Dịu mát chè sen nhãn lồng phố cổ. |
Một ngày mát mẻ, nhìn mưa giăng trắng trời, tự nghĩ: đã giữa mùa thu mà sao còn mưa rào có cả sấm chớp? Có phải như ngày xưa mẹ tôi hay nói: Nhiều nhãn thế này, chắc lại nước to đây!?
Y như rằng, mưa thì xối xả ngập lụt hết miền Trung lại miền Bắc, còn nhãn thì được mùa.
Nhãn năm nay quả to và chùm sai trĩu trịt. Đầu tháng tám ta, nhãn đã rộ. Tôi mua được mấy lần, quả to mà vỏ mỏng, cùi dày mềm, ngọt nước; hoàn hảo đến mức cả nhà chỉ nức nở khen, không còn phân biệt được nhãn cùi hay nhãn nước. Các cháu tôi say sưa thưởng thức.
Đến gặp hàng nhãn, thùng hàng mở ra, từng chùm nhãn còn đang gọn ghẽ hàng lối, chứng tỏ chủ vườn đã cẩn thận nâng niu chúng từ ngày đơm hoa kết trái đến tận hôm nay ra chợ. Mọi người nhìn qua đều tấm tắc khen. Cô chủ hàng cứ khoe: “Nhãn lồng nhà cháu đấy, mang từ quê cháu, Hưng Yên lên, các bà mua đi, chỉ mỗi 20 nghìn/1 cân”, rồi nhanh tay lấy túi, xếp cân. Mỗi chị em đi chợ đều thích sự nhanh nhảu và thùng nhãn của cô mà mua mỗi người một túi.
Lễ mễ xách về đến nhà, mời cháu ăn thử, cháu chê không ngon bằng những lần trước, “khô” bà ạ.
À, ra thế… tôi mới giật mình, nhãn lồng mà!
Theo hiểu biết của tôi, nhãn “lồng” chắc là dân gian đặt tên theo cách chế biến: hạt sen “lồng” vào trong cùi nhãn. Bởi vậy, loại nhãn này được trồng riêng, chăm sóc cũng khác, để có cùi khô hơn, giòn hơn và không ngọt lắm.
Người nội trợ tận dụng những đặc điểm này để làm món “chè sen long nhãn”. Hạt sen đun chín tới, nứt nhẹ, vớt để riêng, quả nhãn lồng bóc vỏ, tách cùi thật khéo lấy hạt ra, thay một hạt sen vào rồi xếp ra bát, nước đường trắng đun riêng để nguội, rưới lên bát nhãn lồng sen đó.
Không cho nước sen thì nước đường trong suốt đẹp mắt, nhưng để bổ dưỡng thì lấy nước luộc sen mà hòa đường, nước bát chè sẽ đục nhưng thơm. Hồi còn ở phố Bà Triệu, vào những tối mát trời, đã vài ba lần, mẹ dắt chị em tôi đi bộ lên phố Tràng Thi để ăn chè này.
Trong một cái cổng to rộng, có một bụi tre, hàng chè sen long nhãn bày bàn ghế dưới tán bụi tre, rất nên thơ, tôi rất thích cái khung cảnh ấy và nhớ mãi đến tận bây giờ.
Cũng theo thiển nghĩ của tôi “long nhãn” là mắt rồng, cho nên chè có hạt sen lồng vào cùi nhãn giống mắt rồng mới gọi là “chè sen long nhãn”. Còn cái món chè hạt sen thả cùi nhãn khô vào không gọi là chè sen long nhãn. Ngày xưa ở Hà Nội không có món này, chỉ có chè hạt sen với nước đường thôi.
Từ ngày đất nước thống nhất, Hà Nội có thêm món giải khát “sen dừa”, nó phảng phất hương vị phương Nam. Sau này, ai đó đã thêm vào cốc sen dừa mấy miếng cùi nhãn khô và cái tên “long nhãn” bắt đầu thịnh hành từ ngày ấy.
Nhớ lại khi còn ít tuổi, nhãn khô ấy rất hiếm, chỉ được dùng làm vị thuốc, bốc cho những thang thuốc bồi bổ sức khỏe hoặc chữa các bệnh thần kinh, mất ngủ. Vị thuốc này có tên là “nhãn nhục”.
Nhãn khô được gọi là nhãn nhục, có hai loại đen và trắng (là do cách làm khô mà thành màu sắc khác nhau: nhãn nhục đen là phơi cả quả rồi mới tách cùi; còn nhãn nhục trắng là tách cùi ra rồi phơi hoặc sấy).
Ngày nay, thụ hưởng nhiều thành tựu khoa học công nghệ, sản lượng tăng và chất lượng nông sản cũng tăng, kỹ thuật chế biến cũng văn minh hơn. Nhãn nhục được bán khắp nơi, nó không còn chỉ là vị thuốc trong các thang thuốc bắc, mà chúng ta có thể dùng để ăn vặt, nấu chè, nấu các món ăn, rất bổ dưỡng và rất tiện lợi.
Vài điều chia sẻ với các chị em và các bạn: cuối vụ là lúc thu hoạch nhiều nhãn lồng, chị em và các bạn làm thêm món chè giải khát này cho gia đình mình nhé.
Nâng chén chè sen long nhãn trên tay mà thưởng thức, người thân của bạn sẽ cảm thấy vị ngọt của những tia nắng mặt trời trong quả nhãn, phảng phất thấy mùi bùn trong cái mềm mịn của hạt sen, lại nghe thấy cả tiếng bước chân gió thu đụng nhẹ trên lá cây ngoài cửa sổ… Mọi người cứ chầm chậm mà đón nhận những hương vị ấy của mùa thu - món quà mà đất trời ban tặng cho mỗi chúng ta.