Sáng 26/8, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo một số bộ ngành và tỉnh Quảng Ninh đã tới huyện đảo Vân Đồn thị sát các hạng mục công trình xây dựng để định hướng nơi này trở thành đặc khu kinh tế. Yêu cầu đặt ra với các bộ, ngành và địa phương là phải xây dựng thể chế mạnh mẽ để phát triển Đặc khu kinh tế Vân Đồn trở nên hấp dẫn, “níu” chân các nhà đầu tư, doanh nghiệp và du khách khi tới đảo này.
Phó thủ tướng đánh giá cao việc Vân Đồn “vừa chạy việc, vừa xếp hàng” để chuyển sang mô hình đặc khu kinh tế nhưng đã thu hút gần 2 tỷ USD xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện tại, sân bay Vân Đồn đang dần lộ diện hình hài khi đường bay có độ dài 3.600 m đang được hoàn thiện sau hai năm khởi công xây dựng.
Một góc huyện Vân Đồn. Ảnh: Báo Quảng Ninh. |
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh tới những lợi thế của huyện đảo này khi nằm nằm gọn trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai” kinh tế Việt Nam – Trung Quốc. Điều này tạo thuận lợi cho việc hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng và là cầu nối giữa ASEAN - Trung Quốc.
Các bộ ngành và tỉnh Quảng Ninh cần học hỏi kinh nghiệm xây dựng và phát triển các đặc khu kinh tế của các nước trên thế giới. Vân Đồn cần tạo cơ chế quản lý thông thoáng, cung cấp các dịch vụ tài chính, kinh tế, du lịch, văn hoá có chất lượng cao, đa dạng để thu hút các doanh nghiệp và khách du lịch.
Riêng các nhà đầu tư phải bảo đảm tiến độ các công trình, dự án đã được phê duyệt. Cần nhanh chóng triển khai để phát huy giá trị của Vân Đồn khi dự án Luật đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2017.
Vị trí huyện đảo Vân Đồn. |
Dự thảo Đề án Khu hành chính, kinh tế đặc biệt Vân Đồn xác định các ngành nghề trọng tâm theo các lĩnh vực (du lịch - dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp) và được phân lớp theo từng giai đoạn phát triển:
- Giai đoạn 1 (2018-2022): Du lịch giải trí có casino, dịch vụ cảng biển, hàng không; thương mại, trung tâm mua sắm quốc tế; công nghệ sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp.
- Giai đoạn 2 (2023-2026): Công viên chuyên đề; ngư nghiệp, chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần; Giáo dục và đào tạo; Dịch vụ tài chính; Y tế, chăm sóc sức khoẻ...
- Giai đoạn 3 (2027-2030): Công nghệ sinh học, công nghệ xanh, nông nghiệp công nghệ cao.
Dự thảo Đề án cũng đề xuất 75 chính sách đặc thù phân thành 12 nhóm: Ưu đãi thuế (9 chính sách); đất đai và bất động sản (10); Tài chính, ngân sách (07); Tiền tệ, ngân hàng (06); Đầu tư kinh doanh (07); Quản lý và phát triển nguồn nhân lực (08); Xuất nhập cảnh và quản lý cư trú (07); Xuất khẩu hàng hoá (05); đối với nhà đầu tư chiến lược (06); công nghệ cao (05); du lịch (03); chính sách khác (02).
Mô hình tổ chức chính quyền theo mô hình Trưởng đặc khu, không tổ chức Hội đồng nhân dân.