Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Thụy Trang. |
Tại hội nghị Giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2022 hôm 21/12, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đã chia sẻ về những thành quả đạt được của hội trong công cuộc xây dựng một nền xuất bản lành mạnh, đồng thời tiếp tục khẳng định đây là một phương hướng, nhiệm vụ của Hội trong năm 2023.
Xây dựng một môi trường văn hóa, thúc đẩy văn hóa đọc là tầm nhìn của nhiều đại biểu trong hội nghị giao ban lần này.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ thời gian gần đây, chủ đề về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người và hệ giá trị gia đình được bàn đến nhiều. Ông tin rằng ngành xuất bản phải là một phần giúp xây dựng những hệ giá trị ấy.
Ý kiến này được nhiều đại biểu đồng tình. Xuất bản nói chung và sách nói riêng, trước nay, vẫn là một "sản phẩm" góp phần định hướng tư tưởng con người, là một phần căn cốt của văn hóa.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành xuất bản có thể là gốc, nền cho những ngành công nghiệp văn hóa khác như điện ảnh, game. Tầm ảnh hưởng của sách, văn học sâu rộng, có nhiều tác động đến văn hóa đại chúng.
Văn học có thể kết nối với truyền hình, điện ảnh. Ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng ngành điện ảnh Việt Nam rất hoan nghênh các kịch bản, cốt truyện từ văn chương. "Vòng đời của một tác phẩm không chỉ dừng ở sách", ông Nguyễn Thanh Lâm nói.
Với khả năng tác động sâu rộng như vậy, việc định hướng cho xuất bản góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia, văn hóa và con người là khả thi. Nhưng để làm được, cần có sự đảm bảo về mặt chất lượng, giá trị cho các xuất bản phẩm.
Xu hướng của ngành hiện nay là không xuất bản tràn lan, mà tinh gọn, xuất bản những sản phẩm giá trị.
Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát nội dung cũng được đặt ra, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, đưa xuất bản lên không gian mạng. Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, cho biết ông đã bắt gặp những bản sách lậu trên mạng với nội dung sai lệch, tiềm tàng nhiều nguy hiểm cho công tác xuất bản sách chính trị điện tử.
Ông cho rằng nhiều sách sao chép lậu, ẩu, chia sẻ nội dung không chính xác, có thể gây ảnh hưởng không tốt. Vì vậy, cần có chế tài, chính sách kiểm soát vấn nạn sách lậu trên mạng.
Ông Nguyễn Thanh Lâm cũng cho rằng ngành xuất bản cần chú trọng đầu tư công nghệ, cùng chung tay phát triển công nghệ để quản lý bản quyền sách điện tử. Đồng thời, ông cho rằng cần tìm cách phát triển văn hóa mua sách, để người dân có ý thức đọc sách bản quyền, trả tiền cho sách bản quyền.
Theo báo cáo "Tổng kết công tác năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Hội Xuất bản Việt Nam", thời gian qua, công tác phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đã có nhiều bước tiến. Bên cạnh các hội nghị, hội thảo, tọa đàm cùng các hoạt động lễ hội, trao giải, hoạt động phối hợp với báo chí cũng đã góp phần lan tỏa văn hóa đọc.
Trong đó, việc đăng nhiều tin bài về hoạt động xuất bản, lồng ghép nội dung sách vào các bài viết chân dung, câu chuyện, tăng cường các tuyến bài chuyên sâu, nghiên cứu hoạt động của ngành... đã đóng góp vào sự phát triển của ngành.
Ngành xuất bản bước ra khỏi đại dịch Covid-19, được ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, ví như một chiếc lò xo bị nén đã bung nở, phát triển mạnh mẽ. Nhiều hoạt động hội sách diễn ra nhận được sự hưởng ứng của độc giả. Các dịp hội diễn ra càng thêm phần sôi động khi công tác tuyên truyền được đẩy mạnh.