Mình được "bíp bíp" tới để xử trí một bệnh nhân nội trú 68 tuổi đang ngấp nghé cửa tử.
Ông đã nhấn chuông khẩn cấp, và khi mình có mặt thì mắt ông đang mở trân trân nhìn qua cửa kính mờ ra hành lang, nơi Thần Chết đang lừ lừ tiến tới.
Độ bão hòa oxy của ông là 73%, mình ngờ rằng nếu máy bán hàng tự động không bị hỏng và mình nán lại mua thanh kẹo Snickers như định bụng, mọi chuyện đã không còn cứu vãn kịp nữa rồi.
Mình thậm chí không cần chờ vài giây để bộ não tải lên những gạch đầu dòng của quy trình cấp cứu, mà ngay lập tức hành động - hết làm cái này xoay qua làm cái kia, cứ như đang bị điều khiển bởi một chế độ tự động xử trí đã được cài sẵn trong đầu dù chẳng hề hay biết. Cho thở oxy, đặt tĩnh mạch, kiểm tra các thông số máu và khí máu động mạch, tiêm thuốc lợi tiểu, đặt ống thông đường tiểu.
Bệnh nhân liền bắt đầu có phản ứng và dần tươi tỉnh lại, sợi dây bungee đã kịp kéo ông lên khi mà chỉ cần giãn xuống thêm một mi-li-mét nữa thôi thì ông sẽ nát bét trên nền bê tông.
Xin lỗi nhá, Thần Chết, bữa tiệc tối nay của lão thiếu mất một món rồi! Khi anh Hugo đến, mình còn đang bận cảm thấy như thể Siêu Nhân.
Adam Kay từng làm bác sĩ trước khi trở thành một tác giả sách ăn khách ở Anh. Ảnh: Tim Anderson. |
Lần đầu tiên giành lại được một mạng sống từ tay Thần Chết sau năm tháng kể từ ngày trở thành bác sĩ quả là một trải nghiệm kỳ lạ. Người ngoài không hiểu chuyện cứ nghĩ bọn thầy thuốc khoác áo blouse trắng ngày ngày lượn hết phòng bệnh này sang phòng bệnh khác để làm những việc nhằm tôn vinh chủ nghĩa anh hùng cá nhân; thậm chí mình cũng đã nghĩ bản thân sẽ làm vậy khi mới bước chân vào nghề.
Mặc dù mỗi ngày có tới hàng chục, nhiều khi hàng trăm bệnh nhân được bác sĩ cứu sống ở khu điều trị nội trú của các bệnh viện, nhưng sự thật là mỗi chiến thắng lại chẳng hề rình rang và là thành quả của cả tập thể.
Một bác sĩ không chỉ đảm nhiệm một khâu mà còn phải phối hợp với các đồng nghiệp theo một kế hoạch phù hợp. Và ở từng giai đoạn, các bác sĩ phải kiểm tra xem tình trạng của bệnh nhân hiện tại như thế nào, nếu không thấy tiến triển tốt, họ phải thay đổi kế hoạch cứu chữa.
Nhưng đôi khi một con "én trắng" lại làm nên mùa xuân; và hôm nay, lần đầu tiên trong cuộc đời, mình là chú chim bé nhỏ đó. Anh Hugo trông có vẻ vui, hoặc chí ít đó là bộ mặt vui vẻ nhất mà anh ấy có thể phô ra: "Ấy chà, chú em đã ban cho ông ấy thêm một vài tuần ở lại dương gian đấy!". Làm ơn tha cho cái lỗ mũi này đi, siêu anh hùng thì cũng phải thở chứ.
Mỗi khi đi máy bay, mình thường xài một chiêu "khôn lỏi" là uống cho say mèm để không một tiếp - viên - biết - suy - nghĩ nào dám để mình ngồi cạnh hành khách bị bệnh, chiêu này thật sự giúp ích cho mình rất nhiều suốt mấy năm qua.
Tối nay, mình bị “nghiệp quật”, không phải ngay trên máy bay mà là 12 tiếng đồng hồ sau khi máy bay hạ cánh, ở Glasgow vào dịp cuối tuần, trên đường trở về khách sạn sau bữa tối liên tục cạn ly, cạn ly và cạn ly cùng Ron và vợ cậu ấy, Hannah.
Số là trong lúc đi bộ trên phố Bath lúc 1h, cả bọn nhìn thấy ba cậu bé ở độ tuổi 17, 18 đang túm tụm ở bậc cấp dẫn xuống tầng hầm, bên ngoài cửa ra vào của một cửa hàng, dưới chân chúng là một vũng máu khổng lồ.
Cảnh tượng nhìn hết sức khó tin, hệt như hiện trường án mạng trong một bộ phim truyền hình phát trên kênh 5. Bộ dạng của ba cậu bé đều lôi thôi lếch thếch - mặc dù nom chúng còn đỡ ghê hơn ba đứa mình - và một cậu đang chảy máu ồng ộc từ vết thương có lẽ là khá sâu, gây đứt động mạch ở cẳng tay.
Không thể đoán nổi lượng máu đã chảy ra khỏi cơ thể cậu bé, nhưng đọng lại thành vũng to thế kia thì chắc chắn không ít hơn một lít đâu.
Cậu bé vẫn còn ý thức, dù chẳng trụ được bao lâu nữa, và không ai làm gì để giúp cậu cầm máu.
Mình tỉnh rượu liền ngay lập tức và bảo với ba cậu bé rằng mình là bác sĩ. Hai cậu bé lành lặn chỉ cánh cửa kính ra vào đã vỡ nát và nói đi nói lại với mình rằng cậu bạn kia bị thương là do vấp chân ngã vào đó thôi, như thể việc cậu ta là thủ phạm đã đập vỡ cửa kính hòng đột nhập cửa hàng sách báo là điều quan trọng vào lúc này.
Cuốn sách Chạy trời không khỏi đau của Adam Kay tập hợp những câu chuyện cười ra nước mắt trong ngành y. Ảnh: Wings Books. |
Hai cậu bé đã gọi xe cứu thương rồi, nhưng mình bảo Ron gọi 999 để hối thúc chiếc xe đó mau mau xuất hiện và nhờ Hannah xé áo phông làm dây ga-rô buộc cầm máu. Mình nắm lấy cánh tay cậu bé, giơ nó lên cao và siết chặt. Mạch đập chậm và yếu, cậu bé đang rơi vào trạng thái nửa tỉnh nửa mê.
Mình luôn miệng nói, nói và nói vào tai cậu bé, rằng xe cứu thương đang ở rất gần rồi, rằng anh là bác sĩ nên mọi thứ sẽ ổn cả thôi. Bạn muốn lặp lại chúng bao nhiêu lần không quan trọng, là thật hay xạo cũng không quan trọng - hừm, ít ra thì chuyện "bác sĩ" là thật - quan trọng là bạn phải có niềm tin, vì bệnh nhân họ cần niềm tin đó.
Khi cảm giác thấy cậu bé đã đến trước cửa tử, chuẩn bị ngừng tuần hoàn, mình liền duyệt lại các bước CPR (Hồi sức tim phổi) trong đầu để khi tình huống xấu nhất xảy ra, mình chỉ nhào vô mà làm chứ không phải suy nghĩ gì nữa.
Đảm trách một tình huống khẩn cấp trong trạng thái say xỉn, việc này có được phép không nhỉ? Mình tin là mình đang xử trí tình huống đúng cách, nhưng nếu cậu bé chết trên tay mình thì quả là tình ngay lí gian - bác sĩ làm nhiệm vụ mà lại có nồng độ cồn trong máu cao.
May thay, chiếc xe cứu thương xuất hiện gần như ngay thời khắc sống còn, các nhân viên cấp cứu lập tức đưa cậu bé lên xe và cấp tốc truyền các loại dịch để cứu sống cậu. Tiền hung hậu kiết, nhưng mình đã trải qua cảm giác bất lực khủng khiếp trong thời gian chờ xe cứu thương đến.
Trở về khách sạn, mình ngồi ở quầy bar mini trong phòng, tự khui cho bản thân một chai rượu nhỏ giá 12 bảng và nhận ra giá như tình huống vừa rồi xảy ra trên máy bay thì mình đã có nhiều phương tiện hơn để cứu cậu bé. Rượu whisky được phục vụ trên máy bay cũng rẻ hơn.