Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xây dựng Luật đặc khu: ‘Vượt lên chính mình và nỗi sợ hãi'

Chia sẻ với Zing.vn, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, dẫn lời lãnh đạo Khánh Hòa, cho rằng xây dựng luật đặc khu, chúng ta phải vượt lên được nỗi sợ hãi.

Hôm nay, 22/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật khu hành chính - kinh tế đặc biệt (luật đặc khu). Trước đó, dư luận còn nhiều ý kiến trái chiều về dự án luật, với những băn khoăn về mức độ mở của luật cũng như việc có hay không việc trái Hiến pháp. Zing.vn trao đổi với ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, người trực tiếp tham gia soạn thảo dự án luật, để làm rõ góc tiếp cận của cơ quan soạn thảo.

Cứ 'bó chặt' khung của luật cũ thì không thể có ưu đãi vượt trội

Là người trực tiếp tham gia soạn thảo, ông có thể chia sẻ góc nhìn của Bộ Kế hoạch - Đầu tư khi soạn thảo luật này, nhất là khi có không ít những ý kiến trái chiều, nghi ngại, thậm chí đặt vấn đề trái Hiến pháp?

- Trước hết, việc xây dựng luật này xuất phát từ quy định của Hiến pháp và chỉ đạo của Bộ Chính trị.

dac khu kinh te anh 1
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Lê Hiếu.

Điều 110 của Hiến pháp đã nói về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, theo đó có sự đặc biệt về cả hành chính và kinh tế.

Trong thông báo số 21 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh có cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội quy định tại luật.

Chúng ta xây dựng mô hình để cạnh tranh với các nước, để tạo cơ chế chính sách đặc thù, vượt trội và cạnh tranh. Vượt trội nghĩa là các ưu đãi phải tốt hơn các mô hình đã áp dụng trong nước như khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp; còn cạnh tranh nghĩa là phải đủ sức hấp dẫn khi so với quốc tế. Tuy nhiên, luật cũng phải tương thích với các luật khác. 

Cũng phải nói rõ, nếu cứ “bó chặt” khung của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì sẽ không thể có ưu đãi vượt trội. Tuy nhiên, chúng ta cũng xác định mức ưu đãi thế nào là phù hợp. Chúng ta không cho không tất cả.

Dự án luật này có trao ưu đãi vượt trội nhưng chỉ giới hạn ở những ngành nghề phù hợp lợi thế, ưu tiên thu hút đầu tư. Vì thế, mọi quy định của dự thảo luật đều có thời hạn, kể cả ưu đãi thuế. Chúng ta nâng thời hạn thuê đất tối đa là 99 năm nhưng không phải tất cả đơn vị đều là 99 năm. Luật yêu cầu trưởng đơn vị hành chính ban hành tiêu chuẩn từng dự án, quy mô như thế nào để có thể được thuê 50 năm, 70 năm hay 99 năm.

Tiền thắng casino ở đặc khu được mang trực tiếp về nước Người Việt được vào chơi casino, tiền thắng casino được mang trực tiếp về nước là những quy định thoáng bên cạnh những ưu đãi vượt trội về đầu tư, thuế ở đặc khu kinh tế.

- Với các đại biểu Quốc hội, hoặc người người dân thông thường, khi nói về Luật khu hành chính - kinh tế vẫn là khái niệm rộng và khó. Ông có thể giải thích một số điểm đặc biệt của luật này?

- Như đã nói, đây là khu hành chính - kinh tế đặc biệt, nghĩa là phải xác định có đặc biệt về cả hành chính và kinh tế. Chính sách về kinh tế phải có vượt trội và cạnh tranh quốc tế.

Tổ chức hành chính phải đặc biệt làm sao để hỗ trợ thực hiện các chính sách về kinh tế. Nếu chúng ta trao cho các đặc khu rất nhiều ưu đãi vượt trội nhưng thẩm quyền và thủ tục hành chính không đáp ứng được thì rất khập khiễng.

Bên cạnh đó, vai trò của cơ quan xét xử như tòa án và luật áp dụng cũng được các nhà đầu tư quan tâm. Trong luật này có cả đặc thù về tư pháp, bao gồm việc áp dụng luật nào và ở cơ quan tư pháp nào nữa. 

Theo luật này, cơ chế chính sách đặc thù gắn với trao thẩm quyền nhiều hơn cho chính quyền ấy phát triển, đồng thời cả cơ quan xét xử, viện kiểm sát đều đồng bộ phù hợp với đặc thù ấy.

Vấn đề là Quốc hội muốn mở đến đâu

- Trong dự thảo có nhiều điểm được xem là mới như chuyện cho phép áp dụng các luật quốc tế ở đặc khu, cho quyền xét xử tương đối của tòa án. Ông có thể làm rõ góc tiếp cận của cơ quan soạn thảo?

- Luật Đầu tư, Luật Dân sự vẫn cho phép áp dụng luật nước ngoài. Các bên được lựa chọn trong hợp đồng đầu tư kinh doanh là lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài và không được trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Dự thảo luật đặc khu chỉ quy định rõ ràng hơn, minh bạch hơn, cho phép mở nhiều điểm đồng thời vẫn có những ràng buộc phù hợp với Việt Nam, phù hợp với định hướng của Hiến pháp. 

Ông Trần Duy Đông

Tại dự thảo luật đặc khu, thay vì nói chung chung như Bộ Luật dân sự, rằng theo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì chúng ta nói rõ cái nào quy định tại luật thì phải theo. Chúng ta cũng gắn 5 nguyên tắc của Bộ Luật Dân sự trong dự thảo luật mới, với mục tiêu là tạo môi trường ngày càng minh bạch hơn.

Về việc giải quyết tranh chấp, trong Luật Đầu tư đã quy định 2 nhà đầu tư với nhau, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có thể chọn trọng tài quốc tế, trọng tài trong nước, trọng tài do 2 bên thỏa thuận và tòa án Việt Nam.

Trên thực tế, với những hợp đồng, cam kết dựa trên hiệp định khuyến khích đầu tư, hoặc các cam kết thương mại quốc tế, chúng ta đã cho phép áp dụng tòa án nước ngoài, và nhà đầu tư đương nhiên được thực hiện.

Tại dự thảo, chúng ta vẫn có một quy định theo đúng bộ Luật dân sự, tức là đối với những vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án Việt Nam thì trừ ra. Tôi lấy ví dụ như trừ bất động sản, rồi hợp đồng lao động, các vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng…

Nói cách khác, dự thảo luật đặc khu chỉ quy định rõ ràng hơn, minh bạch hơn, cho phép mở nhiều điểm đồng thời vẫn có những ràng buộc phù hợp với Việt Nam, phù hợp với định hướng của Hiến pháp. 

Còn việc thẩm quyền của đặc khu trực thuộc ai thì sao, thưa ông?

Điều 110 của Hiến pháp quy định đơn vị hành chính đặc biệt đứng riêng, không thuộc tỉnh, quận huyện. Tức là một mô hình đặc biệt, thuộc ai thì chưa rõ, mà phải do luật định.

Thông báo số 21 của Bộ Chính trị nói đơn vị hành chính đặc biệt thuộc tỉnh. Thuộc tỉnh không có nghĩa là huyện, không có nghĩa là xã, mà nó là đặc biệt. Thẩm quyền của nó sẽ do luật này quy định, và sẽ quy định rõ mối quan hệ với tỉnh.

Từ góc độ của ban soạn thảo, chúng tôi giải thích thuộc tỉnh là về ranh giới địa lý, dân cư thôi. Về thẩm quyền, đặc khu thực tế có những cái vượt cả tỉnh. Theo dự thảo, Thủ tướng và các bộ ngành có thể trao thẩm quyền cho trưởng đặc khu (77/116 thẩm quyền của Thủ tướng được trao - pv).

- Phương án được cả đơn vị soạn thảo và các địa phương đề xuất là loại bỏ HĐND mà thay vào đó là mô hình trưởng đặc khu gắn với hội đồng giám sát đặc khu. Có chuyên gia nói rằng quy định này đụng trần Hiến pháp. Quan điểm của ông?

- Hiến pháp có nói quốc gia đang thành 4 đơn vị hành chính là tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, quận, huyện, phường xã và đơn vị hành chính đặc biệt. Điều 111 có nói các đơn vị hành chính phải tổ chức chính quyền địa phương, tức là tại đơn vị hành chính, phải có chính quyền địa phương.

Nhưng khoản 2 lại nói cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp.

Các quy định đưa ra trong dự thảo luật không trái Hiến pháp. Vấn đề là giải thích Hiến pháp thế nào, và đại biểu Quốc hội muốn mở đến đâu.

Ông Trần Duy Đông

Ban soạn thảo và Chính phủ vận dụng theo ý là đặc khu hành chính phải có tổ chức chính quyền địa phương. Nếu tổ chức thành cấp chính quyền địa phương thì phải có HĐND và UBND, còn không tổ chức thành cấp chính quyền địa phương, thay vào đó là một mô hình nào đó thì khác. Chúng tôi xác định là trưởng đơn vị hành chính đặc biệt.

Trong báo cáo thẩm tra Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng cần xem thêm sự phù hợp với Hiến pháp chứ không bảo trái Hiến pháp. Việc hiểu điều đó như thế nào là do Quốc hội quyết định.

Trong dự thảo luật, Chính phủ cũng trình 2 phương án. Thứ nhất là có trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, thay vì mô hình UBND và HĐND với trách nhiệm tập thể như hiện nay. Phương án này mới là đột phá, cải cách cơ bản việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, đề cao trách nhiệm cá nhân.

dac khu kinh te anh 2
Ông Nguyễn Duy Đông cho rằng luật hoàn toàn không trái Hiến pháp. Ảnh: Lê Hiếu.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chúng tôi vẫn trình phương án 2. Phương án này có cả HĐND, UBND và cũng có đột phá. Giống như phương án một, ở xã phường không tổ chức HĐND và UBND, mà tổ chức thành các khu hành chính để cung cấp dịch vụ công nhanh nhất cho dân cư và nhà đầu tư.

Quan điểm của Chính phủ là ưu tiên phương án 1, còn quyết định thế nào vẫn là do Quốc hội.

Nhưng phải nhấn mạnh, các quy định mà Chính phủ đưa ra không trái Hiến pháp. Vấn đề là giải thích Hiến pháp thế nào, và đại biểu Quốc hội muốn mở đến đâu.

Đề án thành lập 3 đặc khu có gì khác nhau? Theo đề án thành lập, dự kiến 3 đặc khu Vân Đồn - Bắc Vân Phong - Phú Quốc sẽ có ưu đãi các ngành nghề khác nhau phù hợp với điều kiện và thế mạnh từng vùng.

Quan trọng nhất là minh bạch thông tin để dân giám sát

- Trong dự thảo có khoảng 10 trang quy định về Trưởng đặc khu. Điều này là chưa từng có tiền lệ. Trưởng đặc khu được trao vị trí rất quan trọng với 116 quyền, nhiều quyền ngang với Thủ tướng, Bộ trưởng. Làm thế nào để cân bằng được chuyện cơ chế trong đặc khu, song song với đó là kiểm soát hoạt động của Trưởng đặc khu này?

- Trong 116 thẩm quyền của Trưởng đặc khu, nhiều thẩm quyền đã được giao rồi. Khoảng 77 thẩm quyền được Thủ tướng và các bộ ngành giao. Trước đây Chủ tịch UBND tỉnh cũng không được trao nhiều thẩm quyền như vậy. Và Thủ tướng có thể bổ nhiệm Trưởng đơn vị đặc khu hành chính - kinh tế.

Việc giám sát cũng thay đổi. Chúng tôi cũng đưa vào dự thảo hội đồng giám sát đặc khu. Khác với hội đồng do dân bầu, hội đồng này do Thủ tướng thành lập bên cạnh trưởng đặc khu, để giám sát các thẩm quyền đã được giao. Hội đồng giám sát có thể cảnh báo trưởng đơn vị, hoặc đề xuất Thủ tướng cách chức.

Luật cũng quy định phải tổ chức đối thoại với dân. Hàng tháng, hàng năm phải tổ chức công bố thông tin đại chúng về hoạt động.

Điều quan trọng nhất là minh bạch thông tin để nhân dân giám sát.

- Trưởng đặc khu mới sẽ có thêm quyền. Theo ông quyền gì đáng chú ý nhất so với Trưởng ban quản lý các khu kinh tế hiện tại?

- Trưởng ban quản lý khu công nghiệp hiện nay được ủy quyền khá nhiều thẩm quyền giống Trưởng đặc khu, nhưng đang ở chế độ ủy quyền, thẩm quyền được quy định ở Nghị định. Tầm của Nghị định thấp hơn Luật rất nhiều, rất dễ bị các luật chuyên ngành thay đổi.

Luật mới sẽ phân quyền luôn với các thẩm quyền khác đẩy mạnh hơn về kinh tế - xã hội, đất đai, xây dựng, môi trường… để triển khai nhanh hỗ trợ dân cư và nhà đầu tư.

Còn thẩm quyền về dân cư và hành chính thì không có nhiều cái mới.

Đổi mới bao giờ cũng khó khăn

- Theo dõi các cuộc thảo luận về luật này, có vẻ nhiều người vẫn muốn “nhốt” luật này vào các khuôn khổ pháp lý sẵn có, như vậy sẽ cảm thấy an toàn hơn. Làm thế nào ban soạn thảo có thể thuyết phục để có đột phá?

- Đổi mới bao giờ cũng khó khăn.

Chúng ta muốn tạo đột phá, nhưng khi bàn cụ thể thì các bộ ngành đều kéo lại. Có người thì muốn an toàn, người khác do có lợi ích, nhưng phần nhiều là thận trọng với việc đổi mới.

Trước đây, chúng ta có mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế, và đều là đa ngành, đa lĩnh vực. Thủ tướng từng phải tuýt còi các tỉnh tự ban hành vượt rào để thu hút đầu tư. Với đặc khu, Thủ tướng yêu cầu phải quyết tâm đổi mới.

Thời điểm này, chỉ còn sự khác biệt liên quan đến mô hình tổ chức được mở tới đâu. Các vấn đề khác như ưu đãi, áp dụng pháp luật, giải quyết tranh chấp tương đối đồng thuận. 

Thực ra, Quốc hội càng thông qua sớm, cơ hội đến với chúng ta càng nhanh. Chỉ cần đi qua một năm là nhiều cơ hội qua đi, nhiều nhà đầu tư lớn muốn vào Việt Nam nhưng chúng ta không có cơ chế đủ tốt.

- Làm sao để thuyết phục các đại biểu bấm nút thông qua dự án luật để tạo cơ hội sớm như ông mong muốn?

- Tôi xin dẫn lại câu nói của một lãnh đạo Khánh Hòa, đó là: “Mình phải vượt lên chính mình, thay đổi tư duy. Không vượt lên chính mình thì không thể làm được. Phải vượt qua nỗi sợ hãi đó”.

Tư duy của mình là đưa luật ra không muốn phải sửa luật. Thế nhưng, ngay tại Jeju của Hàn Quốc, khi xây dựng thành phố tự trị, họ đã trao 1.196 đặc quyền tại 333 điều có độ mở cửa mạnh hơn mình. Trong 10 năm, họ sửa luật 6 lần để phù hợp hơn với thực tế.

Thủ tướng từng nói không đi thì không thể đến được. Chúng ta không quá cầu toàn. Việc cần là đảm bảo các nguyên tắc của Hiến pháp là không được trái. Trong xây dựng luật, quan điểm của chúng tôi là phải thử nghiệm chính sách mới, có như vậy mới mong đột phá được.

Chúng ta tự hỏi liệu cơ chế chính sách mình đưa ra có đáp ứng kỳ vọng nhà đầu tư hay không. Mở cửa theo kiểu thiên đường thuế, các doanh nghiệp có vào không? Tôi không chắc là họ sẽ vào đâu. Vấn đề nằm ở đột phá thể chế. 

Việc triển khai thực hiện rất quan trọng, đặc biệt là việc chọn Trưởng đơn vị đặc khu. Đó phải là người am hiểu, có kinh nghiệm, thực tiễn Việt Nam gắn với trình độ quốc tế. Một người chưa đủ tầm, chưa năng động vận dụng triển khai các cơ chế thì khó thành công.

Phó thủ tướng: 'Tôi tin vào thành công của đặc khu ở Việt Nam' Trao đổi với Zing.vn, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lạc quan về triển vọng thành công của các đặc khu ở Việt Nam. Theo ông, đặc khu quan trọng nhất là đột phá thể chế.

Đánh thức thương cảng đầu tiên Vân Đồn

Vân Đồn đang có những bước chạy đà đáng kể để trở thành đặc khu kinh tế. Song song với đó vẫn còn nhiều câu chuyện về cuộc sống người dân, cơ chế chính sách và thu hút đầu tư.

Khát vọng đặc khu kinh tế và những câu hỏi tỷ đô

4 năm sau cuộc gặp với ông trùm casino Mỹ tại TP. Hạ Long, các lãnh đạo Quảng Ninh vẫn đau đáu với những câu hỏi được nêu ra và món nợ câu trả lời.



Thanh Tuấn - Phương Loan - Hiếu Công

(Thực hiện)

Bạn có thể quan tâm