Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Đánh thức thương cảng đầu tiên Vân Đồn

Vân Đồn đang có những bước chạy đà đáng kể để trở thành đặc khu kinh tế. Song song với đó vẫn còn nhiều câu chuyện về cuộc sống người dân, cơ chế chính sách và thu hút đầu tư.

dac khu kinh te van don anh 1dac khu kinh te van don anh 2

Vân Đồn đang có những bước chạy đà đáng kể để trở thành đặc khu kinh tế. Song song với đó vẫn còn nhiều câu chuyện về cuộc sống người dân, cơ chế chính sách và thu hút đầu tư.

Ông Lý Văn Bình đặc biệt nhớ 2 cảm giác trong đời mà ông từng chứng kiến tại quê hương Vân Đồn của mình. Lần thứ nhất là ngày khắp làng, khắp xóm người dân Vân Đồn vỡ òa niềm vui và nhìn ngắm không chán chiếc bóng đèn sáng lên bởi điện lưới quốc gia. Thời khắc đóng điện, mọi người tập trung cùng nhau và reo hò trước những ánh sáng đổi đời cho hòn đảo không xa nhưng biệt lập với đất liền.

Lần thứ 2 là ngày ông nghe tin trên chính ngôi làng mình sinh ra sẽ xây dựng sân bay. Hòn đảo nơi tổ tiên ông sinh sống từ bao đời sẽ trở thành đặc khu kinh tế lớn của cả nước. Tuy nhiên, cảm giác lần thứ 2 vừa vui sướng, vừa có chút vấn vương băn khoăn, lo lắng.

dac khu kinh te van don anh 3

dac khu kinh te van don anh 4

Vân Đồn là một quần đảo vòng quanh phía đông và đông bắc vịnh Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh), gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó chỉ khoảng 20 đảo đất có người ở.

Theo sử sách, với vị trí cửa ngõ của vùng quần đảo hiểm yếu nên năm 980 ở đây đã có đồn Vân trấn giữ của quân đội nhà Tiền Lê.

Năm 1149, vua Lý Anh Tông chính thức lập trang Vân Ðồn, đồng thời biến nơi đây thành thương cảng đầu tiên của Đại Việt. Cảng nhộn nhịp với các thương nhân từ các nước trong khu vực Đông Á và thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia...

Đến thời Trần, chính sách ngoại thương cởi mở đã tạo điều kiện để Vân Đồn trở thành thương cảng sầm uất, nhộn nhịp và hưng thịnh nhất một thời. Nhiều bến thuyền neo đậu phục vụ cho việc giao thương được hình thành.

Vân Đồn có gì trước ngày thành đặc khu kinh tế? Với những tiềm năng về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, Vân Đồn được định hướng trở thành một trong 3 đặc khu kinh tế của cả nước.

Tuy nhiên, bước sang thời Hậu Lê và nhà Nguyễn, Vân Đồn không còn được chú trọng phát triển như trước. Bến cảng rơi vào cảnh suy thoái và bị lãng quên.

Vân Đồn dần trở nên hoang vắng. Hòn đảo chỉ còn những người bản địa, chiếm phần lớn là người Sán Chỉ sinh sống. Đến những năm 60-70 của thế kỷ 20, đã có nhiều đợt di dân từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ra Vân Đồn khai hoang.

Dù không quá xa đất liền, các hòn đảo tại Vân Đồn, đặc biệt là Cái Bầu vẫn biệt lập tương đối so với những vùng đất xung quanh. Trước năm 2006, thời điểm những cây cầu nối Cái Bầu với đất liền hoàn thành, việc tìm mua xăng tại hòn đảo này là điều xa xỉ. Đường xá cũng hầu hết men theo biển và đường mòn dân sinh. Kinh tế Vân Đồn đến nay vẫn chủ yếu là nông nghiệp, đánh bắt thuỷ hải sản và một phần rất nhỏ của du lịch.

dac khu kinh te van don anh 5

dac khu kinh te van don anh 6

Ông Nguyễn Duy Hưng, nguyên Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh, ví Vân Đồn như một hòn ngọc thô bị lãng quên, với các tiềm năng chưa được đánh thức.

Theo ông Hưng, Vân Đồn có rất nhiều thuận lợi về vị trí, cảnh quan và cơ hội để trở thành đầu tàu kinh tế không chỉ của Quảng Ninh mà cả đất nước.

Về vị trí, Vân Đồn nằm cách không xa trung tâm Hạ Long. Khách đến với Hạ Long có thể di chuyển kéo dài chuyến đi đến Vân Đồn khá dễ dàng. Từ địa phương này cũng có thể kết nối với các trung tâm như Cẩm Phả, Móng Cái…

Vân Đồn lại có vị trí đặc biệt quan trọng tại Vịnh Bắc Bộ, có thể là cửa ngõ đường bộ hoặc đường biển của Trung Quốc với các nước ASEAN. Vùng đất này cũng nằm rất gần các trung tâm kinh tế của Trung Quốc như Quảng Đông, Hong Kong, Thâm Quyến… Điều này có thể thu hút vốn cũng như du khách đến với Vân Đồn.

Về cảnh quan, Vân Đồn sở hữu vịnh Bái Tử Long đẹp không thua kém vịnh Hạ Long. Ngoài ra, còn có hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ với cảnh quan thiên nhiên đẹp. Nhiều hòn đảo không có người ở.

Vân Đồn có gì cạnh tranh? Theo ông Nguyễn Duy Hưng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh đã nhận ra tiềm năng phát triển của Vân Đồn.

Tiềm năng của quần đảo này, theo ông Hưng, đã được nhiều thế hệ lãnh đạo của tỉnh Quảng Ninh nhận thấy. Quảng Ninh sẽ không xây dựng Vân Đồn thành bản sao của Hạ Long mà sẽ theo một cách riêng, với mong muốn trở thành một đặc khu kinh tế.

Những tiềm năng của Vân Đồn dần được đánh thức bằng những dự án hạ tầng.

Điện lưới đã được kéo về đảo lớn nhất là Cái Bầu, sau đó là Quan Lạn, Minh Châu…

Bước ngoặt lớn nhất chính là cây cầu thế kỷ nối Cẩm Phả và đảo Cái Bầu. Cảnh những con phà chậm chạp nối hòn đảo với đất liền đã trở thành dĩ vãng. Giờ đây, người dân có thể đi ôtô trực tiếp từ đất liền ra đảo. Những con đường ven biển, đường nối các khu vực cũng được xây dựng.

Quan trọng hơn hết, tiềm năng của Vân Đồn đã được nhìn thấy và đánh thức bằng việc địa phương này được chọn để xây dựng mô hình đặc khu kinh tế. Vân Đồn đã được nghiên cứu đánh giá khả thi, xây dựng quy hoạch và đề xuất những cơ chế đặc thù cho một cuộc bứt phá.

dac khu kinh te van don anh 7

dac khu kinh te van don anh 8

Cảng Cái Rồng, trung tâm của Vân Đồn, tấp nập ngày đêm với tàu thuyền đánh cá. Đây cũng là nơi xuất phát của nhiều chuyến tàu đi Côtô, Quan Lạn, Ngọc Vừng… Cái Rồng có lẽ là minh chứng lớn nhất của sự phát triển của Vân Đồn kể từ khi có điện, có cầu.

Thế nhưng, Vân Đồn đang “chạy đà” nhanh hơn thế. Đi sâu vào trung tâm đảo, xe tải, máy xúc, máy ủi hoạt động ngày đêm bên một loạt những công trình lớn đang gấp rút hoàn thành. Diện mạo thương cảng bị lãng quên một thời đang thay đổi từng ngày

dac khu kinh te van don anh 9

Sân bay Vân Đồn với đường băng dài nhất Việt Nam đang rõ hình hài và chờ chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào cuối năm 2017. Những khu tái định cư được xây mới. Nhiều ngọn đồi được san phẳng để tạo mặt bằng đón các nhà đầu tư. Những con đường lớn 6 làn xe đã thành hình trên vùng đất vốn chỉ quen với đường mòn dân sinh.

2,5 tỷ USD đã được địa phương thu hút để rót cho cơ sở hạ tầng, Vân Đồn đang có những bước chạy đà để trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của miền Bắc.

dac khu kinh te van don anh 10

dac khu kinh te van don anh 11

Đón chờ ngày thành lập đặc khu kinh tế với những chính sách ưu đãi hứa hẹn là “vượt trội”, nhiều nhà đầu tư đã “chạy đà” với những dự án lớn tại Vân Đồn.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, hiện tại Khu kinh tế Vân Đồn đã thu hút 54 dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước. Trong đó có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (trị giá khoảng 19,4 triệu USD) và 50 dự án từ nhà đầu tư trong nước (tổng vốn đăng ký đạt 21.300 tỷ đồng).

Các dự án đầu tư tập trung trong một số lĩnh vực như phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng - khai thác - chế biến thủy hải sản, trồng rừng, đầu tư hạ tầng…

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề xuất cơ chế phát triển Vân Đồn Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, 2 vấn đề có ảnh hưởng lớn nhất đến phát triển Vân Đồn là thủ tục hành chính và việc cấp đất cho nhà đầu tư.

Hiện tại, tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn Tập đoàn Sun Group là nhà đầu tư chiến lược, thực hiện những dự án trọng điểm, quy mô lớn tại Vân Đồn. Một số dự án lớn đang triển khai là: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (3.900 tỷ đồng - giai đoạn 1), dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn 1 (4.800 tỷ đồng), dự án khu dịch vụ, hậu cần cảng hàng không, dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn (trong đó có hạng mục Casino - trị giá khoảng 2 tỷ USD)… Tổng số vốn mà Sun Group đăng ký đạt trên 58.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, một lãnh đạo của Tập đoàn FLC cho biết cũng đang lập dự án bao gồm nhiều hạng mục đầu tư vào Vân Đồn. Cụ thể, doanh nghiệp này sẽ đầu tư các công trình: Khu nghỉ dưỡng resort, khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế, casino, sân golf, vườn thú safari, bảo tàng, khu làng nông nghiệp cộng đồng, thư viện… tại đảo Ngọc Vừng và Vạn Cảnh.

Tổng mức đầu tư các dự án của FLC (bao gồm 2 khu tại đảo Ngọc Vừng và Vạn Cảnh) dự kiến khoảng 2 tỷ USD. Tổng diện tích dự án là 4.000 ha (2.500 ha tại đảo Vạn Cảnh và 1.500 ha tại đảo Ngọc Vừng).

Doanh nghiệp này còn cho biết đang triển khai quy hoạch tổng thể và tiến hành công tác giải phóng mặt bằng tại Vân Đồn trên diện tích 1.700 ha.

Cùng lúc đó, nhiều đại gia ngoại cũng đã vào khảo sát, nghiên cứu và đưa ra những đề xuất phát triển riêng để khai thác tiềm năng của vùng đất hoang sơ này.

dac khu kinh te van don anh 12

Gia đình ông Lý Văn Bình là một trong 3 hộ dân còn sót lại của một ngôi làng thuộc xã Đoàn Kết, cạnh sân bay Vân Đồn đang thi công. Những con đường nhỏ men theo sườn đồi cạnh căn nhà cấp 4 với khoảng sân rộng trước kia thay vào đó là đường nhựa lớn mới xây xong. Cạnh đó là những chiếc xe tải hoạt động ngày đêm chở đất đá và vật liệu xây dựng

Những người hàng xóm từ thuở hàn vi của ông Bình đã chuyển ra nơi ở mới xa hơn. Thay vào đó, ông Bình có những người hàng xóm mới là những công nhân xây dựng sân bay. Họ còn rất trẻ, đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, ở trong những lán trại ồn ào cạnh nhà ông.

Toàn cảnh Cảng Cái Rồng, trung tâm kinh tế của Vân Đồn Cảng Cái Rồng là nơi trung chuyển hàng hóa và hành khách đi các đảo của tỉnh Quảng Ninh. Đây còn là nơi tập kết hải sản đánh bắt được của ngư dân huyện Vân Đồn.

Ông Bình vẫn nhớ những ngày giải phóng mặt bằng, ngôi làng hàng trăm năm di dời gần như toàn bộ. Ông mô tả ngày đó như một cuộc cách mạng rầm rộ mà bản thân ông lần đầu chứng kiến. 200 hộ dân, khoảng 1.000 con người cùng đồ đạc cùng lúc dời đi. Thay vào đó là máy móc, vật liệu xây dựng, những công nhân xây dựng trên công trường khổng lồ.

Nói về sự phát triển của Vân Đồn, về những công trình lớn đang xây dựng khắp hòn đảo, ông Bình chỉ cười nhẹ với ánh mắt xa xăm tuổi xế chiều. Ông bảo vui vì quê hương mình sẽ phát triển. Ngày có điện, dân làng đã có thể mua tủ lạnh, tivi, máy giặt. Ngày có đường, dân làng không phải cáng nhau chạy bộ ra thị trấn mỗi khi có người bệnh nữa. Ngày có đặc khu kinh tế, quê hương ông sẽ cò nhiều sự thay đổi lớn hơn thế.

Tuy nhiên, ông lo lắng cho bản thân và mọi người xung quanh, tuổi tác đã già, trình độ hạn chế sẽ làm gì trước những thay đổi của quê hương? Con cháu mình, những người được đào tạo hạn chế có thể nắm bắt và có chỗ đứng trước sự phát triển chung?

Ở nơi tái định cư, hàng chục hộ gia đình vẫn đang sống trong những lán trại tạm bợ. Có người đã đợi gần 3 năm chưa có nơi ở mới. Các gia đình vẫn đang sống dựa vào tiền đền bù và nó đang cạn dần

Theo ghi nhận của Zing.vn, tại khu vực tái định cư, những lô đất dành cấp cho người dân tái định cư vẫn đang trong quá trình san lấp mặt bằng. Hệ thống đường, kè đang được hoàn thiện, chỉ số ít người đã có thể xây được nhà.

Ông Huy, một cán bộ về hưu có huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, cho hay ông đã chờ đợi gần 2 năm để có căn nhà mới. “Chúng tôi rất ủng hộ chính sách lớn của Nhà nước khi chuyển đi nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng tôi bắt đầu lo lắng về số tiền được đền bù, lo việc căn nhà mới sẽ được xây dựng như thế nào, và lo về kế sinh nhai sắp tới”, ông Huy tâm sự.

dac khu kinh te van don anh 13

Anh Đỗ Nam, chủ một tàu đánh bắt hải sản ở Cái Rồng, thì có nghe mang máng chuyện đặc khu kinh tế Vân Đồn, thế nhưng, cuộc sống không ngừng nghỉ ở cảng Cái Rồng là mối quan tâm lớn nhất, thay vì những điều xa xôi còn nằm trên giấy.

Trong khi đó, Nguyễn Văn Hảo, một bạn trẻ sinh năm 1993 sống tại vũng lõi của đảo Cái Bầu, lạc quan hơn. Hảo học kỹ thuật sửa chữa ôtô nhưng không xin được việc ở Vân Đồn. Hiện tại Hảo làm tạm công nhân xây dựng tại dự án Sân bay Vân Đồn. Hảo mong muốn kinh tế phát triển, đời sống nhộn nhịp để mình có thể được làm công việc đã học ngay tại quê hương.

dac khu kinh te van don anh 14

Câu hỏi làm thế nào để Vân Đồn thực sự bứt phá với đặc khu kinh tế, có sức cạnh tranh với các địa phương khác đã được nhiều người nhắc tới.

Ông Nguyễn Duy Hưng, nguyên Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh, cho rằng để đặc khu kinh tế Vân Đồn thực sự bứt phá, quan trọng nhất là chính sách. Theo ông Hưng, cần trao cho Vân Đồn cơ chế đặc thù tự do, thông thoáng, tạo sự khác biệt và cạnh tranh với các địa phương khác. Cơ chế phải là tiền đề để tạo thu hút đầu tư, thu hút du khách và phát triển kinh tế.

“Vân Đồn không thể phát triển nếu cơ chế giống hoặc na ná như các địa phương khác. Cơ chế bó buộc, nặng về thủ tục có thể kìm hãm sự phát triển.”, ông Hưng nhấn mạnh.

Trao đổi với Zing.vn, ông Tạ Đức Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp huyện Vân Đồn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Quyền, cũng cùng quan điểm trên.

Ông Quyết mong muốn các chính sách về đặc khu kinh tế sớm được Chính phủ trình Quốc hội thông qua. Khi có chính sách cụ thể, doanh nghiệp mới có thể biết mình được tạo thuận lợi gì, qua đó mới phát triển. 

Ông Quyết cũng nhấn mạnh các cơ chế đặc thù, tự do sẽ biến Vân Đồn thành một đặc khu kinh tế thực sự thay vì các mô hình khu kinh tế hiện nay.

Nguyên Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng cũng nhấn mạnh một yếu tố khác: Sự phát triển của dịch vụ vui chơi, giải trí, casino. Theo ông, đây phải là ngành kinh tế mũi nhọn của Vân Đồn, để cạnh tranh với các địa phương khác.

Casino là một ngành mới cần được quan tâm phát triển, tạo động lực phát triển các ngành khác. Đây có thể là nguồn thu ngân sách lớn, thu hút được nhiều du khách đến với Vân Đồn từ nội địa, từ Trung Quốc, qua đó, phát triển được các dịch vụ phụ trợ.

Ông Hưng cho biết Vân Đồn rất gần các trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc. Riêng tỉnh Quảng Đông đã có hàng trăm triệu dân. Mỗi năm chỉ cần đón khoảng 10% dân số các tỉnh phía nam Trung Quốc, Vân Đồn có thể bứt phá thực sự.

Theo đề án xây dựng Khu hành chính – kinhh tế đặc biệt Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đề xuất cơ chế chính sách đặc thù phân thành 12 nhóm.

12 nhóm chính sách ưu đã bao gồm: Ưu đãi thuế; Đất đai và bất động sản; Tài chính, ngân sách; Tiền tệ, ngân hàng; Đầu tư kinh doanh; Quản lý và phát triển nguồn nhân lực; Xuất nhập cảnh và quản lý cư trú; Xuất, nhập khẩu hàng hóa; Đối với nhà đầu tư chiến lược; Hoạt động công nghệ cao; Phát triển du lịch; Chính sách khác.

6 ưu đãi thuế đặc biệt đối với đặc khu kinh tế Ngoài doanh nghiệp được hưởng các ưu đãi đặc biệt, cá nhân có thu nhập từ đặc khu kinh tế cũng được miễn thuế thu nhập trong 5 năm đầu và giảm 50% các năm tiếp theo.

Khát vọng đặc khu kinh tế và những câu hỏi tỷ đô

4 năm sau cuộc gặp với ông trùm casino Mỹ tại TP. Hạ Long, các lãnh đạo Quảng Ninh vẫn đau đáu với những câu hỏi được nêu ra và món nợ câu trả lời.


Hiếu Công

Ảnh: Hoàng Hà - Quỳnh Trang
Video: Huy Nguyễn - Hoàng Hiệp
Đồ hoạ: Mai Trí

Bạn có thể quan tâm