Không chỉ trình diễn sản phẩm mới, mỗi kỳ CES còn cho thấy xu hướng công nghệ thể hiện trong các buổi họp báo, gian hàng trưng bày và gặp gỡ đối tác.
Từ trí tuệ nhân tạo (AI), màn hình trong suốt đến nhà thông minh, đây là những điểm nhấn công nghệ tại triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới.
AI xuất hiện khắp nơi
Không phải lần đầu góp mặt tại CES nhưng phải đến năm nay, AI mới trở thành trọng tâm của triển lãm.
Dựa trên sản phẩm hoặc dịch vụ truyền thống, các nhà sản xuất bổ sung lớp AI để tăng trải nghiệm cho người dùng. Một số thiết bị tích hợp AI nổi bật như ống nhòm xác định loài chim, gối điều chỉnh đầu giúp giảm tiếng ngáy...
Không thể bỏ qua các ứng dụng AI tạo sinh như ChatGPT hay Copilot. Những chiếc xe Volkswagen trong tương lai sẽ tích hợp ChatGPT, trong khi BMW kết hợp cùng Alexa giúp người dùng "nói chuyện" với ôtô một cách tự nhiên hơn. Mẫu TV chèn quảng cáo của Telly cũng sẽ có ChatGPT.
Một số sản phẩm AI thú vị như robot quản gia Ballie của Samsung hay thiết bị xử lý AI Rabbit R1. Tiếp đến là hàng loạt laptop trang bị phím Copilot để kích hoạt chatbot của Microsoft.
"Không còn nghi ngờ nữa, AI - đặc biệt là AI tạo sinh - sẽ trở thành yếu tố quan trọng trên các sản phẩm và dịch vụ mới", biên tập viên Connie Guglielmo của CNET chia sẻ.
Đồng quan điểm, Sameer Samat, Phó chủ tịch phụ trách hệ sinh thái Android của Google, dự đoán AI sẽ đóng vai trò lớn trong quá trình thay đổi cách con người tương tác với điện thoại.
"Chúng ta chỉ mới bắt đầu chứng kiến công nghệ nền tảng này sẽ thay đổi cách con người làm việc, sống và tương tác với thế giới như thế nào", Samat nhận định.
Loạt công nghệ màn hình mới
Công nghệ màn hình luôn là chủ đề nổi bật tại CES. Năm nay, điểm nhấn trong công nghệ màn hình đến từ TV siêu lớn, màn hình uốn dẻo và trong suốt.
Đầu tiên, TCL giới thiệu TV QM8 với độ sáng tối đa 5.000 nit. Không chịu thua kém, Hisense cũng trình làng 110UX, độ sáng lên đến 10.000 nit. Không chỉ siêu sáng, chúng còn rất lớn với kích thước lần lượt 110 inch và 115 inch.
Trong khi đó, công ty C Seed (trụ sở tại Áo) mang đến triển lãm N1, mẫu TV gập kích thước 137 inch với giá 200.000 USD. Điều đó cho thấy tuy công nghệ màn hình luôn cải tiến, giá bán vẫn là trở ngại khiến người dùng khó tiếp cận.
Xu hướng mới tại CES 2024 là màn hình trong suốt. Sau nhiều năm sản xuất màn hình OLED trong suốt cho doanh nghiệp, LG mới sẵn sàng bán ra TV OLED trong suốt cho người dùng vào cuối năm nay.
Khi không sử dụng, LG Signature OLED T sẽ hòa quyện với không gian xung quanh phòng, thay vì chỉ đơn giản là hình chữ nhật màu đen. Người dùng có thể biến TV thành khung tranh, hồ cá hoặc hiện bất cứ nội dung ưa thích. Khi xem TV, tấm phim tương phản phía sau sẽ cuộn lên, cho trải nghiệm hình ảnh tốt hơn.
Samsung cũng trình diễn tấm nền micro-LED trong suốt với độ sáng cao và không có khung viền. Tuy nhiên, chưa rõ thời điểm công nghệ này xuất hiện trên thiết bị bán lẻ.
Với thiết bị di động, TCL giới thiệu Nxtpaper 3.0, phiên bản mới của công nghệ màn hình tiết kiệm năng lượng sử dụng mực điện tử màu, phủ nhiều lớp lọc giúp giảm 61% ánh sáng xanh. Lớp phủ trên cùng màn hình cho cảm giác chạm như giấy, chống phản chiếu ánh sáng và vân tay.
Trong khi đó, Samsung trình diễn nguyên mẫu Flex In & Out Flip, mẫu smartphone ngoại hình giống Galaxy Z Flip nhưng có thể gâp 2 chiều, cho phép sử dụng ngay cả khi gập lại.
Dù mới là bản thử nghiệm, thiết kế mới cho thấy tham vọng của công ty Hàn Quốc trên thị trường smartphone gập. Điều đó cũng chứng tỏ các hãng mong muốn điện thoại gập có nhiều thiết kế đa dạng, thú vị hơn.
Thay đổi thói quen chơi game?
CES luôn là nơi trình làng phần cứng chơi game mới. Đầu tiên, dòng chip xử lý thế hệ thứ 14 của Intel sẽ được trang bị trên các dòng laptop của Alienware, Lenovo, Asus, Razer...
Một số model như HP Omen Transcend 14 loại bỏ ngoại hình cồng kềnh thường thấy để thay bằng thiết kế đơn giản, phù hợp làm văn phòng lẫn chơi game.
Tiếp theo, AMD và Nvidia giới thiệu một số card đồ họa (GPU) chơi game, Asus trình làng smartphone chuyên game ROG Phone 8, còn Razer ra mắt ghế chơi game tích hợp phản hồi xúc giác.
CES 2024 cũng chứng kiến màn ra mắt của MSI Claw, máy chơi game cầm tay chạy Windows đầu tiên dùng chip xử lý Intel. Từ khi Steam Deck xuất hiện vào năm 2022, thị trường máy chơi game di động dần được các hãng chú trọng.
Thay vì ngồi một chỗ trước màn hình lớn, MSI Claw, Steam Deck hay Asus ROG Ally cho phép game thủ tận hưởng trò chơi ưa thích từ mọi nơi và mọi tư thế.
Trong khi sản phẩm của Valve, Asus hay Lenovo sử dụng chip xử lý AMD, MSI Claw trang bị các tùy chọn xử lý Intel Core Ultra 5 hoặc Ultra 7.
"Intel đang tham gia cuộc chơi làm chip cho máy chơi game cầm tay. Điều đó trao thêm cơ hội để nhà sản xuất phần cứng tạo ra những thiết bị giống Steam Deck nhưng chạy Windows", cây viết Scott Stein của CNET nhận định.
Giao thức nhà thông minh "chậm mà chắc"
Không còn là cuộc chơi của mỗi nhà sản xuất, sự ra mắt của giao thức Matter vào năm 2022 hứa hẹn giúp những thiết bị nhà thông minh giao tiếp liền mạch hơn.
Dù không quá ấn tượng, các sản phẩm nhà thông minh tại CES 2024 cho thấy Matter ngày càng phổ biến. Ví dụ, Amazon công bố Fire TV và Echo Show 15 sẽ sử dụng Matter Casting để chiếu nội dung từ thiết bị chạy iOS lẫn Android.
Ecovacs X2, thiết bị kết hợp robot và máy hút bụi cầm tay, cũng có thể đồng bộ với nhà thông minh nhờ giao thức Matter. Trong khi đó, Samsung trình diễn chế độ xem bản đồ thiết bị thông minh trong nhà, liên kết với nhau bằng Matter.
Theo PCMag, chúng không phải tính năng mới với các hệ sinh thái độc quyền. Tuy nhiên, việc hỗ trợ Matter cho thấy xu hướng lớn hơn trên thị trường nhà thông minh, khi các thiết bị sẵn sàng áp dụng tiêu chuẩn chung để kết nối, tăng sự thuận tiện và đơn giản cho người dùng.
Công nghệ xanh được chú trọng
Những năm gần đây, nhu cầu dùng điện ngày càng tăng trong khi giá điện tăng vọt, gây áp lực lên lưới điện tại nhiều khu vực. Tại CES 2024, nhiều công ty mang đến giải pháp công nghệ xanh, giúp sử dụng và quản lý năng lượng chủ động hơn.
Trạm điện dự phòng EcoFlow, pin mặt trời dưới dạng đồ trang trí chỉ là một số sản phẩm nhỏ. Các giải pháp lớn hơn gồm máy tạo nước từ không khí, hệ thống chuyển năng lượng trong nhà từ lưới điện sang pin mặt trời bằng một nút bấm...
Dù chưa thể tạo ra tác động lớn trong thời gian ngắn, Thomas Husson, nhà phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Forrester, nhận định đây là những bước đi nhỏ nhưng đúng hướng.
"Giai đoạn tiếp theo sẽ là tích hợp các nguyên lý về năng lượng bền vững, kinh tế tuần hoàn vào thiết kế sản phẩm và công nghệ mới", Husson nhấn mạnh.
Những câu hỏi chúng ta phải đối mặt trong thế giới AI
Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về thế giới AI, mà đó đều là những nghi hoặc không dễ có ngay đáp án.
Cuốn sách Thời đại AI - Và tương lai loài người chúng ta trình bày cách AI làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tri thức, chính trị và xã hội. Mục tiêu tối thượng của cuốn sách này là giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để bắt đầu trả lời chúng.