Việt Nam vẫn đang trong đợt bùng dịch nghiêm trọng nhất với số ca mắc mới mỗi ngày trên 100 ca, với hai điểm nóng là các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang và ổ dịch trong cộng đồng tại TP.HCM.
"Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt việc phân bổ bệnh nhân giữa các bệnh viện với nhau, đồng thời cũng làm tốt công tác đào tạo bác sĩ, y tá, và các bệnh viện trên khắp cả nước", tiến sĩ Matthew Moore, Giám đốc chương trình An ninh Sức khỏe Toàn cầu thuộc Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC Mỹ), trả lời Zing về nỗi lo các bệnh viện quá tải nếu số ca bệnh tiếp tục tăng nhanh.
"Do đó, dù là bệnh viện tuyến huyện ở Việt Nam cũng có thể chăm sóc bệnh nhân Covid-19", ông nói.
Cuộc phỏng vấn ngày 2/6 cũng đề cập đến các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, các phương án xét nghiệm và việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng tại Việt Nam.
Trong lúc Mỹ đã đảm bảo được nguồn cung vaccine trong nước, chính quyền Tổng thống Joe Biden cam kết cung cấp 60 triệu liều vaccine Astra Zeneca cho các quốc gia khác. Mỹ cũng hứa chia sẻ thêm 20 triệu liều vaccine từ các nhà sản xuất Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.
Tiến sĩ Matthew Moore cho biết CDC Mỹ và các bộ phận khác của Đại sứ quán Mỹ đang làm việc chặt chẽ với chính phủ để đưa vaccine đến Việt Nam càng nhanh càng tốt.
"Xét nghiệm đúng cách, đúng nơi, đúng thời điểm"
- Ông đánh giá thế nào về đợt dịch mới lần này ở Việt Nam?
- Tôi nghĩ rằng mỗi đợt bùng dịch mới sẽ lại là hồi chuông cảnh báo người dân về khả năng dễ lây lan của virus Covid-19. Điều này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng trong tuân thủ quy tắc 5K. Đây vẫn là những biện pháp thành công để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên khắp cả nước.
Với bất cứ làn sóng dịch Covid-19 nào, tôi nghĩ đều có 3 khía cạnh khác nhau cần bàn tới: địa điểm, con người, và mầm bệnh.
Về địa điểm trong đợt dịch lần này, chúng ta có thể dễ dàng hình dung đến các khu công nghiệp - nơi xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong thời gian gần đây. Dịch bệnh rõ ràng rất dễ lây nhiễm khi mọi người làm việc gần nhau trong môi trường không thông thoáng như nhà máy.
Về yếu tố con người, hãy nói về bệnh nhân tại các bệnh viện. Bệnh nhân ở bệnh viện để điều trị nhiều căn bệnh khác nhau như ung thư phổi, gan - những bệnh có thể làm tăng nguy cơ mắc cũng như tử vong vì Covid-19.
Tiến sĩ Moore trong buổi trao đổi với Zing vào chiều 2/6. Ảnh: Việt Linh. |
Vì vậy, đa số trường hợp bị nặng hoặc những ca tử vong do Covid-19 thường có nguyên nhân xuất phát một phần từ chính con người và bệnh nền mà họ cói từ trước.
Vấn đề thứ ba là mầm bệnh, hay chính là virus. Gần đây, chúng tôi đã thấy những biến chủng Covid-19 mới xuất hiện khắp thế giới.
Thông thường sẽ mất một khoảng thời gian - vài tuần hoặc thậm chí vài tháng - trước khi chúng tôi có thể nghiên cứu kỹ và thật sự hiểu về biến chủng mới. Tại CDC Mỹ, chúng tôi vẫn đang tìm hiểu về các biến thể (lần đầu được phát hiện ở) Anh hay Nam Phi.
Ngoài ra, chúng ta phải chọn xét nghiệm đúng cách, đúng nơi, đúng thời điểm.
80-90% ca bệnh không nghiêm trọng
- Số ca mắc mới không ngừng gia tăng có thể gây áp lực cho hệ thống y tế. Ông có lời khuyên nào để tránh tình trạng này?
- Điều quan trọng là phải chỉ ra rằng tại thời điểm này, 80% hoặc thậm chí có thể là 90% các trường hợp mắc Covid-19 ở Việt Nam không nghiêm trọng.
Đó là dấu hiệu cho thấy chính phủ Việt Nam có thể xác định nhanh các trường hợp để truy vết và xét nghiệm sớm. Càng được xác định sớm bao nhiêu, người bệnh càng có thể nhanh chóng được điều trị và ngăn bệnh trở nặng.
Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt việc phân bổ bệnh nhân giữa các bệnh viện, đồng thời cũng làm tốt công tác đào tạo bác sĩ, y tá, và các bệnh viện trên khắp cả nước.
Do đó, dù là bệnh viện tuyến huyện ở Việt Nam cũng có thể chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Như vậy, không riêng một bệnh viện nào sẽ bị quá tải vì phải điều trị nhiều bệnh nhân.
Hàng nghìn nhân viên y tế từ hầu hết bệnh viện ra quân lấy mẫu, điều phối truy vết, xét nghiệm liên tục suốt ngày đêm. Ảnh: Hoàng Giám. |
- Ông dự đoán diễn biến dịch bệnh tiếp theo như thế nào?
- Tôi không muốn đưa ra dự đoán. Chúng ta thấy ngay từ đầu là chính phủ Việt Nam có cách tiếp cận ứng phó mạnh mẽ dựa trên những bằng chứng khoa học để chống dịch.
Tất cả các bộ, ban, ngành trong chính phủ Việt Nam đều vào cuộc. Việc giao tiếp và chia sẻ thông tin luôn được đảm bảo giữa mọi người. Tôi tin rằng chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo con đường này và tất cả chúng ta sẽ cùng nhau kiểm soát được đại dịch.
Hai kịch bản xét nghiệm khu công nghiệp
- Trong thời gian qua, Việt Nam ghi nhận nhiều ổ dịch mới tại các khu công nghiệp. Với số lượng lớn người tập trung tại một nơi như vậy, đâu là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn?
- Trước hết, phải nói rằng biện pháp 5K có ý nghĩa quan trọng trong việc chống dịch. Những biện pháp này đã được áp dụng ở khắp mọi nơi, bao gồm cả các khu công nghiệp và bệnh viện.
Ngoài ra, chúng tôi biết chính phủ đang có những mối lo ngại về nguồn lực trong xét nghiệm khi các ca mắc mới không ngừng gia tăng ở các khu công nghiệp. Vì vậy, chúng ta có thể chia ra 2 trường hợp khác nhau.
Trường hợp đầu tiên, bạn hãy tưởng tượng có một khu công nghiệp ghi nhận nhiều ca mắc và phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội.
Khi ấy, chính phủ có thể áp dụng hai loại xét nghiệm. Một là xét nghiệm PCR, thường được biết đến là "tiêu chuẩn vàng" trong xét nghiệm không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Một loại xét nghiệm khác là xét nghiệm kháng nguyên nhanh.
Trong khi xét nghiệm PCR có thể giúp phát hiện RNA (ribonucleic acid) của virus, thì xét nghiệm kháng nguyên giúp xác định chuỗi protein của virus khi chúng sao chép hoặc nhân đôi bản thể.
Chúng tôi thấy rằng xét nghiệm kháng nguyên có khả năng đem lại hiệu quả cao trong 5-7 ngày đầu tiên khi người bệnh có triệu chứng Covid-19. Tuy nhiên, chúng không cho kết quả chính xác với người dương tính nhưng không triệu chứng.
Trong khu công nghiệp mà nhiều bệnh nhân có triệu chứng Covid-19, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để xét nghiệm kháng nguyên. Nếu họ dương tính, bạn có thể ngay lập tức đưa họ tới nơi điều trị để phá vỡ chuỗi lây nhiễm.
Mặc khác, xét nghiệm PCR sẽ được sử dụng với những người cách ly không có triệu chứng. Sở dĩ vậy vì đây là phương pháp xét nghiệm tốt nhất, dù lượng virus trong cơ thể có nhỏ đến đâu.
Như vậy, chúng ta có xét nghiệm thứ nhất vào đầu giai đoạn cách ly và xét nghiệm tiếp theo trước khi kết thúc cách ly. Điều này đã được CDC Mỹ chứng minh trong các nghiên cứu là rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm sau khi kết thúc cách ly. Đương nhiên, một điều mấu chốt khác là bạn phải đảm bảo việc cách ly được tuân thủ nghiêm ngặt.
Hai yếu tố này - cách ly nghiêm ngặt và xét nghiệm chất lượng cao - sẽ có tác dụng rất lớn trong ngăn lừa làn sóng dịch bệnh. Trong các khu công nghiệp có nhiều ca mắc, 2 loại phương pháp xét nghiệm được kết hợp lại có thể rất hữu ích trong việc ngăn chặn làn sóng dịch bệnh.
Kịch bản thứ hai là tại khu công nghiệp không có ai có triệu chứng mắc Covid-19 và bạn cũng tin rằng ổ dịch không xuất hiện ở đây. Trong tình huống đó, bạn có thể sử dụng chiến lược gộp mẫu xét nghiệm.
Việc gộp mẫu xét nghiệm là giải pháp tiết kiệm, giúp nhanh chóng phát hiện ca mắc ở những nơi không có dấu hiệu lây nhiễm.
Khu vực được lực lượng chức năng phong tỏa vì có ca nhiễm, nghi nhiễm Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn. |
- Nhiều nhà quản lý trong các khu công nghiệp đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, và một số nước châu Âu ... Điều này có thể khiến các biến thể virus xâm nhập vào Việt Nam và hình thành ổ dịch tại nơi làm việc. Giải pháp cho vấn đề này là gì?
- Với bất cứ ai đến từ quốc gia nào, Việt Nam cũng đều áp dụng chiến lược cách ly và xét nghiệm Covid-19. Chúng ta có thể thấy việc kiểm dịch được tiến hành nghiêm túc với thời gian cách ly 14 ngày.
Tôi nghĩ xét nghiệm PCR là chìa khóa để ngăn ngừa tình trạng xảy ra lây nhiễm cộng đồng sau khi cách ly.
- Có quốc gia nào trên thế giới thành công trong việc chống dịch tại các khu công nghiệp? Theo ông, Việt Nam có thể học hỏi gì từ các quốc gia khác?
- Có rất nhiều quốc gia đã đạt được những thành công khác nhau trong việc chống dịch Covid-19. CDC Mỹ luôn cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác nhau. Tại Việt Nam, chúng tôi học được bài học về sự chủ động ứng phó đại dịch của chính phủ.
Với các quốc gia khác, chúng ta có thể học hỏi việc mở rộng phòng xét nghiệm để tăng khả năng xét nghiệm khi các ca mắc liên tục được ghi nhận.
Tuy nhiên, tôi nghĩ mỗi quốc gia đều có điểm khác biệt riêng. Và mọi quốc gia đều đang cố gắng dựa vào những bằng chứng khoa học tốt nhất để đưa ra quyết định hợp lý.
- Tại các tỉnh thành có các vùng công nghiệp, phương thức chống dịch như thế nào là cân bằng để đạt được mục tiêu kép tăng trưởng kinh tế và ngăn ngừa dịch bệnh?
- Tôi nghĩ từ khóa ở đây là “cân bằng”. Đây là điều phải được quyết định dựa trên sự phối hợp giữa nhà chức trách địa phương và trung ương. Sở dĩ vậy vì mỗi đợt bùng dịch Covid-19 đều khác nhau.
Hành động hiệu quả ở một vùng công nghiệp này có thể không phải là giải pháp đúng đắn cho vùng công nghiệp khác. Chúng ta cần thật sự cân nhắc hoàn cảnh cụ thể trước mắt để từ đó đưa ra quyết định dựa trên thực tiễn.
Tôi cũng nghĩ rằng có một số chiến lược có thể giúp chúng ta đạt được mục tiêu kép. Ngoài xét nghiệm, chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực để thúc đẩy tiêm chủng.
Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều hiểu rằng tiêm chủng là con đường đưa chúng ta thoát khỏi đại dịch. Vì vậy, CDC Mỹ và các bộ phận khác của Đại sứ quán Mỹ đang làm việc chặt chẽ với chính phủ để đưa vaccine đến Việt Nam càng nhanh càng tốt.
- Việt Nam đã đưa công nhân vào diện người được ưu tiên tiêm chủng. Ông có nghĩ rằng đây là ý tưởng hay?
- Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là mỗi nước tự quyết định về mức độ ưu tiên khi tiêm chủng. Với CDC Mỹ và ở Mỹ, chúng tôi lập danh sách những người lao động thuộc diện “cơ sở hạ tầng thiết yếu” - những người thật sự quan trọng đối với sự vận hành của xã hội, như nhân viên bảo trì điện hoặc cung cấp nước.
Tương tự, Việt Nam cũng có thể tự ra quyết định về mức độ ưu tiên khi tiêm chủng. Tôi nghĩ rằng cả CDC Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng muốn mọi người dân đều có cơ hội tiêm chủng vào thời điểm hợp lý, phù hợp hoàn cảnh trong nước.
Từ đầu đại dịch, chính phủ Việt Nam đã lập danh sách tiêm chủng ưu tiên và đặt nhân viên y tế lên đầu tiên. Đây là quyết định rất quan trọng vì nếu nhân viên y tế không được bảo vệ trước Covid-19, ai sẽ ở đó để chăm sóc những người còn lại, đúng không nào?
Nhân viên lấy mẫu xét nghiệm tại Bắc Giang. Ảnh: Phạm Thắng. |
Cần "cảm thông" với người còn nghi ngại vaccine
- Hiện tại, nhân viên y tế tại các điểm nóng như Bắc Giang đang hướng dẫn cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm. Ông nghĩ thế nào về việc này?
- Với mỗi dịch bệnh truyền nhiễm, lấy mẫu là bước quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình xét nghiệm. Nếu mẫu vật không được thu thập đúng cách, xét nghiệm có khả năng cho kết quả âm tính sai.
Tuy nhiên, yếu tố bối cảnh rất quan trọng. Chúng ta quay lại 2 trường hợp như trên tôi nói tới: một khu công nghiệp có nhiều ca nhiễm Covid-19 và một khu công nghiệp khác không có dấu hiệu Covid-19.
Ở khu vực không có dấu hiệu của Covid-19, việc để người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên thực ra rất hợp lý vì hình thức xét nghiệm này nhanh và ít tốn kém hơn xét nghiệm PCR. Vì xét nghiệm kháng nguyên có thể không chính xác bằng PCR, người dân cần tự lấy mẫu thường xuyên hơn.
Chúng ta có thể dùng tần suất để bù đắp cho độ chính xác của xét nghiệm kháng nguyên. Trong bối cảnh trên, việc để người dân tự lấy mẫu xét nghiệm là chiến thuật rất hiệu quả vì sẽ giúp tiết kiệm chi phí và nhân lực. Từ đó, chính quyền có thể tập trung nguồn lực vào các điểm nóng khác.
- Ông đánh giá thế nào về các chiến lược chống dịch của chính quyền các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang?
- Như tôi đã nói, chiến thuật 5K sẽ đúng ở bất cứ đâu. Đặc biệt ở các vùng công nghiệp nơi công nhân ở gần nhau, việc giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay, và khai báo y tế, đều rất quan trọng trong tình hình ấy.
Về khía cạnh xét nghiệm diện rộng, đây không chỉ là vấn đề số lượng xét nghiệm mà còn là vấn đề chất lượng xét nghiệm, cũng như việc sử dụng đúng hình thức xét nghiệm vào đúng người đúng thời điểm. Tại các vùng công nghiệp, chiến lược xét nghiệm tại một thời điểm cần phụ thuộc vào tình hình thực tế trong vùng.
Về xét nghiệm PCR, hầu hết cả Việt Nam lúc này đang có lời kêu gọi mạnh mẽ là cần thực hiện 4, thậm chí 5, lần xét nghiệm PCR với người đang cách ly. Tôi hoàn toàn hiểu tại sao chính quyền muốn làm vậy - họ muốn phát hiện mọi trường hợp càng sớm càng tốt. Điều này thật sự rất quan trọng.
Tuy nhiên, có thể chỉ cần một lần xét nghiệm chất lượng thật sự cao ở cả đầu và cuối cách ly là đã đủ. 3 lần xét nghiệm khác ở giữa giai đoạn cách ly có thể được dùng cho những công nhân bị ốm ở khu công nghiệp hoặc ở bệnh viện, hoặc cho người nhập cảnh vào Việt Nam. Theo tôi, đó là cách mà chúng ta phải suy nghĩ về nguồn lực và tình hình tại các vùng công nghiệp.
Tiến sĩ Moore cho rằng cần "rất cảm thông" với người còn nghi ngại về vaccine. Ảnh: Việt Linh. |
- Chính phủ có thể làm gì để người dân yên tâm về vaccine?
- Tôi nghĩ có một số bước cần làm mỗi khi nói chuyện với những người mà có thể còn lo ngại về vaccine.
Đầu tiên, chúng ta phải rất cảm thông. Chúng ta phải hiểu rằng mỗi người có nỗi lo ngại riêng về tiêm chủng nên trước tiên, ta cần phải chịu khó lắng nghe xem lo ngại ấy là gì.
Một cách để hiểu được lo ngại của đối phương là hỏi những câu hỏi mở: Anh lo ngại điều gì? Tại sao anh lo ngại về điều ấy? Anh đọc được thông tin về việc vaccine có thể có vấn đề từ nguồn nào?
Một khi hiểu được nguyên cớ, chúng ta có thể chỉ dẫn họ tới những nguồn thông tin đáng tin cậy. Chẳng hạn, CDC Mỹ và WHO cùng là nguồn thông tin vaccine đáng tin cậy và còn một số nguồn khác.
Bước cuối cùng là phổ biến cho họ về lợi ích của tiêm chủng. Mỗi người có thể có quan điểm khác nhau về lợi ích của vaccine. Tôi có thể muốn tiêm chủng để bảo vệ gia đình, bạn có thể muốn tiêm chủng để có thể khỏe mạnh và tiếp tục lao động mỗi ngày. Chúng ta phải để tâm tới bất cứ điều gì sẽ thúc đẩy một người tiêm chủng.
- Xin cảm ơn ông!