Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xôi và những niềm thương nhớ Tết

Trong mâm cúng giao thừa làm sao thiếu được đĩa xôi gấc. Hạt nếp đỏ tươi, căng bóng, vừa dẻo lại thơm mùi mỡ gà, chứng tỏ được cái đảm đang của cô con gái mới lớn.

Dac san thoi yeu anh 1

Xôi là món ăn quen thuộc trong ngày Tết cổ truyền. Ảnh: Lorca.

[...]

Nói vậy chứ con gái tuổi đó cũng ít đứa vô tâm nhiều thiện ý như mình. Mải chuyện, lại ngây ngô lên giọng rủ rê mai qua nhà em có xôi gấc. Đồng loạt những đôi mắt bọn con trai đang ngồi vui vẻ lườm nguýt nhau quay nhìn. Người được mời cũng nhìn, ngờ ngợ như muốn hiểu. Mình cũng hiểu rồi, vội vàng giật mình à em quên.

Là bởi mai sáng ba mươi, nhà nào cũng bận, không ai lại rủ rê người ngoài. Anh chàng nào mà lớn xớn được ở nhà cô bạn nào vào cái lúc nhà người ta bận bịu tất niên bên chõ xôi nồi bánh thì cũng phải là đã chắc chân thành con cái trong nhà tới năm sáu chục phần trăm rồi.

Mà mình, khổ, đón đưa đông đảo thế chứ có ai đứng nghiêm trước mặt tuyên bố rằng anh yêu em đâu. Như bọn trẻ bây giờ đâu. Cứ phải là tự hiểu rồi tự quyết bật đèn xanh hay đỏ. Mà mình thì nhát, chẳng dám tự hiểu theo kiểu lợi lộc cho mình bao giờ. Chao ơi, giá sống lại được tuổi mười tám ấy liệu mình có vô tâm được vì nhát như ngày ấy?

Các đội khách lục tục xỏ giày, cầu thang không còn vẳng tiếng chân giọng nói quen nào nữa, quét nhà rửa cốc tách xong đã sắp sang ngày mới, giấc ngủ bồn chồn nhộn nhịp nỗi băn khoăn và niềm vui, sáng ra, chị em ngồi trên ban công chuẩn bị cơm nước ngày tất niên, món đầu tiên làm sớm không sợ nguội là món xôi gấc.

Gạo ngâm rồi phải đổ ra rá cho róc nước, xóc thêm tí muối. Chõ đâu? Lấy tờ báo để lát nữa lót miệng chõ đậy vung cho thật kín hơi! Xong! Còn gấc?

Quả gấc bổ ra có màu cam già hay bột nghệ pha nước nóng, vét tất cả vào bát rồi thêm vào đó đôi ba thìa rượu trắng, đánh kĩ. Bà chị than mày không có mắt, mua là phải mua gấc nếp mới đỏ, chứ quả này màu hoen hoen bổ ra được tí tẹo ruột thế này sợ xôi không dậy màu.

Ối giời, bọn con giai bước mòn đá hoa sàn nhà mình đấy mà đến chị khôn hơn em còn chẳng biết lòng dạ chúng họ thế nào để mà lắc hay gật, giờ lại còn đòi em tinh tướng đến mức phân biệt được gấc nếp hay gấc tẻ. Cái anh bán gấc anh ấy bảo..., thì thôi cũng chỉ có thể cãi vậy làm bằng.

Dac san thoi yeu anh 2

Tập tản văn Đặc sản thời yêu của Lê Minh Hà. Ảnh: K.Đ.

Câu trước câu sau, trộn bát ruột gấc đã đánh nhuyễn cùng rượu vào với gạo đã để ráo nước từ khi nãy rồi cẩn thận trút dần vào chõ, lấy đũa chọc chọc vào ba cái cho dễ lên hơi rồi thì bật bếp. Chị em càu nhàu trêu chòng nhau, rau cỏ nhặt đã đầy rổ lớn rổ bé, lại còn kịp đun lưng ấm nước sôi ngâm chậu bồ kết để đó, chờ đến tối vãn việc nấu nồi nước lá hương bài nữa tẩm hoa... thì xôi được, dỡ ra đơm.

Hạt xôi no tròn, dẻo, vừa khô vừa mướt, óng ánh màu gấc đỏ. Gạo nếp trộn ruột gấc đánh với rượu đã dậy màu, chạm hơi nước lửa ngả từ màu cam đầu vụ sang màu đỏ chính vụ, càng thắm thiết bên sắc đen già của những hạt gấc rất đỗi tạo hình.

Xôi nhà, chẳng phải để bán hàng, nên cũng không làm động tác dỡ ra nửa chừng đảo từ dưới lên trên rồi đồ lại để những hạt đáy chõ không bị nhão, thế nên chị em lừa lừa các cụ trên bàn thờ chả nhìn thấy mình ở xó này, thò tay bốc bải một chút khi mang chõ đi ngâm.

Hạt xôi mềm, thơm, ra vị gấc rồi, chỉ còn phải thêm chút ngọt và chút béo. Chút béo, thì rẻo mỡ gà dứt ra ở con gà vừa mổ moi ấy, rán lên. Đường trắng đôi ba thìa nữa. Rưới vào rá xôi mới dỡ, xới nhanh tay cho thấm đều. Đến đoạn béo với ngọt này là tôi phó thác cho bà chị. Quá tay một chút béo, xôi mất vị thanh. Quá tay một chút ngọt, xôi dường như nát. Khó phết và tôi thì sợ trách nhiệm, dẫu tính khí ngang cành cành.

Xôi được rồi, tìm mấy cái đĩa tròn không quá lớn quá bé mà đơm, nhặt mấy hạt gấc cô độc, hạt đã tróc vỏ hạt chưa đặt lên chốc đĩa. Còn mấy hạt dính rá, lại trộm vía các cụ nhặt đưa lên miệng, vừa nhấm nhót vừa bình luận với nhau là được đấy. Xôi đỏ được sắc đen tôn màu, đặt tạm lên mặt bàn đã bày một bình hoa có chân chim tím khiêm nhường, bông thược dược vàng kiêu hãnh, nhành lay ơn hồng phấn và đôi ba bông đồng tiền đơn đỏ thắm thiết, nhìn xem!

Đĩa xôi đẹp vẻ đẹp vương giả ấy, chờ tỏa bớt hơi nóng, lát nữa, món nọ món kia xong, buông tay áo xuống che cẳng tay con gái đỏ lên vì hơi giá và vì nước lạnh, một đĩa đặt trước vào cái mâm cúng phút giao thừa, một đĩa thỉnh lên bàn thờ đã đủ mâm ngũ quả, cặp bánh chưng gửi nấu bên nhà hàng xóm chạy ù qua lấy về, bình hoa huệ ta nụ trắng xanh rối rít xui nhau nở.

Đến lúc cúng bái xong, hạ đĩa xôi từ trên bàn thờ xuống, đôi ba hạt gấc đã se mình mà hạt gạo đồ chưa kịp “lại”, ăn mà cảm giác như thấm chút mùi hương vòng, mùi hoa huệ, ấy mới là Tết, ấy mới là xuân.

Ở đây theo lịch thì còn lâu mới xuân. Tây ta vênh nhau thế đấy. Ta sướng thế đấy, ăn hết Tết dương lịch lại Tết âm lịch. Nhưng mà ăn như thế nào? Mùng một Tết là thứ hai. Chồng vẫn đi làm con vẫn đi học. Măng khô giờ không gác bếp, thiếu vị đất và khói bền bỉ lành hiền, ăn chẳng được như xưa, nhưng ngâm vài ba hôm đã có thể ninh.

Bánh chưng đặt rồi, ba mươi Tết nghe chuông điện thoại reo là biết bánh vớt rồi, vợ giục chồng đi lấy, biết chỉ có năm phút chạy xe nhưng chồng đi có khi mất mấy tiếng đồng hồ, về lại lỉnh kỉnh quà Tết Việt chủ nhà dúi cho, toàn đồ ăn thôi, miếng bóng, góc bánh chưng đã bóc, túi hạt tiêu trồng đúng ở đất quê về thăm nhà mang sang...

Rồi thì nấu thêm dăm ba món, tối sẩm, tính đúng phút giao thừa... ở Việt Nam thì sẽ thắp hương, rồi cả nhà sẽ làm một vòng ngoài phố, xông đủ bốn phương trời, lúc trở về để cho con mở cửa nhà. Thằng bé hớn hở vì biết sau đó sẽ được bố mẹ mừng tuổi, sẽ có tiền tặng mẹ, thằng lớn thì không còn ở tuổi ấy, nhưng vẫn đinh ninh là thủ tục đến nỗi Tết tây cũng hỏi mẹ năm nay ai xông nhà.

Còn các nhà khác? Người Việt nơi này chăm chỉ lắm, ba mươi mồng một Tết có rơi vào thứ bảy, chủ nhật nhiều nhà vẫn mở quán, nghỉ ốm còn chẳng dám nữa là nghỉ ăn Tết đúng ngày. Nhưng Tết vẫn là Tết chứ. Thường thứ ba thì các cửa hàng trong chợ Đồng Xuân Berlin sẽ nghỉ để nhập hàng giao hàng và lo các sự vụ giấy tờ thuế má. Đồ rằng năm nay mồng một Tết thứ ba chợ vẫn mở phục vụ cộng đồng.

Rồi thứ bảy, chủ nhật ra Tết ở nhà thì người Việt bốn phương ngoài quê hương sẽ ăn Tết thật, sẽ đi chùa, sẽ họp hội đồng hương, hội cựu chiến binh, hội tình bạn, hội phụ nữ, không thấy hội đàn ông chắc vì đàn ông hội nào cũng nhập, và rất nhiều hội vân vân khác.

Sẽ vẫn bánh chưng, giò chả, bóng miến măng nem, chẳng thiếu thứ gì, kể cả đào Bắc mai Nam. Hoa nhập từ xứ sở qua. Hoa sẵn ngoài vườn ngoài phố. Cành hoa vàng ở nhà bán đắt lè lưỡi gọi là mai Mỹ, ở đây là hoa bờ rào, chồng tình nguyện đi đổ rác tiện tay bẻ cắm lọ để cuối phòng, chừng mười hôm là bung cánh vàng trổ lộc xanh. Đào Tây từng cành vươn dài mà không tạo thế như bu gà, hoặc vài ba nhánh hạnh nhân mảnh khảnh kiểu đào dăm dung dăng giêng hai ngoài phố, duyên kém gì đâu đào phai một thuở đất Nhật Tân.

Thế thì thiếu gì nữa nhỉ? Ừ xôi. Đồ sẵn, bán đầy trong chợ Đồng Xuân cùng đủ loại giò chả bánh trái, chẳng cứ ngày Tết nhất, xôi hoa cau, xôi bánh khúc, xôi gấc... Xôi gấc cỗ bàn làm hàng đóng khuôn tạo hình hoành tráng gồm mấy lớp, trong đó lớp đỗ xanh đồ hồn hậu lại hóa vô duyên, càng vô duyên hơn khi những hạt gấc đẹp như răng hạt na của những người con gái cười như mùa thu tỏa nắng trong thơ Hoàng Cầm bị loại bỏ.

Thiếu cái hạt gấc không phải để ăn ấy, đĩa xôi gấc rực rỡ nom thành ra rợ. Tôi thích đĩa xôi gấc thật hột nhà làm hơn rất nhiều. Chẳng hẳn vì ngon. Thật ra tôi không phải là người ưa của nếp. Thực ra là vì xuân. Vì xuân thôi. Những mùa xuân đã qua có bao nhiêu người đi ngang đời ta. Rồi không gặp lại.

Người con trai tôi không đi cùng chợ hoa đêm ấy rút cục không được tôi mời xôi gấc và sau mùa xuân ấy tôi cũng không gặp lại.

Nhưng tôi sẽ đồ xôi gấc, xôi màu cam như thằng con bé tiếng Việt ngọng nghịu đặt tên. Bằng gấc đông lạnh, vừa tiện vừa rẻ hơn mua gấc quả, không sợ nhỡ vẫn nhầm nếp với tẻ như thuở nào. Để ăn Tết quê nhà, giữa mùa đông xứ khác, khác thôi, không còn là xứ lạ.

Xuân hờ hững với mình, thì mình phải đánh đường tìm xuân thôi chứ sao.

Nhớ thương Hà Nội với những món ăn đong đầy kỷ niệm

Người Hà Nội nức tiếng sành ăn. Ngoài vừa miệng, đẹp mắt trong bữa cơm, món mặn với món canh phải hài hòa để người ăn không thấy ngán, sự khéo léo thể hiện ở chỗ ấy.

Ký ức đón Tết ở Hà Nội xưa

Ngày Tết đối với tôi là một cái gì đó đẹp đẽ, nhưng rất chóng qua và chỉ còn để trong lòng người một niềm luyến tiếc.

Lê Minh Hà/ NXB Kim Đồng

SÁCH HAY