàn tại từng địa phương sẽ là lực lượng tiếp nhận và triển khai mang sách đến trao tận tay cho từng em học sinh.

Những nỗ lực đáng quý

- Hiện tại, chương trình đã vận động được bao nhiêu sách giáo khoa và tiền mặt từ các cá nhân, tổ chức?

- Sau hơn một tuần vận động, chúng tôi đã nhận được nhiều sự đóng góp cả về hiện kim lẫn hiện vật từ các đơn vị cùng nhiều cá nhân.

Cụ thể, Nhà xuất bản Giáo dục tại TP.HCM gửi tặng 600 bộ sách giáo khoa, Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Giáo dục Phương Nam hỗ trợ 200 bộ sách bài tập.

Bên cạnh, chương trình cũng nhận được hơn 160 triệu đồng của gần 50 đơn vị xuất bản cùng các cá nhân cộng đồng đã đóng góp. Ước tính sơ bộ, chúng tôi chắc chắn sẽ có 1.300 bộ sách (sách giáo khoa lẫn sách bài tập) được gửi đến học sinh khó khăn trên địa bàn 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

Do số lượng sách lớn, học sinh thuộc nhiều quận, huyện khác nhau, ban tổ chức sẽ gửi tặng trước đợt một gồm 405 bộ sách cho những em gặp khó khăn nhất. Gần 900 bộ còn lại sẽ được Thành Đoàn TP.HCM gửi trong các đợt tiếp theo.

Chương trình sẽ triển khai nhanh nhất có thể, để đưa sách đến tay các em, nhất là bậc THCS và THPT đã bắt đầu vào năm học mới từ ngày 6/9. Đối với các em tiểu học, sách sẽ về trước ngày 20/9, là thời điểm các em tựu trường.

- Công tác vận động có gặp trở ngại, khó khăn gì khi đưa sách đến tay học sinh có hoàn cảnh khó khăn?

- Giữa lúc cả thành phố giãn cách, chúng tôi gặp khó khăn, hạn chế. Tuy nhiên, ai cũng mong muốn nỗ lực để giúp đỡ được các em trong thời điểm này.

Có nhiều nhà xuất bản hay công ty phát hành đang trong tình trạng “đóng băng” hoạt động, thậm chí là không có nguồn thu suốt hàng tháng liền. Nhưng khi Hội Xuất bản phát động chương trình, các đơn vị vẫn lập tức hỗ trợ.

Chúng tôi sẽ nỗ lực để giúp các em có sách giáo khoa học tập trong thời điểm này.

Ông Lê Hoàng

Ngay khi tiếp nhận đóng góp và phải chuyển tiền trong đợt một, cán bộ chịu trách nhiệm giao dịch của Quỹ Tình Thương Việt lại đang ở trong khu phong tỏa, không thể đến ngân hàng để chuyển tiền cho đơn vị phát hành.

Thời điểm đó, ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Quỹ Tình Thương Việt, đã phải mượn tiền của gia đình để ứng trước, chuyển cho đơn vị phát hành triển khai sách đợt một.

Các bạn nhân viên của Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Giáo dục Phương Nam đang làm việc theo nguyên tắc "3 tại chỗ" để đảm bảo trong thời gian ngắn nhất sắp xếp, đóng gói hơn 400 bộ sách giáo khoa chuyển sang Thành Đoàn TP.HCM.

Nếu nói vất vả nhất thì phải kể đến các bạn cán bộ đoàn, từ Thành Đoàn cho đến cơ sở đoàn. Các bạn phải lăn xả, sâu sát từng địa phương để chọn ra danh sách cần được hỗ trợ, sau đó mang sách đến cho từng em.

Với tôi, các bạn cán bộ đoàn cũng là những chiến sĩ ở tuyến đầu, là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, trên mặt trận phong trào Đoàn Thanh niên.

- Sau khi tặng sách giáo khoa, Hội Xuất bản và các đơn vị tổ chức có mở rộng thêm chương trình để hỗ trợ tiếp cho học sinh hay không?

- Chúng tôi tiếp tục vận động và nhận sự đóng góp từ các mạnh thường quân. Thời điểm này, Hội Xuất bản phối hợp FAHASA mua dụng cụ, đồ dùng học tập để gửi tặng cho các em.

Mỗi phần quà sẽ được đóng theo từng gói với đầy đủ tập vở, đồ dùng cần thiết để các em sử dụng trong quá trình học. Có thể, việc tặng dụng cụ học tập sẽ không đủ hết cho 1.300 trường hợp, tuy nhiên, chúng tôi sẽ nỗ lực để hỗ trợ được cho các hoàn cảnh khó khăn nhất.

Thay mặt các em học sinh, ban tổ chức chương trình và Hội Xuất bản Việt Nam, tôi rất cảm ơn và trân trọng tất cả tấm lòng, sự đóng góp, nỗ lực của các đơn vị xuất bản, phát hành, các tập thể cá nhân đã ủng hộ cho chương trình.

Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Thành Đoàn TP.HCM, Tạp chí điện tử Tri thức Trực tuyến (Zing News) và một số đơn vị vận động đóng góp kinh phí mua sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM, giúp các em chuẩn bị tốt cho năm học mới.

Đến ngày 6/9, ban tổ chức chương trình nhận được hơn 100 triệu đồng từ các đơn vị xuất bản và mạnh thường quân.

Cậu học trò lớp 2 ở TP.HCM được hỗ trợ sách giáo khoa

Trần Thái Bảo trải qua mùa hè nhiều biến cố khi cả nhà là F0, mẹ mất vì Covid-19. Em là một trong số những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ sách giáo khoa đợt này.

Hơn 100 triệu ủng hộ mua sách giáo khoa cho học sinh nghèo ở TP.HCM

Đến ngày 6/9, chương trình vận động mua sách giáo khoa cho trẻ em khó khăn tại TP.HCM nhận được hơn 100 triệu đồng từ các đơn vị xuất bản và mạnh thường quân.

Hoàng Quỳnh

Bạn có thể quan tâm