Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ba giải pháp đột phá phát triển thị trường xuất bản, in, phát hành

Phát triển dòng sách tinh gọn, thành lập trung tâm tư vấn ngành in, tăng cường nhập khẩu xuất bản phẩm ủy thác là ba giải pháp nhằm kích hoạt thị trường sách.

Giai phap xuat ban anh 1

Thời gian qua, thị trường xuất bản thế giới có nhiều biến động. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng, xáo trộn nguồn nhân lực khiến một số nền xuất bản đưa ra nhiều giải pháp khắc phục. Xuất bản Việt Nam trải qua khoảng thời gian khó khăn của đại dịch đang tìm hướng bứt phá. Chiến lược phát triển mới của ngành được ban hành từ tháng 9/2021 với rất nhiều mục tiêu nhiệm vụ xoay quanh 4 trọng tâm: hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực, phát triển nguồn nhân lực và tăng cường công tác quản lý.

Một số bài toán mới đang được Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông chú trọng đến là triển khai phát triển thị trường mới. Đầu tiên là phát triển thị trường sách tinh gọn; thứ hai là mở rộng thị trường in, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; thứ ba là phát triển lĩnh vực phát hành nội địa đáp ứng nhu cầu đọc sách ngoại văn.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - chia sẻ về những chiến lược mới nhằm thúc đẩy ngành sách có chuyển biến tích cực.

Khai phá thị trường sách tinh gọn

- Sách tinh gọn là thị trường khá mới mẻ với ngành xuất bản. Ông nhận định thế nào về tiềm năng của thị trường sách tinh gọn?

- Sách tinh gọn là hướng đi mới, nằm trong xu thế của ngành xuất bản toàn cầu. Phát triển thị trường này, các đơn vị xuất bản hay nhà phát hành không thể đi một mình, mà cần sự kết hợp của cả hệ thống. Trên thế giới, ngành sách tinh gọn đã có những bước phát triển đáng kinh ngạc. Những thành tựu đáng kể cho thấy sách tinh gọn là một thị trường tiềm năng mà Việt Nam có thể học tập và khai thác.

Ở nước ta, dòng sách này còn khá mới, để phát triển được vẫn cần nhiều nỗ lực. Chúng tôi đang cùng các đơn vị trong ngành từng bước kích hoạt thị trường này theo lộ trình xác định bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của các đơn vị xuất bản về việc tiếp cận nhu cầu này, tạo lập thói quen bạn đọc bằng việc làm quen với các sản phẩm sách tinh gọn, trước nhất là sách tóm tắt; xây dựng đội ngũ và quy trình làm sách tinh gọn, nhất là hình thành đội ngũ tác giả.

Giai phap xuat ban anh 2

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Duy Anh.

- Theo quan sát của ông, kết quả bước đầu của thị trường này như thế nào?

- Từ hội thảo đầu năm tại TP.HCM đến nay đã được 6 tháng. Với rất nhiều nỗ lực, đến nay chúng ta có gần 1.000 đầu sách ngắn - tóm tắt các loại, nhiều nhất là sách nói.

Mảng sách ngắn - cẩm nang cũng được quan tâm hơn với hơn 200 đầu sách các loại. Tuy nhiên, mảng sách ngắn - tinh lược chưa được nhiều. Khó khăn lớn nhất đến từ bản quyền và tác giả.

Cục đang tích cực hỗ trợ một vài nhà xuất bản để kích hoạt mảng sách này. Tuy nhiên, điều quan trọng là nhận thức của các nhà xuất bản đã bắt đầu thay đổi; thói quen đọc cũng đang dần hình thành, tức là các nhân tố đầu tiên và quan trọng nhất để hình thành thị trường đang được tạo lập.

Song con đường trước mắt còn dài. Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ đồng hành cùng các đơn vị để phát triển thị trường này, tiếp tục có những hướng dẫn cụ thể cho các đơn vị sao cho sách tinh gọn khi ra mắt đảm bảo được quyền sở hữu trí tuệ và quyền lợi của các bên.

Mở rộng thị trường in xuất khẩu, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

- Vì sao ông cho rằng thành lập Trung tâm tư vấn là giải pháp quan trọng để mở rộng thị trường in xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu?

- Trước hết tôi muốn chia sẻ với các bạn vì sao phải phát triển thị trường này. Theo một báo cáo của IPA (Hiệp hội Xuất bản Thế giới) năm 2020, thị trường in Thái Lan có quy mô khoảng 9 tỷ USD trong đó có khoảng 2 tỷ cho xuất khẩu. Năm 2021, thị trường in Việt Nam vào khoảng 4,2 tỷ (theo báo cáo tổng hợp từ các địa phương) và khoảng 5,5 tỷ (dựa trên nguyên liệu tiêu thụ của ngành). Dù là con số nào thì chúng ta còn cách Thái Lan một khoảng cách khá xa.

Dư địa để phát triển thị trường in nội địa không còn nhiều. Để phát triển, in xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là định hướng chiến lược phát triển. Song lực cản thực hiện hiện nay không chỉ ở năng lực đầu tư công nghệ mà trước hết là những hạn chế nắm bắt cơ hội, xác định định hướng đầu tư, công nghệ, quản trị, nhân lực phù hợp.

Chúng tôi sẽ tập trung xây dựng Trung tâm Tư vấn ngành in. Trung tâm này sẽ triển khai tư vấn về mặt pháp luật, chuyển giao công nghệ in và quản lý chất lượng. Trung tâm này cũng sẽ tham gia vào hỗ trợ đào tạo, xúc tiến thương mại, kết nối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tổ chức các triển lãm, hội chợ, hội thảo bàn luận các chuyên đề khoa học, đưa ra các giải pháp như giải pháp công nghệ xanh.

Trung tâm Tư vấn ngành in sẽ đóng vai trò kết nối, chia sẻ thông tin, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành. Chúng tôi mong rằng trung tâm này sẽ giúp các đơn vị dễ dàng kết nối thông tin, chia sẻ công nghệ, kinh nghiệm để tạo sức ảnh hưởng tốt tới ngành.

- Ông có thể cho biết Trung tâm Tư vấn ngành in sẽ được thành lập ở đâu, đã triển khai đến bước nào?

- Vừa qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã làm việc với Hội in TP.HCM, trường cao đẳng In Hà Nội, bàn thảo về cách thức hoạt động, thành lập Trung tâm Tư vấn ngành in ở TP.HCM. Từ giờ tới cuối năm, chúng tôi sẽ tìm cách xác định mô hình hoạt động (phi lợi nhuận hay có lợi nhuận…) và xây được nền tảng công nghệ cho trung tâm.

Giai phap xuat ban anh 3

Sách ngoại văn là một thị trường rất lớn và tiềm năng. Ảnh: Washingtonian.

Phát triển thị trường sách ngoại văn

- Bên cạnh khai phá thị trường sách tinh gọn và thúc đẩy mở rộng hoạt động của ngành in, lĩnh vực phát hành có điểm gì mới?

- Chúng ta đang hướng đến phát triển xã hội tri thức và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi nghĩ việc tạo ra một cánh cửa để bạn đọc tiếp cận với nguồn tri thức thế giới là cần thiết. Ngoài việc mua bản thảo, tổ chức dịch thuật, xuất bản tác phẩm trong nước, vẫn còn một giải pháp nữa là nhập khẩu sách ngoại văn.

Hiện nay, 23 doanh nghiệp nhập khẩu xuất bản phẩm mới chủ yếu quan tâm đến thị trường nhập khẩu kinh doanh phục vụ nhu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Những nhu cầu cá thể đang được thực hiện qua kênh nhập khẩu không kinh doanh qua hệ thống các sở thông tin và truyền thông, chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM.

Tuy nhiên kênh này cũng có nhiều hạn chế do quy trình phức tạp đối với người có nhu cầu nhập, gây áp lực quá lớn lên các cơ quan quản lý phân cấp làm thủ tục nhập khẩu, khi hầu hết cơ quan tinh giảm biên chế, nhân lực rất thiếu. Đó là chưa kể một số tổ chức, cá nhân lợi dụng kênh này để trốn thuế, phí…

Tuy nhiên theo nhận định của chúng tôi, đây sẽ là một thị trường rất lớn và tiềm năng, là một hướng đi hoàn toàn mới của ngành. Vì thế, chúng ta phải tìm ra một giải pháp hài hòa, đáp ứng nhu cầu trên cả 2 phương diện.

Vừa qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cùng các đơn vị xuất nhập khẩu sách Hà Nội. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan về công nghệ như Cục Chuyển đổi số, làm việc với các đơn vị về pháp lý và các đơn vị khác để giải quyết các vấn đề phát sinh.

Chúng tôi hướng đến thay đổi nhận thức đơn vị kinh doanh, đáp ứng nhu cầu nhập khẩu sách ngoại văn và tăng cường nhập khẩu ủy thác. Để làm được điều đó, chúng ta cần tập trung giải bài toán nền tảng công nghệ, bài toán nhân lực, logistics, kết nối thị trường nước ngoài…

Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ đồng hành với doanh nghiệp để làm. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý sẽ tăng cường năng lực quản lý để hỗ trợ nhau, trong đó, quan trọng nhất là kết nối, chia sẻ thông tin quản lý, giúp giảm áp lực quản lý, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí.

- Ông nhận định như thế nào về tính khả thi của ba bước đi này? Chúng sẽ tác động ra sao tới thị trường sách?

- Đây là những nhiệm vụ mới. Điểm quan trọng chính là ba bài toán này kích hoạt những thị trường mới: thị trường sách tóm tắt, thị trường cho các đơn vị in mở rộng phạm vi hoạt động, thị trường nhập khẩu sách ngoại văn quan tâm đến nhu cầu của từng cá nhân.

Tôi hy vọng ba hướng phát triển hoàn toàn mới này sẽ đưa ra những bước chuyển mình cho ngành xuất bản, in và phát hành.

Nhìn thẳng, không né tránh những vấn đề của ngành sách

Nhìn thẳng, không né tránh, tập trung vào những vấn đề cần giải quyết là tinh thần của hội thảo tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm.

Sách tóm tắt bùng nổ trên thế giới

Sau làn sóng sách điện tử và sách nói, sách tóm tắt (hay còn gọi là sách tinh gọn) đang trở thành xu thế của ngành xuất bản.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm