Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Xin hãy chăm sóc cậu bé'

Các bác sĩ luôn cầu mong đứa bé nào chào đời cũng khỏe mạnh, xinh đẹp nhưng thực tế thường không được như vậy.

Phòng khám tiền sản. Nữ hộ sinh gọi mình đến để khám cho bệnh nhân: Một trường hợp primip (mang thai lần đầu tiên) nguy cơ thấp, thai được ba mươi hai tuần, sản phụ đến bệnh viện để khám thai định kỳ. Nữ hộ sinh không nghe được tim thai bằng Sonicaid nên muốn nhờ bác sĩ kiểm tra xem sao.

Vấn đề này xảy ra khá thường xuyên và mình có thể xử lý ổn thoả 99% các trường hợp. Mình sẽ chộp lấy đầu dò siêu âm cầm tay, rê nó qua lại như kéo xe đẩy phục vụ thức ăn, nhanh chóng cho cặp vợ chồng nhìn thấy quả tim bé nhỏ của đứa con trên màn hình, sau đó vất nó sang một bên và cười toe toét như mấy tay dẫn chương trình trò chơi truyền hình.

Khi mà các ông bố bà mẹ đau đớn cùng cực vì không nghe được tiếng tim con mình đập rì rầm rì rầm, tất cả những gì họ cần ngay lúc này là một bằng chứng đủ sức thuyết phục và trực quan trên màn hình.

Nhưng trường hợp này rơi vào 1% còn lại, mình nhận ra ngay khi bước chân vào phòng khám. Nữ hộ sinh thật sự biết bản thân đang làm gì, gương mặt cô tái nhợt.

Sach Chay troi khong khoi dau anh 1

Trong những năm làm bác sĩ, Adam Kay trải qua không ít chuyện buồn khi không cứu được những đứa trẻ. Ảnh: Laura Gallant.

Cặp vợ chồng này là người trong nghề - chị vợ là GP (nhân viên y tế làm tại phòng khám nhỏ), anh chồng là bác sĩ thực tập chuyên khoa Mắt - vì vậy đây là tình huống hiếm hoi mà tất thảy những người có mặt trong phòng khám đều biết có chuyện gì đó thật sự nghiêm trọng đang xảy ra. Chính mình còn không dám mở miệng nói lời trấn an "Mọi chuyện chắc chắn sẽ ổn cả thôi" trước khi bật đầu dò siêu âm.

Mình càng làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn khi mời bác sĩ tham vấn đến để kí xác nhận vào tờ điều trị là thai đã chết lưu, mặc dù cả hai vợ chồng đều biết mình đã xác định được chuyện đau buồn này từ lúc trân trối nhìn bốn buồng tim bất động của con họ trên màn hình.

Chị vợ khiến mình bất ngờ khi vẫn giữ được thái độ chuyên nghiệp của một người làm nghề y: Lý trí, thực tế và điềm tĩnh. Cũng giống như mình, chị giương thật cao lá chắn để tự bảo vệ trước những cảm xúc cá nhân đang ập tới như thác lũ và nói với anh chồng đang nước mắt lã chã:

"Anh có phải chôn con trong bụng như em đâu mà bù lu bù loa lên thế kia".

Việc gặp lại một bệnh nhân lần thứ hai là vô cùng hiếm. Nhưng trong chuyến đi buồng ở khu sản chiều nay, mình nhìn thấy sản phụ làm GP mà mình đã khám ở phòng khám tiền sản hồi đầu tuần và chẩn đoán là thai nhi chết lưu trong tử cung.

Lúc này chị đang nằm chờ ở khu sản, sau khi đã được kích thích chuyển dạ để xổ thai chết lưu ra ngoài. Thật kì lạ, chị và chồng lại có vẻ vui mừng khi nhìn thấy mình - nhìn thấy gương mặt quen thuộc của một người biết rõ chuyện gì đang xảy ra với họ và không cần phải giải thích gì thêm. Trong chừng mực nào đó, mình trở thành nguồn an ủi cho họ trong cái ngày khủng khiếp và đáng sợ này.

Phải nói cái quái gì trong hoàn cảnh này đây? Mình cảm thấy chương trình đào tạo y khoa có một lỗ hổng nghiêm trọng, khi mà không ai dạy bọn mình cách giao tiếp với các cặp vợ chồng đang đau khổ tột cùng. Liệu tình hình sẽ tốt hơn hay tệ đi nếu mình tỏ ra lạc quan và đề cập đến "lần mang thai tiếp theo"?

Mình muốn trao cho họ hi vọng, nhưng có cảm giác không nên nói ra câu này. Nó giống câu "thế gian này trai có mà đầy" mà bạn hay dùng để an ủi cô bạn thân bị thất tình, nhưng nghe hoang đường hơn nhiều, như thể các em bé hoàn toàn có thể hoán đổi cho nhau, miễn là bạn có một đứa.

Hay nói với họ là mình cảm thấy rất buồn? Làm vậy chẳng khác nào nhận hết lỗi về mình, khiến họ càng mệt mỏi khi phải tiếp nhận thêm cảm xúc của người khác.

Khi về đến nhà, hai vợ chồng sẽ phải căng người ra đón nhận những màn cảm thương thống thiết từ các thành viên trong gia đình; chắc chắn họ không cần thứ này từ mình rồi. Thế còn một cái ôm thì sao? Có quá lắm không? Hay vẫn chưa đủ?

Nếu bạn không biết làm gì thì hãy làm những gì bạn biết. Mình chỉ nói với họ về thực tế sẽ xảy ra trong vài giờ tới. Hai vợ chồng đặt cho mình cả nghìn câu hỏi và mình cố gắng trả lời tốt nhất có thể. Đây hẳn là cách họ đối mặt với tình huống này: xem nó như một vấn đề y khoa.

Chị xổ thai ngay sau nửa đêm. Mình lấy mẫu máu của chị và thảo luận xem họ muốn làm những xét nghiệm nào để tìm ra nguyên nhân thai chết lưu. Họ nhất trí là phải làm tất cả các xét nghiệm, điều này mình có thể hiểu được, nhưng cũng có nghĩa là mình phải tự tay lấy sinh thiết da và cơ bắp của bé - điều tệ hại nhất đối với mình trong toàn bộ quy trình này.

Sach Chay troi khong khoi dau anh 2

Những trang nhật ký của Adam Kay trong cuốn sách Chạy trời không khỏi đau giúp người đọc hiểu hơn về công việc của bác sĩ. Ảnh: Wings Books.

Đây là công việc mà lần nào bắt tay vào làm mình cũng đều cảm thấy khó chịu, đến nỗi hầu như phải quay mặt đi chỗ khác trong suốt quá trình tiến hành. Nhưng lần này mình bình thản làm cái việc mà mình hoàn toàn không tin nổi là sẽ có ngày mình trở nên chai lì cảm xúc với nó; mình không quay mặt đi.

Mình chỉ thấy buồn thê thảm khi chọc mũi kim sinh thiết vào một thai nhi đã chết. Bọn mình luôn cầu mong sao đứa bé nào chào đời cũng xinh đẹp, hoàn hảo và khoẻ mạnh; thực tế thường không được như vậy.

Cậu bé đã chết trong bụng mẹ được vài tuần, mình nhìn là biết: thân thể nhũn nước, da bong tróc, đầu mềm oặt, trông như bị bỏng nặng. "Chú xin lỗi!" Mình nói với cậu bé trong khi làm những gì cần làm. "Có thế chứ. Xong xuôi rồi đây."

Mình bọc cậu bé lại, ngước nhìn một vị thần thánh vô hình nào đó mà mình không có đức tin và khẽ nói: "Xin hãy chăm sóc cậu bé."

Adam Kay / Wings Books và NXB Kim Đồng

SÁCH HAY