Đến tháng 8/2005, tôi trở thành bác sĩ nội trú cao cấp (SHO). Rõ ràng, tôi vẫn còn rất non nghề vì chỉ mới làm bác sĩ được 12 tháng, nhưng kể từ bây giờ chức danh nghề nghiệp của tôi chính thức có thêm hai từ "cao cấp".
Có lẽ mục đích của việc này là để bệnh nhân yên tâm hơn chút đỉnh khi phải nhìn thấy tay bác sĩ 25 tuổi, mặt mày còn non choẹt thế kia mà lại lăm lăm con dao mổ trong tay, chuẩn bị rạch một đường trên bụng họ.
Chức danh ấy cũng là nguồn động viên tinh thần nho nhỏ và cần thiết, để tôi có thể ngăn mình không lao đầu từ sân thượng của bệnh viện xuống đất, khi nhìn thấy bảng phân công trực mới.
Tuy nhiên, bạn có thể miễn cưỡng gọi đây là sự thăng tiến, mặc dù việc này tự động áp dụng sau khi bạn làm bác sĩ nội trú được một năm - tựa như khi bạn làm ở McDonald’s và nhận được một ngôi sao gắn trên bảng tên của mình.
Lên làm bác sĩ nội trú cao cấp là thời điểm bạn quyết định mình sẽ đi theo chuyên ngành cụ thể nào.
Adam Kay chọn trở thành bác sĩ khoa Sản. Ảnh: Charlie Clift. |
Nếu chọn chuyên ngành Bác sĩ đa khoa, bạn sẽ ở lại bệnh viện công tác thêm một vài năm, làm việc ở các khoa như A&E, Nội tổng hợp hoặc Nhi, trước khi ra ngoài hành nghề và gặt hái thành tựu là hai miếng vải đệm may thêm vào khuỷu tay áo cùng cặp lông mày lúc nào cũng nhướn lên thành tật.
Nếu bạn chọn chuyên ngành Y học bệnh viện, từ đây sẽ có rất nhiều con đường khác nhau để bạn dấn thân và vấp ngã vì mù quáng.
Còn nếu thích làm bác sĩ phẫu thuật, bạn có thể đăng ký bất cứ chuyên ngành nào từ Phẫu thuật đại trực tràng đến Phẫu thuật tim và lồng ngực, từ Phẫu thuật thần kinh đến Phẫu thuật chỉnh hình.
Phẫu thuật chỉnh hình về cơ bản chỉ để điều trị cho mấy tên choai choai chơi bóng bầu dục ở trường trung học - công việc chủ yếu bao gồm cưa chi hoặc bắt vít vào xương - và tôi ngờ là chả ai "ghi danh" vào chuyên ngành này đâu, ngay cả khi việc đăng kí chỉ đơn giản là nhúng tay vào khay mực và in dấu bàn tay lên giấy.
Nếu bạn không thích bị bám bẩn dưới móng tay thì tin vui là chuyên ngành Nội tổng hợp còn được phân thành các chuyên ngành nhỏ nữa, chẳng hạn Lão khoa, Nội tim mạch, Nội hô hấp hoặc Da liễu.
Có thể bạn thấy ghê khi nghe cái tên "Da liễu", nhưng đời bạn sẽ tương đối dễ thở khi theo nó đấy - số ca cấp cứu da liễu đánh thức bạn dậy trong đêm để xử lí không quá số ngón tay trên một bàn tay đầy những mảng vảy trắng rộp của bệnh nhân da liễu đâu.
Ngoài ra, còn có một loạt chuyên khoa không phải nội khoa cũng chẳng phải ngoại khoa, ví dụ như Gây mê, X-quang hoặc Sản phụ khoa.
Tôi đã chọn chuyên ngành Sản phụ khoa. Tôi đã làm luận án cử nhân về chuyên ngành này, nghĩa là trong đầu tôi đã có chút kiến thức về nó để bắt đầu giai đoạn SHO, miễn là mọi người chỉ nên hỏi tôi về biến chứng ở trẻ sinh non khi sản phụ mắc hội chứng kháng phospholipid mà thôi, nhưng không hiểu sao không ai hỏi tôi về vấn đề này.
Điều tôi thích ở Sản khoa là "vào một về hai", tức là số lượng bệnh nhân ra viện gấp đôi số lượng bệnh nhân nhập viện, khiến hệ số đánh trung bình của Sản khoa ở mức cao khác thường so với các chuyên khoa khác.
Tôi còn nhớ trong thời gian làm sinh viên thực tập, một trong số các bác sĩ thực tập chuyên khoa phụ trách hướng dẫn tôi tiết lộ rằng: Lý do anh ấy chọn chuyên ngành Sản phụ khoa là nhàn.
"Làm việc ở khu sản thực chất chỉ lòng vòng có bốn thứ thôi: Mổ lấy thai, kẹp forceps, giác hút và khâu lại mớ hổ lốn mà em vừa banh ra."
Một điều nữa mà tôi thích ở chuyên ngành Sản phụ khoa: Nó là sự pha trộn giữa nội khoa và ngoại khoa - những công việc mà tôi kinh qua trong giai đoạn làm bác sĩ nội trú đã chứng minh thật sự không nên chỉ chuyên về nội khoa hoặc ngoại khoa.
Tôi sẽ có cơ hội được làm việc ở khu sản và phòng khám vô sinh hiếm muộn - còn gì tốt đẹp hơn, phù hợp hơn khi tôi có thể áp dụng những kiến thức mà mình được đào tạo để hỗ trợ chị em "khai hoa nở nhuỵ" và giúp đỡ những cặp vợ chồng thiếu may mắn?
Tất nhiên, công việc này sẽ đẩy bạn vào những tình huống khó xử về mặt cảm xúc khi mọi thứ trở nên tồi tệ - không phải con cò nào cũng hạ cánh đúng chỗ - nhưng đời là vậy, bạn trèo càng cao thì té càng đau thôi!
Cuốn sách Chạy trời không khỏi đau được kể lại dưới những trang nhật ký. Ảnh: Wings Books. |
Ngoài ra, xin thú thật là lúc lựa chọn chuyên ngành, tôi đã xoèn xoẹt gạch bỏ những chuyên ngành mà mình không thích. Cái thì quá buồn. Cái thì quá khó. Cái thì quá chán. Cái thì quá tởm. Sản phụ khoa là chuyên ngành duy nhất khiến tôi phấn khích, một lựa chọn nghề nghiệp mà tôi thật sự có thể hi vọng.
Thật ra, phải mất mấy tháng tôi mới đưa ra quyết định cuối cùng, sau đó viết giấy cam kết rồi nộp. Tôi nghĩ nguyên nhân khiến mình lần lữa lâu như vậy là do không đưa ra bất kỳ quyết định hệ trọng nào đối với cuộc đời mình trong một thời gian dài, kể từ thời điểm tôi chọn học trường y năm 18 tuổi.
Đối với tôi, tuổi 25 là cột mốc quan trọng đầu tiên trong đời, khi có thể tự quyết định đường đi nước bước cho mình trong cuốn sách Lựa chọn chuyến phiêu lưu của riêng bạn. Tôi không chỉ phải học cách đưa ra quyết định mà còn phải đảm bảo nó là quyết định đúng đắn.