Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đám cưới thời bao cấp ở Hà Nội

Ở nhiều đám cưới ngày xưa, chú rể đèo cô dâu trên chiếc xe đạp thong dong khắp các con phố của Hà Nội.

[...]

Từ trước 1954, quan niệm cưới hỏi có thay đổi đôi chút nhưng dù giàu hay nghèo vẫn phải có đầy đủ các nghi thức cơ bản. Một đám cưới bao giờ cũng bắt đầu bằng lễ chạm ngõ (có nơi gọi là dạm ngõ) sau đó là lễ ăn hỏi và cuối cùng là lễ đón dâu.

[...]

Thời gian chiến tranh phá hoại, các đám cưới chủ yếu là tiệc trà và tổ chức ở phòng cưới thuê của nhà nước. Trên phông treo ở phòng cưới bao giờ cũng dán hai con chim bồ câu bằng giấy trắng châu mỏ vào nhau, ngoài chữ Hỷ và hai chữ cái là chữ đầu của tên cô dâu, chú rể quấn quýt vào nhau lại có dòng chữ khẩu hiệu: "Vui duyên mới không quên nhiệm vụ".

Khăn trải bàn ở phòng cưới là miếng vải hoa còn ở nhà thì phủ tấm áo mưa đủ mầu. Phần lớn chú rể đều mặc quần âu, áo sơ mi trắng "cắm thùng", đi dép xăng đan, còn cô dâu có khi áo dài nhưng cũng có người quần lụa áo sơ mi trắng cổ lá sen, đi guốc gỗ sơn đen trên đầu cài nhành hoa giấy.

Cô dâu, chú rể đều có 4-5 phù dâu, phù rể đi kèm. Đón dâu và ra phòng cưới đều có đốt pháo Trúc Bạch giòn giã, lại có cả giấy màu cắt vụn để tung lên đầu cô dâu chú rể khi bước vào phòng cưới.

Văn nghệ góp vui cho đám cưới là "cây nhà lá vườn" với các bài hát hừng hực khí thế chống Mỹ như "Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây", "Nổi lửa lên em", "Bài ca năm tấn". . .

Các đám cưới đa phần đón dâu bằng xe đạp, chú rể đèo cô dâu trên chiếc xe đạp thong dong khắp các con phố của Hà Nội vô cùng lãng mạn. Về tiệc cưới, có nhà vẫn tổ chức ăn mặn vì quan niệm "con gái đứt ruột đẻ ra, nuôi lớn chẳng lẽ lại gả không ".

Tôi từng dự một đám cưới trong thời đất nước còn chiến tranh loạn lạc. Đám cưới đang diễn ra thì còi báo động rú lên, thế là cô dâu, chú rể cùng tất cả quan khách phải chạy ra hầm trú ẩn, đợi còi báo yên lại chui lên tổ chức tiếp.

Đám cưới thời kỳ bao cấp bây giờ kể lại cho con cháu nghe chẳng khác gì kể chuyện cổ tích. Các thủ tục lễ nghi vẫn đầy đủ ba bước là chạm ngõ, ăn hỏi, đón dâu. Riêng lễ vật ăn hỏi nhà gái không đòi hỏi gì nhiều mà thường để tùy nhà trai định liệu.

Sau khi đi đăng ký kết hôn chú rể được phòng Thương nghiệp cấp một phiếu mua hàng cưới có nhiều ô số, mỗi ô được mua một mặt hàng. Có thể liệt kê như sau: 2 kg kẹo, 1 kg chè, 2 tút thuốc lá Tam Đảo hoặc Trường Sơn, 1 đôi chiếu hoa, vải xô đủ may một chiếc màn, mấy mét vải hoa để làm cái ri-đô che gường nằm, 1 cái gường giẻ quạt, 1 cái chạn bát, 2 bánh pháo. . .

Có đăng ký kết hôn kèm theo hộ khẩu mới thuê được phòng cưới và hợp đồng thuê xe ô tô đón dâu. Ôtô là loại xe Hải Âu của Liên Xô hay xe Ba Đình máy IFA, vỏ do Xí nghiệp Xe ca đóng. Nếu thích oai có thể thuê loại xe đắt tiền hơn là Karosa của Tiệp.

Phòng cưới phải đăng ký sớm và không được chọn ngày giờ theo ý muốn, mà lúc đó ít nhà xem xét ngày giờ kỹ lưỡng như bây giờ. Có thể tổ chức ở phòng cưới Trăm Hoa, Hòa Bình phố Bà Triệu hay Thủ Đô ở phố Đường Thành...

Cưới xin thời bao cấp thiếu thốn nhưng rất vui vì có thể huy động cả họ hàng, gia đình, bạn bè của cô dâu, chú rể cùng phụ giúp.

[...]

Chuyen nguoi Ha Noi anh 1

Một đám cưới ở Hà Nội (năm 1989) do David Alan Harvey chụp.

Sang thập niên 80, Hà Nội xuất hiện nhiều loại hình dịch vụ như cho thuê áo cưới, trang điểm cô dâu, nấu cỗ thuê rồi quay phim, chụp ảnh suốt từ lúc ăn hỏi đến lúc đón dâu và tổ chức lễ cưới.

Những chiếc máy hát chạy băng cối Sony, Akai từ miền Nam ra, thế là đám cưới nhà nào cũng nỉ non Chuyện tình Lan và Điệp, có nhà lại mở cả Boney, Abba to hết cỡ.

Đám cưới của dân chơi lắm tiền lại thuê nhạc sống. Ban nhạc thời kỳ này có Hà Xồm, Hiếu Văn hóa, Vân Hàng Bông, Tuấn Gù Lò-Đúc. Các bản nhạc hay được ưa chuộng là Tình ca trên thảo nguyên, Đôi bờ, Chiều Matxcova, Tuýt Sông Hồng và cả nhạc của The Beatles nữa. Những đám cưới mà cô dâu, chú rể học tập, lao động ở châu Âu về còn tổ chức cả nhảy đầm vô cùng náo nhiệt.

Đất nước thời kỳ đổi mới dân giàu, cuộc sống tự do, dân chủ lại ảnh hưởng phong cách châu Âu nên đám cưới Hà Nội rườm rà, xa hoa lãng phí, phô trương, có khi chẳng ra ta cũng chẳng ra tây, là tân cổ giao duyên, là phú quý sinh lễ nghi.

Bắt đầu là việc nhờ thầy xem tuổi cho đôi uyên ương để tính cho ngày, giờ ăn hỏi, đón dâu, nếu cô dâu phạm vào Kim Lâu lại phải giả vờ cưới hai lần.

Lễ ăn hỏi đặt trọn gói của nhà hàng, bày ra nhiều mâm, nhiều quả, tráp trang trí rất đẹp. Con lợn sữa quay lại hay xuất hiện trong lễ vật ăn hỏi. Nhà trai mang lễ ăn hỏi đến nhà gái bằng xích lô du lịch có đến gần chục cái đi như rồng rắn trên các tuyến phố của Hà Nội.

Cô dâu chú rể chụp ảnh cưới và dựng video clip từ trước ngày cưới với nhiều phong cảnh thật giả lẫn lộn. Có rất nhiều bộ ảnh được các cô dâu, chú rể chụp ở những địa điểm nổi tiếng và gắn liền với Hà Nội như cầu Long Biên hay nhà hát lớn… Xem video cưới của lớp trẻ như xem cinema của Hong Kong, Hàn Quốc.

Ôtô đón dâu thì đi một đoàn dài đủ nhãn mác, xe cô dâu, chú rể kết hoa cầu kỳ, có khi lại ngồi cả xe mui trần trông vô cùng thời thượng.

Trang phục cô dâu trong ngày cưới thay đổi liền mấy bộ, lúc đón dâu thì như Nam phương Hoàng hậu, lúc ra phòng cưới lại giống công chúa nước Anh .

Các đám cưới ngày nay đều tổ chức ở các trung tâm tổ chức sự kiện hay chuyên tổ chức đám cưới long lanh, tráng lệ như cung điện châu Âu. Cả hai gia đình cùng mời khách ăn cỗ chung một địa điểm và cùng chứng kiến những nghi lễ thành hôn diễn ra trên sân khấu [...]

Nguyễn Việt Cường / Tri Thức Trẻ Books / Hà Nội Tri Thức

SÁCH HAY