Mở đầu cuộc phỏng vấn với Zing, giáo sư Paltiel nhận định rằng khi thực hiện một xét nghiệm, câu hỏi quan trọng nhất chính là liệu xét nghiệm đó được dùng để trả lời điều gì.
"Các xét nghiệm khác nhau sẽ được dùng để trả lời các câu hỏi khác nhau. Câu hỏi đó có thể là liệu người này đã từng bị phơi nhiễm hay không, hay người này đang có khả năng lây nhiễm virus cho người khác", giáo sư Paltiel nói.
Giáo sư Paltiel cho rằng cả hai câu hỏi trên đều rất có giá trị, song chúng có giá trị trong những hoàn cảnh và mục đích khác nhau.
Xét nghiệm để chẩn đoán
PCR, viết tắt của "phản ứng chuỗi polymerase", là loại xét nghiệm hiện được xem là "tiêu chuẩn vàng" trong việc xác nhận liệu một người có nhiễm Covid-19 hay không.
Loại xét nghiệm sẽ sao chép một đoạn vật liệu di truyền nhất định ra hàng trăm triều lần, vì thế, nó này cực kỳ nhạy, rất đáng tin cậy, và có thể phát hiện RNA của virus dù ở số lượng rất nhỏ.
Giáo sư David Paltiel, hiện công tác tại Trường Sức khỏe Công, Đại học Yale, Mỹ. Ảnh: Đại học Yale. |
Theo giáo sư Paltiel, PCR là loại xét nghiệm phù hợp nhất để trả lời câu hỏi liệu một người có từng lây nhiễm hay không, chứ không phải liệu họ có đang lây nhiễm cho người khác hay không.
"Vấn đề (của xét nghiệm PCR) là nó không thể phân biệt được giữa một người đang có khả năng lây nhiễm cho người khác, với một người đã nhiễm bệnh từ hai tuần trước và không còn khả năng lây nhiễm", giáo sư Paltiel nói với Zing.
"Xét nghiệm PCR không thể hiện tương quan với mức độ lây nhiễm. PCR là xét nghiệm tốt nhất để kiểm tra xem liệu một người đã từng bị lây nhiễm hay chưa, song nó không phải là công cụ tốt nhất để kiểm tra mức độ lây nhiễm của một người ở thời điểm hiện tại - nó quá nhạy, và cho nhiều kết quả âm dương tính giả", ông Paltiel nói thêm.
Điều này đồng nghĩa với việc một số người sẽ dương tính khi xét nghiệm PCR, song thực tế là họ không cần phải cách ly khỏi cộng đồng vì họ đã không còn khả năng lây nhiễm.
Giáo sư Paltiel cũng nhấn mạnh rằng ông không hề đánh giá thấp xét nghiệm PCR, khi đây là một công cụ tuyệt vời trong việc giúp "đưa ra chẩn đoán, tiên lượng và cách điều trị cho người bệnh, đồng thời giúp các bác sĩ biết cách bảo vệ phù hợp cho chính họ và các bệnh nhân khác".
"PCR là xét nghiệm rất tốt trong môi trường bệnh viện, nhưng nó đắt đỏ và yêu cầu nhiều thiết bị. Nếu xét nghiệm PCR cho kết quả dương tính, người bệnh có thể đã không còn khả năng lây nhiễm từ nhiều tuần trước. Vì thế, xét nghiệm PCR là cách tiếp cận phù hợp với các bệnh nhân, nhưng không phù hợp đối với số đông", ông Paltiel cho biết.
Vũ khí hữu hiệu để chặn đà lây lan
Khác với PCR, xét nghiệm kháng nguyên không xác định vật chất di truyền của virus. Xét nghiệm kháng nguyên cũng không nhạy bằng xét nghiệm PCR. Tuy nhiên, xét nghiệm kháng nguyên có nhiều ưu điểm để bù cho độ nhạy.
Chính những ưu điểm này khiến xét nghiệm kháng nguyên phù hợp hơn để trả lời câu hỏi "ai đang có khả năng lây nhiễm", và giúp chặn đà lây lan của đại dịch Covid-19.
"Việc thực hiện xét nghiệm kháng nguyên rất dễ dàng. Nó không yêu cầu nhân viên y tế, không yêu cầu hóa chất đặc biệt, không cần phải thực hiện trong các phòng thí nghiệm đắt tiền như xét nghiệm PCR. Xét nghiệm kháng nguyên cho kết quả nhanh, nó rẻ tiền và rất tiện lợi", giáo sư Paltiel nhận định.
Xét nghiệm kháng nguyên mặc dù không có độ nhạy cao, nhưng nó lại có độ đặc hiệu rất cao - tức gần như mọi người khỏe mạnh đều được xác định không mắc bệnh. Bên cạnh đó, kết quả xét nghiệm còn thể hiện tương quan với khả năng lây nhiễm của một người.
Có một số lo ngại về việc để người dân tự lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh minh họa: Reuters. |
"Một người càng có nhiều virus thì sẽ càng dễ cho kết quả dương tính. Tải lượng virus sẽ tương quan với khả năng lây nhiễm, vì thế, xét nghiệm kháng nguyên phù hợp để tìm ra những người đang có khả năng lây nhiễm", ông Paltiel nói.
"Khi bạn đi ra ngoài, bạn sẽ muốn tránh những người có khả năng truyền virus sang cho bạn. Tất cả những người có khả năng lây nhiễm đều đã nhiễm virus, song không phải tất cả những người nhiễm virus đều có khả năng lây sang cho người khác", Giáo sư Paltiel nói. "Đối với việc ngăn chặn dịch lây lan, chúng ta cần phát hiện và cách ly những người có khả năng lây nhiễm".
Hiện nhiều người vẫn còn nghi ngại về độ chính xác và tin của xét nghiệm kháng nguyên. Trả lời Zing, giáo sư Paltiel khẳng định xét nghiệm kháng nguyên "đáng tin cậy khi cần thiết".
"Khi một người có rất nhiều virus (đồng nghĩa với việc người đó có khả năng lây nhiễm cao), kết quả xét nghiệm kháng nguyên sẽ rất chính xác và đáng tin cậy. Đó là điều chúng ta cần quan tâm để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan", ông Paltiel bình luận.
Trong trường hợp tệ nhất - tức chỉ vài phần trăm dân số sử dụng xét nghiệm nhanh và cách ly khi dương tính, thì cũng là đủ để tạo ra sự khác biệt
Giáo sư David Paltiel
Trả lời câu hỏi liệu có nên để người dân tự thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh hay không, ông Paltiel đồng ý rằng có những nguy cơ nhất định.
"Tôi hiểu sự quan ngại rằng nhiều người có thể không thực hiện xét nghiệm đúng cách, hay thậm chí là không thực hiện xét nghiệm hoặc che giấu kết quả dương tính", ông nói.
"Vì thế, chúng ta cần chính sách phù hợp, ví dụ cần có người giám sát khi thực hiện các xét nghiệm. Tuy nhiên, chúng tôi đã tính toán rằng, trong trường hợp tệ nhất - tức chỉ vài phần trăm dân số sử dụng xét nghiệm nhanh và cách ly khi dương tính, thì cũng là đủ để tạo ra sự khác biệt, đủ giúp giảm đà lây nhiễm", giáo sư Paltiel nói với Zing.
Những ví dụ điển hình
Trong buổi phỏng vấn, giáo sư Paltiel cũng chia sẻ với Zing một vài điển hình trong việc sử dụng xét nghiệm nhanh để kiểm soát dịch Covid-19.
Ví dụ đầu tiên mà ông Paltiel nhắc đến là Slovakia - một quốc gia Đông Âu đã thành công trong việc kiểm soát làn sóng dịch Covid-19 thứ hai nhờ vào xét nghiệm nhanh diện rộng.
Theo đó, phần lớn dân số Slovakia - trừ những người dưới 10 tuổi và các đối tượng có nguy cơ cao - đi xét nghiệm trong hai ngày 31/10 và 1/11/2020.
Một người dân Slovekia đang được lấy mẫu để xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Getty. |
Hơn 3,6 triệu người Slovekia đã được sàng lọc bằng xét nghiệm kháng nguyên, theo CNN. Những người có kết quả âm tính sẽ nhận được giấy chứng nhận, qua đó không phải thực hiện các biện pháp hạn chế ngặt nghèo.
Những người dương tính sẽ được đưa đi điều trị, trong khi những người từ chối xét nghiệm sẽ phải tuân thủ quy định chống dịch.
Kết quả của chính sách trên đã giúp số ca nhiễm mới tại Slovakia giảm đến gần 60%, theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí y khoa BMJ.
"Xét nghiệm (kháng nguyên) không hoàn hảo. Chúng ta cần các xét nghiệm tốt hơn. Song, các bằng chứng hiện tại cho thấy chúng có tác động đủ lớn trong việc ngăn dịch Covid-19", giáo sư Paltiel nói.
Hôm 31/5, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng đưa ra chiến lược chống dịch mới của nước này, trong đó nhấn mạnh sẽ triển khai xét nghiệm với quy mô rộng hơn, đồng thời sẽ bán các bộ xét nghiệm nhanh cho người dân tại nhà thuốc.
"Các xét nghiệm thay thế cho PCR sẽ giúp chúng ta phát hiện và cách ly nhanh chóng những người có khả năng lây nhiễm cao nhất. Điều này sẽ giúp chúng ta nhiều trong việc giảm sự lây lan của Covid-19", Strait Times dẫn lời thủ tướng Singapore.