Có lẽ cái tấm lòng biết ơn, không phải vị thức ăn mà tấm lòng biết ơn cũng là một trong những điều kiện để người ta biết thế nào là ngon. Những ngày mà một miếng ăn ngon và cũng có thể là bao nhiêu ký ức của những người có quen và không quen, cũng là một trong những điều kiện để hôm nay khi ăn, nhiều khi không phải vì đói, cũng chẳng phải vì thèm, mà chỉ vì thích thôi, cảm thấy thế là ngon.
Bởi vì nghĩ cho cùng ăn là một cái gì đấy khá cụ thể, món ăn là vật thể, yêu thì ngược lại. Hai cái đấy chỉ là hai mặt của một cái gì ta quý giá, không đối chọi lẫn nhau.
Ăn là văn hóa, có phát triển, có mai một. Ăn nghĩ cho cùng chỉ là lối sống, nó là một cách sống. Thế nên qua một món ăn, một bữa ăn, qua việc ngồi với đôi ba người trong một bữa ăn người ta có thể học được hoặc tránh được khá nhiều điều trong lẽ sống cũng như trong cách sống.
Và viết về nó, với Lê Minh Hà vẫn luôn luôn là viết về một lề lối nghĩ và sống của những người Việt. Dằng dai với củi lửa trong bữa bao cấp, cơm cặp lồng gạo mậu dịch, đến mâm cỗ Tết thật Hà Nội để “ăn và biết sẽ thương nhau”.
Cuốn sách còn đưa đến một câu hỏi của ngày hôm nay: “Ôi xôi sắn của thời đại no đủ! Có khi nào là món ăn chống đói ở các làng quê ngày giáp hạt nữa không? Có khi nào là món ăn không thanh cảnh hoàn toàn nhưng cũng không phải là để dằn cho đầy bụng người hàng phố nữa không?” (Lại xôi).
Đặc sản thời yêu với Lê Minh Hà, không dừng lại ở việc coi quá khứ như là ký ức, nhà văn nhận thấy nó hiện diện trong hiện tại bằng tình yêu, để đời sống văn hóa song hành mà một dân tộc cần mang theo mình trong bước chuyển của thời đại.
Phải có một tâm hồn tỏa nắng, để giữ cho mình sự biết nhớ rất bền bỉ và dung dị. Như bộc bạch của nhà văn: Ký ức không phải là trí nhớ, ký ức là biết nhớ!
Từ ý nghĩa đó, với Lê Minh Hà, “Một chốn trong trẻo để quay về hay tìm tới, để thanh lọc tấm lòng không còn khả năng sinh nở những hồn nhiên trong tháng ngày bận rộn có phải là cần cho mọi người không? Tiếc, cái lúc lật bật vì cơm áo thừa và vẫn thấy chẳng bao giờ là đủ, người ta thường nghĩ đã có tất cả rồi, và quên: ở đâu đó ngoài mình vẫn sống một quê nhà” (Quê chồng).