Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Xây dựng đặc khu kinh tế cho dài hạn, với mức độ tự do cao hơn'

Về dài hạn, việc xây dựng các đặc khu kinh tế là cần thiết. Thậm chí trong tương lai, mức độ tự do của các đặc khu còn cao hơn hiện tại rất nhiều.

Tại Diễn đàn kinh tế Miền Trung lần thứ 2 tổ chức tại Đà Nẵng mới đây, nhiều chuyên gia đã có tham luận về việc thành lập các đặc khu hành chính - kinh tế đặc biệt.

Xây dựng đặc khu với mức độ tự do hóa cao trong tương lai

Theo PGS. TS. Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược kinh tế, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, việc quyết định xây dựng 3 đặc khu hành chính - kinh tế có thể chậm so với thế giới nhưng về dài hạn là rất cần thiết. Trong tương lai, mô hình đặc khu hành chính - kinh tế sẽ được phát triển với mức độ tự do cao hơn trước.

Ông Thắng lấy ví dụ về việc phát triển các đặc khu kinh tế dưới dạng khu mậu dịch tự do của Trung Quốc, để nói về sự phát triển của mô hình. Trung Quốc đang thực hiện thế hệ thứ II của mô hình đặc khu kinh tế với kiểu khu mậu dịch tự do.

Mô hình đặc khu kinh tế cũ đã rất thành công tại Thâm Quyến. Mô hình mới được xây dựng tại Khu phố Đông (Thượng Hải) cùng với chiến lược “Vành đai - Con đường”. Mô hình này được đặc trưng bằng mở cửa 2 chiều, kết nối quy tắc hai bên (Trung Quốc và bên ngoài), làm nổi bật sức ảnh hưởng và quyền phát ngôn trong quá trình hội nhập.

Theo ông Thắng, Trung Quốc cho rằng trong tương lai, các đặc khu kinh tế sẽ ngày càng tự do hơn. Và Việt Nam cần nghĩ cho dài hạn để phát triển các đặc khu kinh tế ngay từ lúc này.  

dac khu kinh te anh 1
PGS. TS. Bùi Tất Thắng. Ảnh: Báo Đầu Tư.

Ở Việt Nam, dù có chủ trương từ năm 1997 về xây dựng thí điểm một số đặc khu kinh tế, khu mậu dịch tự do ở những địa bàn ven biển có đủ điều kiện, thực tế vẫn chưa như kỳ vọng.

Hiện Việt Nam mới chỉ có Chu Lai được mang tên “khu kinh tế mở”, đến năm 2007 thành lập thêm "Khu thương mại tự do" thuộc "Khu kinh tế mở Chu Lai". Tất cả các khu ra đời sau đó, chỉ được hình thành dưới hình thức “khu kinh tế”.

Vượt khuôn khổ pháp lý mới có thể tạo đột phá

PGS. TS. Bùi Tất Thắng cũng cho rằng việc xây dựng Luật Hành chính - kinh tế đặc biệt đang trình Quốc hội, là bước tiến quan trọng trong việc thực thi thể chế mang tính đột phá. Cần chờ đợi xem luật sau khi ban hành sẽ được hưởng ứng như thế nào.

Luật sẽ có tác động ảnh hưởng gì đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

dac khu kinh te anh 2
 

Theo ông Thắng, Luật Đặc khu hành chính - kinh tế phải nhằm vào việc thu hút được những tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu trên thế giới tham gia. Không chỉ đặt nhiệm vụ "xây tổ cho phượng hoàng đến ở", mà còn phải chỉ chỗ cho "phượng hoàng đến xây tổ".

Theo đó không nên “nâng cấp” các ưu đãi hiện có của các khu kinh tế lên, mà thay vào đó là thay đổi cách tiếp cận thiết kế các điều khoản của Luật, nhằm đạt tới trình độ chung của thông lệ quốc tế.

Xây dựng luật không phải là ưu đãi hơn trước so với chính ta.

PGS. TS. Bùi Tất Thắng hiến kế nên thay đổi tư duy lập ra các đặc khu là để cạnh tranh với các đặc khu trên thế giới. Thậm chí cạnh tranh trong việc thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu trên thế giới. Theo đó, cần phải tham gia vào chuỗi các đặc khu kinh tế của cả châu lục, tạo thành một cộng đồng các đặc khu của cả vùng. Giống nhau ở mô hình thể chế thông thoáng, nhưng đa dạng, phong phú trong hoạt động kinh doanh.

dac khu kinh te anh 3
Bắc Vân Phong được xây dựng trở thành đặc khu kinh tế. Ảnh: Báo Khánh Hòa.

Riêng với Đặc khu hành chính - kinh tế Vân Phong, nếu lấy việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế làm hạt nhân, cần phải định hướng xây dựng mô hình chính quyền cảng. Việc xây dựng có sự tham gia của các tập đoàn kinh doanh cảng biển lớn trên thế giới và các Hiệp hội vận tải biển quốc tế.

Xây dựng đặc khu sẽ xảy ra những điểm “vượt bỏ” một số quy định pháp lý hiện hành. Bản chất của đổi mới, đột phá, chính là tìm ra những điểm “vượt bỏ” hợp lý, chính  đáng. Theo ông Thắng, qua đó tạo lập khuôn khổ pháp lý mới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

“Không vượt qua được những khuôn khổ pháp lý bất hợp lý hiện hành thì khó có đột phá, phát triển”, ông Thắng nhấn mạnh.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ 2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để thử nghiệm thể chế cần thiết. Ngoài ra, đặc khu kinh tế sẽ tạo ra cực tăng trưởng có tính lan toả cho vùng.

Chính phủ sẽ trình Quốc hội Dự án về luật các khu kinh tế hành chính đặc biệt. Miền Trung có Bắc Vân Phong của Khánh Hoà vào kỳ họp sắp tới.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm