“Viễn cảnh Liên Xô tấn công châu Âu không còn là mối đe dọa thực tế nữa”, cựu Tổng thống Mỹ George HW Bush nói vào năm 1991 khi ông tuyên bố Mỹ sẽ cắt giảm 25% chi tiêu quốc phòng, đồng thời khẳng định mối đe dọa an ninh đã giảm dần khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Những tuyên bố của cựu tổng thống Mỹ khi đó đã báo hiệu kỷ nguyên lạc quan về "lợi nhuận của hòa bình". Các chính phủ phương Tây mong muốn tập trung vào các ưu tiên khác ngoài an ninh, chẳng hạn y tế, giáo dục hoặc giảm thuế trong thời kỳ mở rộng thị trường tự do, tự do dân chủ và toàn cầu hóa kinh tế.
Ba thập niên sau, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã đẩy chi tiêu quốc phòng lên chương trình nghị sự một lần nữa. Mỹ đang viện trợ quân sự hàng tỷ USD cho Kyiv. Sau một thời gian hài lòng về an ninh quốc phòng, các nước châu Âu, trong đó có Đức, đã cam kết chi tiêu nhiều hơn.
“Hiện tại, chúng ta đang ở trong một kỷ nguyên mới đối lập với toàn cầu hóa, nơi mà các mối quan tâm về luật pháp và an ninh vượt lên trên thị trường tự do và kinh tế”, Nigel Gould-Davies - thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London - cho biết.
Nhưng xu thế mới có thể làm tổn hại tới mức sống tiêu chuẩn của phương Tây. Như Thủ tướng Estonia Kaja Kallas - quốc gia láng giềng của Nga - nói: “Chúng tôi rất muốn đầu tư tất cả số tiền đã đổ vào quốc phòng chuyển sang giáo dục. Nhưng chúng tôi thực sự không có sự lựa chọn nào cả”.
Không có lựa chọn?
Chi tiêu quân sự của phương Tây đã tăng lên vào giữa những năm 2010, khi Nga sáp nhập Crimea và hỗ trợ phong trào ly khai ở miền Đông Ukraine vào năm 2014, cộng với lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tất cả lý do đó tạo động lực cho Mỹ, Anh và EU tái đầu tư vào ngân sách an ninh sau khi cắt giảm chi tiêu này vào năm khủng hoảng tài chính 2008.
Diego Lopes da Silva - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm - cho biết chi tiêu quân sự tiếp tục tăng nhẹ do đại dịch Covid-19. Nhưng việc đảo ngược hoàn toàn “lợi nhuận hòa bình” sau Chiến tranh Lạnh sẽ đòi hỏi một khoản phí ở quy mô hoàn toàn khác. Điều này cũng cạnh tranh với các nhu cầu cấp bách khác, chẳng hạn như quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Vào cuối những năm 1980, Mỹ đã chi 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng. Năm ngoái, con số này giảm còn 3,5%. Các nước EU còn cắt giảm mạnh hơn nữa, một phần vì họ đứng dưới “tán ô” đảm bảo an ninh của Mỹ, một phần vì quy tắc hạn chế thâm hụt ngân sách và khả năng tăng nợ.
Chi tiêu quốc phòng của một số nước so với % GDP năm 1980-2020. Đồ họa: Financial Times. |
Năm ngoái, trong số 30 quốc gia thành viên của NATO, chỉ có Mỹ, Anh, Pháp, các quốc gia vùng Baltic, Na Uy, Ba Lan và Romania đạt mục tiêu liên minh đề ra là chi 2% GDP cho quốc phòng. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - chỉ chi 1,3%.
Cuộc chiến tại Ukraine đã khiến những tính toán này thay đổi. Financial Times cho rằng mặc dù phương Tây hiện có thể coi là mạnh hơn Nga về mặt quân sự, không giống như Chiến tranh Lạnh, “sự khó đoán” của Moscow khiến giới chức phương Tây phải hành động.
Các nhà phân tích và quan chức quốc phòng hàng đầu cho biết lực lượng NATO có khả năng sẵn sàng chiến đấu được bố trí ở các quốc gia giáp biên giới với Nga, đặc biệt là vùng Baltic. Lượng quân và đạn dược chuẩn bị cho chiến đấu cũng tăng lên.
Quân đội Đức gần đây tiết lộ họ đang thiếu thiết bị sẵn sàng chiến đấu. Ngay cả Mỹ, quốc gia chi tiêu cho quốc phòng lớn nhất thế giới, cũng bị động: Nước này đã gửi 1/3 số tên lửa chống tăng Javelin tới Ukraine, trong khi quá trình bổ sung số tên lửa đó sẽ mất nhiều năm.
Bài toán khó của phương Tây
Tuy nhiên, việc cam kết tăng chi tiêu quốc phòng của châu Âu khiến các chính phủ gặp một vấn đề khác: Giới chức trách cần phải giúp người dân đối phó với khủng hoảng chi phí lương thực và năng lượng ngày càng trầm trọng do xung đột Ukraine.
"Trọng tâm trong suy nghĩ của Điện Kremlin là phương Tây sẽ không ứng phó, và cuối cùng sẽ mệt mỏi với việc hỗ trợ Ukraine", một quan chức tình báo cấp cao của châu Âu cho biết.
Ngay cả ở Na Uy giàu năng lượng - nơi đang thu lợi từ giá dầu tăng - cũng xuất hiện những lo ngại rằng mục tiêu chi tiêu 2% GDP của NATO vượt quá tầm với. Trong khi đó, tại Vương quốc Anh - quốc gia có quân đội lớn thứ hai NATO, các chính trị gia hàng đầu đang kêu gọi tăng ngân sách quốc phòng lên 3% GDP.
Đức cam kết đạt, thậm chí vượt mục tiêu của NATO. Các nhà phân tích ước tính quỹ quốc phòng trị giá 100 tỷ euro mà nước này đang thiết lập chỉ đủ để bù vào khoảng chênh lệch chi tiêu trong hai năm.
Tàu chiến đổ bộ của Hải quân Mỹ USS Kearsarge đến Stockholm vào ngày 4/6. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vạch ra kế hoạch tăng cường chi tiêu quân sự, nhưng cơ quan kiểm toán cảnh báo rằng nếu muốn làm vậy, Paris sẽ phải điều chỉnh các khoản chi tiêu khác để đạt được mục tiêu thâm hụt ngân sách.
Tại Italy, mong muốn tăng chi tiêu quốc phòng của Thủ tướng Mario Draghi đã vấp phải sự phản đối của công chúng khi giáo viên đe dọa biểu tình và nhân viên giao thông công cộng tuyên bố đình công.
Và ở Tây Ban Nha, mục tiêu đạt 2% GDP của Thủ tướng Pedro Sánchez vào năm 2030 vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ đối tác liên minh trong chính phủ. Phó thủ tướng Yolanda Díaz nói ưu tiên của nước này nên là “nghiên cứu, giáo dục và y tế”.
Hà Lan là một ví dụ hiếm hoi mà chính phủ dường như đã giải quyết được bài toán khó. Tuần trước, nước này thông báo về một loạt các khoản tăng chi tiêu để đạt mục tiêu 2% GDP vào năm 2024, bù từ việc tăng thuế, cắt giảm chi tiêu và vay nợ công.
“Năm 2022 là năm mà tầm quan trọng của chi tiêu quốc phòng được công nhận. Nhưng không nhất thiết là năm mà gánh nặng thuế cũng phải tăng lên để bù đắp cho điều này", John Llewellyn - người từng giữ chức trưởng bộ phận dự báo quốc tế tại OECD và là đối tác của Llewellyn Consulting - kết luận.