Theo dự án luật vừa được thông qua, về tổ chức chính quyền tại đặc khu hành chính - kinh tế, Chính phủ thống nhất không tổ chức Hội đồng nhân dân. Mô hình chính quyền sẽ do chức vụ Trưởng đơn vị đứng đầu. Trưởng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ do Thủ tướng bổ nhiệm.
Dự án luật cũng quy định phân cấp cho Trưởng đơn vị đặc khu hành chính - kinh tế một số thẩm quyền của Thủ tướng và các Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Dự án luật bổ sung quy định cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với Trưởng đơn vị.
Chính phủ cũng thống nhất đưa vào dự án luật việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan như: Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án là cấp đặc biệt. Cấp này có đủ thẩm quyền trong hoạt động tư pháp, tố tụng.
Bắc Vân Phong được quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế. Ảnh: Báo Khánh Hòa. |
Về nguồn vốn đầu tư cho đặc khu hành chính - kinh tế, dự án luật quy định sẽ sử dụng ngân sách trung ương đầu tư hạ tầng thiết yếu ban đầu. Sau đó, khu đơn vị đặc khu hành chính - kinh tế có nguồn thu sẽ được giữ lại một phần để tiếp tục đầu tư.
Về áp dụng pháp luật nước ngoài và giải quyết tranh chấp tại tòa án nước ngoài, do đây là vấn đề liên quan đến chủ quyền pháp lý và quyền tài phán quốc gia, Chính phủ thống nhất báo cáo Quốc hội 2 phương án để xem xét, quyết định.
Chính phủ đánh giá dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có vai trò rất quan trọng, nhằm xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng. Đây cũng là nơi thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá.
Dự án Luật có bảo đảm tuân thủ Hiến pháp năm 2013, có thể chế, chính sách ưu đãi vượt trên các luật hiện hành. Chính phủ nhấn mạnh dự án luật có khả năng cạnh tranh, thích ứng cao với yêu cầu hội nhập quốc tế.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, bảo đảm tiến độ, báo cáo Thủ tướng trước khi trình Quốc hội.