Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Áo dài và người Hà Nội

Trải bao dâu bể, phong trần, chiếc áo dài vẫn luôn đầy phong vị hấp dẫn và quyến rũ những người yêu cái đẹp.

[…]

Khi còn bé xíu, tôi đã thấy mẹ tôi (chị em tôi thường gọi là Mợ, không gọi Mẹ như số đông), các dì tôi mặc áo dài. Dạo đó người phụ nữ Hà Nội là vậy, đi phố, hay đi chợ, hễ ra đường là phải mặc áo dài, vấn khăn, hoặc búi tóc, chứ không mặc áo cánh như sau này.

Người Hà Nội dạo đó, chỉ thiếu nữ, thanh nữ, hay khi phải đi ăn tiệc, ăn cưới, phụ nữ mới mặc áo dài quần trắng, còn đa số mặc áo dài, quần đen. Các bà các chị bán hàng rong ở ngoại thành vào thường áo dài tứ thân, yếm nâu, váy đen hoặc quần đen, cũng rất duyên dáng.

Mà khi đi ăn tiệc, ăn cưới, phụ nữ Hà Nội thời đó họ mặc rất “tông xuyệt tông”, nhất là những gia đình khá giả. Áo dài mầu gì, thì guốc, giầy và ví đầm đều màu đó.

Mẹ tôi có những đôi guốc màu xanh lá cây, quai guốc cắt hình chiếc lá sồi cùng màu, đôi giầy nhung màu táo tầu có viền chút kim tuyến sang trọng vô cùng, khiến tôi thích mê, thường lén mẹ đi thử trong nhà.

Trong lòng con bé con 7 - 8 tuổi ao ước một ngày nào đó, lớn lên, cũng sẽ được đi đôi guốc, đôi giầy nhung sang trọng như của mẹ.

Nhưng cái ngày “lớn lên” còn chưa tới, thì chiến tranh, rồi thời “bao cấp” ập tới.

Áo dài như bị “quét sạch” khỏi Hà Nội. Khắp thành phố, kể cả những ngày Tết, ngày lễ, tuyệt nhiên tôi không hề thấy bóng dáng một chiếc áo dài nào nữa.

Mỗi người dân chỉ có tem phiếu loại 4 - 5 mét vải/năm/người. Phụ nữ Hà Nội khi đó thường mặc rất phổ biến - áo sơ mi may thẳng đuỗn, không hiểu sao gọi là áo Hong Kong, và quần lanh mầu đen (gọi là quần phip).

Người nào khá lắm mới có quần lụa đen, bóng mượt. Chiếc áo dài bỗng trở nên quý hiếm như một thứ y phục sang trọng nhưng phù phiếm.

Đến nỗi, ngày đi lấy chồng, tôi không dám may áo dài cưới. Bộ áo dài trắng tôi mượn là áo cưới của cô bạn thân, gái Hàng Đường. Đôi găng tay voan tôi mượn của chị gái, khi đó mới đi Ba Lan về. Cành hoa voan trắng cài tóc cũng cô bạn gái thân tặng. Và bó hoa lay ơn trắng. Thế cũng xong…

[…]

Tôi may hai chiếc áo dài đầu tiên của đời mình (màu hồng và màu vàng hoàng yến) vào năm 1989 ở tại Sài Gòn, bắt đầu có “đổi mới”.

Khi đó những tà áo dài Sài Gòn đang được phụ nữ Hà Nội rất ưa chuộng. Không phải vì mới mẻ gì, mà vì Hà Nội trải qua quá nhiều những tháng năm chiến tranh, rồi lại “bao cấp”, nghèo khó về vật chất, ngột ngạt về tinh thần, khắc nghiệt về ăn mặc.

Thì hình ảnh những vạt áo dài đủ màu sắc, thêu thùa rất đẹp mắt của người phụ nữ Sài Gòn, như đánh thức những mầm thẩm mỹ của người phụ nữ Hà Nội cựa quậy và phục sinh.

Tôi không hề xa lạ vẻ đẹp của những tà áo dài của phụ nữ Sài Gòn ở ngay trên mảnh đất vốn xa lạ với tôi. Nhưng không phải mốt nào cũng hợp với mỗi người, nhất là với một người phụ nữ Hà Nội còn trẻ, đầy cá tính và nhân cách riêng. Tôi tự nhận thấy thế.

Bởi áo dài ở Sài Gòn khi đó, người ta chuộng cách may hơi “bó ngực”, eo chiết khá cao (để lộ hai lườn cho quyến rũ), và vạt áo may hơi hẹp (để lộ bầu mông tròn trĩnh, hấp dẫn). Phải nói cho công bằng, áo dài Việt Nam cực kỳ gợi cảm, sexy nữa.

Sach Chuyen nguoi Ha Noi anh 1

Các nữ sinh viên Hà Nội năm 1960. Ảnh: Võ An Ninh.

Hí hửng chờ đợi ngày lấy áo. Nhưng mặc vào bỗng thấy… không phải là mình. Vì ngực áo chật quá, mặc rất vất vả, cứ bè bè, khi mặc tôi thấy thật gò bó, trong khi chỗ chiết eo lại rất cao, chả đúng eo của mình. Thành ra chỉ mặc vài lần, thấy không thích nữa.

Thế là quyết định về Hà Nội may bộ khác. Hiệu may không đâu khác là hiệu may Mỹ Hào (Cầu Gỗ), vốn có tiếng từ thời Pháp.

Chiếc áo dài nền đen, vẽ một cành hướng dương to màu cam, rực rỡ, đẹp mê hồn (tôi mua ở đường Đồng Khởi dạo đó), và mặc với quần màu đen (dạo đó mốt áo dài Hà Nội chỉ quần trắng). Có lẽ một trong những người khởi xướng mặc áo dài, quần đen lại là tôi.

Áo dài may theo “kiểu Hà Nội”, tôi tạm gọi như vậy, eo may đúng với eo người mặc, ngực áo cũng vậy. Người lại còn trẻ, một tuổi trẻ còn đầy sức sống, tâm hồn đầy mơ mộng dù sự tàn nhẫn, khắc nghiệt cũng không thể làm cho tàn lụi. Tôi cảm thấy mình thật là mình khi mặc chiếc áo dài đẹp bí ẩn nhường ấy.

Nhưng có lẽ người ta - nơi môi trường tôi làm việc, khi đó chưa quen với việc áo dài lại mặc với quần đen. Bắt gặp những ánh mắt đầy dò hỏi, lạnh tanh và… im lặng quay đi. Đến mức một ông quan chức, người Nghệ An, nói tiếng Nghệ rất nặng, bĩu môi bĩu mỏ “Chả ai mặc áo dài với quần đen cả, cô ạ!”

Dạo đó, xã hội này lạ lắm, người ta rất kỵ sự “khác biệt”, quen với việc quan tâm tới miếng áo, manh quần của người khác, cứ như đó mới chính là… “ thước đo đạo đức”. Tôi trố mắt, mỉm cười và không trả lời. Chả lẽ lại bảo ông rằng biết một mà không biết hai!

Rồi chỉ vài năm sau, quay đi quay lại, vào dịp lễ lạt, những người vốn bĩu môi bĩu mỏ với tôi, chỉ vì dám “mặc quần đen với áo dài”, cũng quần đen, áo dài, xúng xính như ai. Chết cười cho một tâm lý xã hội một thời chỉ dám “dàn hàng ngang mà tiến”, và rất ghét “người khác không giống mình”.

Áo dài ở Hà Nội khi đó bắt đầu phổ biến. Và rất lạ, có lẽ cũng như mọi nhan sắc, áo dài Hà Nội trải qua không biết bao nhiêu lần “phẫu thuật thẩm mỹ” để “thể hiện mình”. Lúc cách tân khi hoài cổ.

Tôi không phải thợ may áo dài, không đi sâu vào kỹ thuật, mà chỉ là người mê thích áo dài, quan sát và mặc áo dài cũng lấy làm kinh ngạc.

[…]

Nhưng thôi, y phục xứng kỳ đức.

Chỉ biết, áo dài Việt Nam với người Hà Nội, cũng như một nhan sắc phương Đông thuần khiết, dù trải bao dâu bể, phong trần, vẫn luôn đầy phong vị hấp dẫn và quyến rũ những người yêu cái đẹp.

Tính cách đặc trưng của người Thăng Long xưa, Hà Nội nay

Theo tác giả Nguyễn Huy Thắng, tất cả người dân, dù gốc gác ở đất kinh kì hay từ nơi khác về sinh cơ lập nghiệp, đều được dung nạp, tạo nên khí chất Thăng Long xưa, Hà Nội nay.

Phạm Kim Dung/ Tri Thức Trẻ Books / Hà Nội Tri Thức

SÁCH HAY