Câu ví von trên được Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi nói tại hội thảo “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề đặt ra cho TP.HCM và Đông Nam bộ”, được tổ chức sáng 23/12.
Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu gợi mở chủ đề hội thảo. Ảnh: H.V. |
Theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM và vùng Đông Nam bộ phải xác định được sứ mạng, trách nhiệm lớn lao của mình để cùng cả nước vươn mình mạnh mẽ vào kỷ nguyên mới.
Lãnh đạo TP.HCM cho rằng, cần xác định được nội hàm và các trụ cột trọng tâm của toàn vùng để lên kế hoạch những việc cần làm ngay, những việc mang tính chiến lược lâu dài, tạo nền tảng cho sự phát triển.
“TP.HCM luôn mong muốn hợp tác với vùng Đông Nam bộ, với các nguồn lực khác để đạt mục tiêu cao nhất. Thành phố sẽ lãnh sứ mệnh hạt nhân trong phối hợp, điều tiết, bố trí các nguồn lực để cùng hợp tác, phát triển”, ông Phan Văn Mãi nêu quan điểm.
Tinh gọn bộ máy là tiền đề quan trọng cho TP.HCM và vùng Đông Nam bộ bước vào kỷ nguyên mới. Ảnh: H.V. |
Dồn hết trí lực, tâm lực vào tinh gọn bộ máy
Tham luận tại hội thảo, TS Dư Phước Tân - Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, các cấp chính quyền TP.HCM và vùng Đông Nam bộ cần nhận thức về ý nghĩa của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Từ đó, thay đổi nhận thức theo xu hướng mới là kiên định với mục tiêu tinh gọn bộ máy do Trung ương phát động; quyết tâm dồn hết trí lực và tâm lực để triển khai thành công chủ trương rất quan trọng này nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Đồng quan điểm, TS Hoàng Văn Tú (Học viện Cán bộ TP.HCM) và ThS Lê Thị Thơm (Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Hưng Yên) cho rằng, thành công của việc tinh gọn bộ máy không chỉ giúp TP.HCM nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn trở thành hình mẫu cho cả nước trong xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả.
Theo hai diễn giả này, việc tinh gọn bộ máy sẽ gặp những thách thức lớn, từ tâm lý kháng cự nội bộ, phức tạp trong tổ chức, đến áp lực từ công nghệ, dân số và khung pháp lý…
Tuy nhiên, khi nhận diện rõ ràng và có những giải pháp đột phá, TP.HCM sẽ vượt qua khó khăn, xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.
TS Trương Minh Huy Vũ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: H.V. |
Thúc đẩy hơn nữa liên kết vùng
Theo TS Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, TP.HCM và vùng Đông Nam bộ đang cảm nhận được rõ nét sự chuyển động trong giai đoạn mới.
Cụ thể, TP.HCM vừa đưa vào vận hành tuyến metro số 1, tạo tiền đề để phát triển 7 tuyến còn lại.
Thành phố cũng đang hoàn thành tuyến đường Vành đai 2, đang triển khai xây dựng Vành đai 3 và 4, tạo thành hệ thống giao thông liên kết cả vùng Đông Nam bộ.
“Những bước chuyển mình như vậy cho thấy TP.HCM cùng với vùng Đông Nam bộ đã có những tiền đề tốt để bước vào kỷ nguyên vươn mình”, TS Vũ khẳng định.
Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch cho rằng, TP.HCM và vùng Đông Nam bộ đã và đang tập trung những công trình, dự án để làm thay đổi cả khu vực.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, cần tập trung xử lý nhanh, có hiệu quả các công trình dự án tồn đọng nhiều năm, kéo dài lãng phí nguồn lực... nhằm hấp thụ vốn đầu tư, tạo sức lan tỏa chung.
Đối với liên kết vùng, theo ông Lịch, cần hoàn thành hệ thống giao thông kết nối chung, các đường cao tốc, đường Vành đai 3,4; triển khai trục giao thông Bắc - Nam và đường ven sông Sài Gòn theo quy hoạch.
Triển khai nhanh đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ, nghiên cứu sớm phương án kết nối huyện Cần Giờ (TP.HCM) và Bà Rịa Vũng Tàu; đường sắt đô thị nối ga Thủ Thiêm với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo TS Trần Du Lịch, TP.HCM phải đóng vai trò 'nhạc trưởng' trong liên kết vùng, để cùng nhau bước vào kỷ nguyên mới. Ảnh: H.V. |
“TP.HCM cần đóng vai trò “nhạc trưởng” trong thực hiện quy hoạch vùng, trong đó ưu tiên số 1 vẫn là xây dựng kết nối hệ thống đường bộ và đường sắt đô thị; tối ưu hóa hệ thống logistics của vùng hướng về cụm cảng biển trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải - Cần Giờ, đưa vùng Đông Nam bộ và Vùng đô thị TP.HCM thành điểm sáng trên hành lang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, TS Trần Du Lịch đề xuất.
Còn theo TS Dư Phước Tân, trong liên kết vùng, cần chú trọng nguyên tắc “khai thác lợi thế kinh tế dựa vào quy mô của toàn vùng”. Nguyên tắc này góp phần mang lại kết quả đột phá, vượt trội, nhất là trong kỷ nguyên mới hiện nay.
Sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.