Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Khởi công dự án 1A Vành đai 3 đầu năm 2022

Dự án 1A (một đoạn của đường Vành đai 3) khi hoàn thành góp phần rút ngắn hành trình từ Nhơn Trạch, Đồng Nai đến TP.HCM và Bình Dương.

Ngày 25/11, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết dự kiến trong quý I/2022, dự án 1A của đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (thuộc dự án Vành đai 3 TP.HCM) được khởi công.

Dự án 1A được Ban quản lý dự án Mỹ Thuận ký hợp đồng dịch vụ tư vấn thiết kế kỹ thuật và hỗ trợ đấu thầu hồi tháng 2.

Công trình dài 8,75 km, điểm đầu giao với tỉnh lộ 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) và điểm cuối giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc TP Thủ Đức (TP.HCM).

Trong đó, đoạn đi qua Đồng Nai dài 6,3 km, còn lại qua TP.HCM. Giai đoạn một, dự án làm đường rộng 20-26 m cho 6 làn xe, vận tốc 80 km/h. Vốn đầu tư gần 5.300 tỷ đồng từ vốn vay ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Phần giải phóng mặt bằng tách thành dự án riêng do TP.HCM và Đồng Nai thực hiện.

Các đoạn còn lại của dự án Vành đai 3 gồm: Dự thành phần 2 (gồm 2A, 2B, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch), đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức.

Khoi cong du an 1A Vanh dai 3 TP.HCM trong nam 2022 anh 1

Tuyến Vành đai 3 còn hơn 81 km với 3 đoạn chưa được thi công. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Vành đai 3 có tổng chiều dài hơn 90 km chạy qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, chia làm 4 đoạn lớn: Đoạn 1 từ Bình Chuẩn đến Tân Vạn (Bình Dương) dài 16,7 km (đã hoàn thành); đoạn 2 từ Tân Vạn đến Nhơn Trạch (Đồng Nai) dài 34,3 km; đoạn 3 từ Bình Chuẩn (Bình Dương) đến quốc lộ 22 (TP.HCM) dài 17,5 km; đoạn 4 từ quốc lộ 22 đến Bến Lức (Long An) dài 29,2 km.

Tuần trước, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An có buổi làm việc và kiến nghị Trung ương bố trí ngân sách từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với tổng vốn hơn 83.000 tỷ đồng để làm dự án.

Các tỉnh thống nhất quan điểm sớm đầu tư dự án, song việc đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và dùng ngân sách địa phương giải phóng mặt bằng không khả thi, do các khó khăn khách quan.

Thư Trần

Bạn có thể quan tâm