Ngày 29/12, Phó thủ tướng Lê Văn Thành và đoàn công tác liên ngành có buổi làm việc về công tác đầu tư dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 với UBND TP.HCM cùng 4 tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phó thủ tướng chỉ rõ nhiều vấn đề còn tồn tại ở 2 dự án, đặc biệt là chi phí giải phóng mặt bằng và xây dựng. Lãnh đạo Chính phủ dẫn chứng với khoảng 83.000 tỷ xây dựng hơn 80 km đường cao tốc, bình quân dự án cần 1.000 tỷ/km đường là quá cao.
Tính toán mức đầu tư hợp lý
Phó thủ tướng nhận định mức đầu tư cho mỗi km đường của Vành đai 3 TP.HCM cao hơn nhiều so với các tuyến cao tốc trên cả nước. Chi phí giải phóng mặt bằng tính riêng 15 km đường tại Bình Dương là 22.000 tỷ đồng, 6,8 km tại Long An là 5.000 tỷ đồng.
"Nếu không tính toán cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến việc dự trù và chủ trương", ông cảnh báo.
Về quy hoạch tuyến Vành đai 3, Phó thủ tướng đề nghị các đơn vị cần hạn chế để tuyến đường đi qua đất ở, đất dân cư. Mặt khác, nếu đường đi qua đất nông nghiệp thì giá giải phóng mặt bằng nói trên phải xem xét lại.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết qua làm việc, thành phố và các địa phương thống nhất phương án đầu tư PPP không khả thi, thời gian thực hiện sẽ kéo dài hơn 24 năm.
Do đó, các địa phương thống nhất đề nghị cho chuyển sang đầu tư bằng ngân sách, từ nguồn phục hồi kinh tế.
"Vành đai 3 là tuyến huyết mạch, khi hoàn thành không chỉ giúp TP.HCM phát triển mà còn cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam", ông Mãi nói và ví von việc xây dựng tuyến đường này như "chăm sóc cho gà đẻ trứng vàng" bởi dự án sẽ mang lại những hiệu quả rất lớn.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành làm việc với UBND TP.HCM và 4 tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: VGP. |
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cho rằng chi phí xây dựng đoạn Vành đai 3 đi qua tỉnh Bình Dương cần tính toán thêm. Cụ thể, với 5.600 tỷ đồng, bình quân, một km đường vành đai 3 đi qua tỉnh Bình Dương cần gần 400 tỷ đồng chi phí xây dựng. Trong khi đó, ở nhiều tuyến cao tốc khác trên cả nước có địa hình phức tạp hơn, đòi hỏi thi công khó hơn nhưng chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng thấp hơn đáng kể.
Theo đó, đại diện Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) cho rằng dự án Vành đai 3 TP.HCM đi qua nhiều tỉnh, thành nên cần có khung chính sách chung, tránh mỗi địa phương áp dụng mỗi nơi một kiểu.
Khung chính sách này cần được Chính phủ giao cho Bộ GTVT chủ trì hoặc giao cho các địa phương hình thành. Riêng đối với đất nông nghiệp, Chính phủ đã ban hành khung chính sách, bảng giá là do từng địa phương quyết định nhưng không thể vượt quá một triệu/m2.
Về vấn đề này, Phó thủ tướng nhìn nhận việc đền bù, giải phóng mặt bằng có nhiều vấn đề liên quan đến thị trường, giá cả đất đai. Tuy nhiên, có những khu vực thuộc hoàn toàn về quản lý Nhà nước, đã có công thức chung và không theo giá thị trường. Do vậy, Bộ GTVT cần chịu trách nhiệm tư vấn các địa phương trong việc thực hiện vấn đề này.
"Dứt khoát phải tìm đường ra", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Đề nghị có vốn Trung ương
Chủ tịch UBND Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết đoạn 1A (Tân Vạn - Nhơn Trạch) Vành đai 3 đi qua địa phương dài 6,3 km đang thực hiện theo nguồn vốn ODA. Đồng Nai đã lập dự toán, áp giá và triển khai bồi thường để đảm bảo tiến độ khởi công trong quý I/2022. Hiện, Đồng Nai còn lại đoạn 2A khoảng 5 km.
Ông Dũng thẳng thắn nhìn nhận để thực hiện Vành đai 3 phải có ngân sách Trung ương tham gia. Do đó, lãnh đạo Đồng Nai kiến nghị đoạn từ TP.HCM (Tân Vạn kéo dài đến Đồng Nai, bao gồm đoạn 1A đang làm bằng vốn ODA) có ghép vào để thực hiện bằng hình thức PPP vẫn được, với điều kiện địa phương có 50% ngân sách, còn lại cần sự hỗ trợ từ vốn Trung ương.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út báo cáo Phó thủ tướng. Ảnh: VGP. |
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết đối với Vành đai 4, địa phương đã hoàn thành 21/48 km theo đúng quy hoạch. Do yêu cầu phát triển của Bình Dương, trong nhiệm kỳ này, tỉnh phấn đấu hoàn thành tuyến. Với đường Vành đai 3, Bình Dương đã đầu tư xây dựng 15,3 km (trong tổng số 25,9 km), quy mô 6 làn xe.
“Còn lại 10,6 km đi qua khu đô thị nên số vốn để giải phóng mặt bằng rất lớn, mong muốn được Trung ương hỗ trợ. Phần kinh phí xây lắp tỉnh có thể tự lo được”, ông Minh nói.
Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út nhận định kết nối vùng giữa địa phương và các tỉnh còn rất hạn chế.
"Long An không thể đi một mình mà phải có sự liên kết các địa phương", lãnh đạo tỉnh chia sẻ.
Ông Út cho biết Long An có 6,8 km Vành đai 3 đi qua. Dù phần giải phóng mặt bằng rất ít nhưng địa bàn gặp khó khăn về vốn. Lãnh đạo địa phương kiến nghị Chính phủ cho tách gói giải phóng mặt bằng ra riêng, giao tỉnh là cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Sơ đồ các đoạn Vành đai 3 cần khép kín. |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định Vành đai 3 là tuyến vành đai cao tốc liên vùng kết nối các khu đô thị vệ tinh trọng điểm phía Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn toàn ủng hộ chủ trương cần làm và càng phải làm sớm.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng thời gian qua vẫn chưa có cơ quan có thẩm quyền để xâu chuỗi khiến dự án nhiều năm giậm chân tại chỗ.
Sau khi nghe các địa phương báo cáo, Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao UBND TP.HCM là cơ quan chủ trì làm việc với tư vấn để rà soát kỹ, cả về chi phí đầu tư, kinh phí giải phóng mặt bằng, xây dựng, phương thức đầu tư cho Vành đai 3.
“Phải rà soát xem kinh phí đền bù, chi phí xây dựng đã chính xác chưa, tất cả yếu tố đó cần tính toán kỹ. Trong tổng số 88 km thì đoạn nào có thể làm hình thức đầu tư PPP, đoạn nào cần 100% ngân sách”, Phó thủ tướng nói.
Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo khi dự án tổng thể được phê duyệt thì đoạn tuyến trên địa phương nào thì địa phương đó triển khai. Ông giao các bộ ngành, địa phương phấn đấu hoàn thiện thủ tục trong tháng 2 để tháng 4-5 năm 2022 có thể trình dự án cho Quốc hội xem xét.
3/4 tuyến vành đai tại TP.HCM vẫn chưa thể khép kín. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Đối với đường Vành đai 4, Phó thủ tướng chỉ đạo UBND các địa phương là cơ quan có thẩm quyền thực hiện, kêu gọi đầu tư. Trong đó, phương thức thực hiện là kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP và ngân sách đảm nhiệm một phần.
"Cần kiểm điểm lại việc chậm tiến độ của đường Vành đai 4. Nếu tuyến này tiếp tục chậm sẽ dẫn đến vấn đề giống như đường Vành đai 3, giá thành đất đai, đền bù sẽ tăng", Phó thủ tướng lưu ý.