Những năm 1960, do dân số tăng lên, việc tập trung dân ở khu phố cổ và khu phố cũ không còn khả thi. Một loạt các dự án khu tập thể ra đời. Thời đầu những tòa nhà đó mọc lên ở "ngoại ô" (những khu Giảng Võ, Kim Liên… ngày đó được coi là ngoại ô rồi). Thời nay, có thể coi các tòa nhà này là nằm ngay trung tâm thành phố!
Đến đầu 1970, các khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Thành Công và Giảng Võ mọc lên. Ở thời điểm đó ba khu này thuộc loại khá hơn những khu khác. Dân thường hay gọi là khu "tập thể" nhưng dân xây dựng thì quen miệng gọi là nhà "lắp ghép" (quen miệng gọi chứ không phải nhà nào cũng xây theo kiểu này...).
Những loại nhà tập thể này sử dụng một công nghệ học từ Đông Âu. Các tấm bê tông đúc sẵn được sử dụng để lắp vào nhau, rút ngắn thời gian xây dựng. Ngày nay, thường các công trình xây dựng theo thứ tự như sau: Đóng cọc, đúc bê tông các cột và dầm - sàn, rồi xây gạch trong các khung đó.
Nhà lắp ghép thì cách làm khác hẳn. Tất nhiên ban đầu người ta phải đóng cọc, nhất là đối với một số nơi đất yếu vốn là ao hồ như Trung Tự. Sau đó, các tấm bê tông được đúc sẵn, lắp vào nhau và xây lên. Ở đây không hề đúc cái “khung bê tông”.
Hôm nọ, con trai hỏi tôi nhà lắp ghép xây ra sao? Câu trả lời rất dễ: Như con chơi lắp Lego. Các tấm bê tông cốt thép vách thì có độ dày 10 cm, còn sàn thì là 20 cm. Tất cả giống nhau hết. Chính vì công nghệ này không dùng khung nên các nhà phải xây thành khối rộng để cho vững vàng. Nhà lắp ghép không làm “mỏng” được như trong phố bây giờ.
Một cựu kỹ sư ở Hà Nội kể lại với tôi: Cái yếu nữa của nhà lắp ghép là khi có bom nổ gần đó, có khi nó thổi đổ sập cả nhà luôn. Còn với nhà có khung thì cái khung sẽ còn đứng vững! May mà thời chiến không có chuyện đó xảy ra.
Tuy nhiên, được cái này mất cái kia, tăng tiến độ xây dựng thì mất thẩm mỹ! Với công nghệ này, ta chỉ có thể xây được những cái nhà vuông vắn như những bao diêm khổng lồ xếp lên nhau. Về diện tích sống thì các căn hộ được thiết kế hợp lý.
Thường thì có hai phòng, mỗi phòng 12m2, kèm thêm khu vực nấu bếp và nhà vệ sinh. Có một số nơi có đến 3 phòng. Trong cùng thời đó, nếu nhìn vào nhà ở phố thì mỗi hộ gia đình thường chỉ có một phòng của một căn biệt thự cổ, hoặc cùng một số nhà. Nhà vệ sinh là sinh hoạt chung. Chỗ phơi quần áo có khi còn không có.
So với người dân sống trong phố cổ thì điều kiện ở nhà lắp ghép hơn hẳn. Không gian sống ở những khu nhà này thời đầu cũng rất ấn tượng. Mặc dù các tòa nhà, về mặt thẩm mỹ, nhìn như những bao diêm đè lên nhau nhưng khoảng cách giữa các tòa nhà lại lớn.
Một khu tập thể cũ ở Hà Nội. |
[…]
Tiện nghi trong các căn hộ tập thể khá đầy đủ với nhà vệ sinh, bếp, phòng khách và phòng ngủ - đúng là một điều mơ ước thời đó. Các căn hộ được cấp cho cán bộ theo danh sách cơ quan và theo cấp bậc nên ai cũng mong đợi, nhưng đến lượt cũng… không phải dễ.
Trong cơ quan có nhóm được "phân nhà" và nhóm còn lại. Nói gì thì nói, việc phân nhà thời bao cấp khó mà nói hoàn toàn công bằng, bình đẳng, thậm chí có khi còn là khó hiểu.
Chả thế, sau phân nhà, có khi người ta còn nhỏ to vào tai nhau, tỵ nạnh nhau chuyện trong việc xét duyệt. Tuy nhà tập thể xa trung tâm nhưng nhìn chung thì vẫn hơn mấy hộ gia đình được phân chia một phần nhà biệt thự cũ trong phố nhiều. Về sau này giá nhà đất trung tâm Hà Nội « leo lên trời » thì người ở trong phố lại được lời hơn. Đúng là sự đổi đời theo thời thế!
Nhà lắp ghép là một lối sống đúng theo nghĩa "tập thể". Chữ "riêng tư" rất ít ý nghĩa. Do các vách bê tông chỉ dày 10 cm nên ai nói gì hàng xóm đều nghe được. Có lẽ thế nên hiện tượng nói thầm trong nhà riêng được phổ biến từ thời này chăng?
Bất kể nhà nào có gì thì gần như cả khu tập thể biết ngay. Có chuyện kể là nhà nào có chút thu nhập cao hơn bình thường, nhiều khi ăn con gà xong còn xương thì phải gói giấy báo đi vứt ở xa để khỏi ai nhòm ngó.
Nhìn chung, mô hình sống thời đó cũng dễ để mọi người gặp mặt nhau: Chỉ riêng việc đi xách nước hàng ngày là đã bắt buộc phải gặp nhau ở cầu thang rồi, may ô quần đùi, áo ba lỗ cứ là phấp phới…
Nước sinh hoạt đúng là cả một vấn đề, nhất là đối với những căn hộ trên cao. Tôi nhớ hồi đến nhà bà cô, nếu đúng phải thời điểm mất nước thì phải đi xuống vòi tắm và xách lên để nấu ăn.
Về sau này khá hơn, các căn hộ đầu tư máy bơm và bồn inox riêng trên mái. Thói quen sinh hoạt của người dân trong những khu tập thể có vẻ hiện đại dần, thay đổi theo hướng “khép kín” hơn.
Do không có quản lý chung, các khu tập thể rơi vào cảnh tự quản. Mạnh ai người ấy chiếm. Một trong những cái đáng chú ý là ngay cả trong khu tập thể cũng dần dần có ‘tiểu” khu. Một số hành lang bắt tay nhau ngăn chặn lối vào bằng cổng sắt, sau đó họ sử dụng luôn cái hành lang trước cửa nhà.
Hiện tượng cơi nới này còn được “hoành hành” hơn khi khắp hướng mọc lên các lồng sắt khổng lồ, thò ra thụt nhằm mục đích tăng diện tích mà dân Hà Nội gọi là “chuồng cọp”.
Nguồn gốc của việc cơi nới vô tổ chức này từ đâu thì rất khó tìm... Nhà nhà đều tự tìm cách “cơi nới”. Hiện tượng cơi nới không phải chỉ có ở khu nhà tập thể mà nó cũng tràn lan trong phố cũ. Một số phố bị biến dạng đi vì cơi nới!
Chính vì nhà lắp ghép, rồi “chuồng cọp” gắn liền với lịch sử phát triển đô thị của Hà Nội như vậy, có thể nói, nó từng tạo nên thành một “bản sắc” không lấy gì làm vui, thậm chí làm mất mỹ quan thành phố, vi phạm cả nguyên tắc thiết kế nhà tập thể. Nhưng đến bao giờ, nhà lắp ghép, “chuồng cọp” mới bị xóa sổ?