4 năm sau cuộc gặp với ông trùm casino Mỹ tại TP. Hạ Long, các lãnh đạo Quảng Ninh vẫn đau đáu với những câu hỏi được nêu ra và món nợ câu trả lời.
Ngày 7/11, lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư, và 3 Chủ tịch UBND của các tỉnh Kiên Giang, Quảng Ninh và Khánh Hòa cùng có mặt tại Đà Nẵng để thành diễn giả của một phiên đối thoại đặc biệt trong Tuần lễ cấp cao APEC. Phiên đối thoại với cộng đồng doanh nhân APEC về chủ đề phát triển đặc khu kinh tế tại Việt Nam.
Đặc khu kinh tế chẳng có gì đặc biệt cho lắm. Nhận xét này của Economist năm 2016 có vẻ đúng, ít nhất nếu nhìn trên các con số thống kê. Có đến hơn 4.500 cái được gọi là khu kinh tế đặc biệt trên thế giới. Điều đặc biệt có lẽ nằm ở chỗ hầu như quốc gia nào cũng muốn phát triển đặc khu của riêng mình. Thống kê cho thấy cứ 4 quốc gia thì có 3 nước có ít nhất một đặc khu, thậm chí, có những nơi có tới 200 đặc khu như Ấn Độ. Phát triển đặc khu đã là cơn số chưa bao giờ hạ nhiệt suốt vài thập kỷ.
"Bất cứ nước nào không có đặc khu kinh tế cách đây 10 năm đều đã mở một vài khu hoặc đang lên kế hoạch cho nó", nhà kinh tế Thomas Farole thuộc Ngân hàng Thế giới cũng từng được dẫn lời trên Economist năm 2015.
Công thức chung của các đặc khu là sự kết hợp của nhiều ưu đãi thuế và ít rào cản và quy định cho nhà đầu tư, người xuất khẩu, ít nhất so với những khu vực khác tại quốc gia đó. Các bài toán lợi ích đã được các nước đưa lên bàn cân, theo đó, họ chấp nhận hy sinh một nguồn thu thuế đáng kể, cộng thêm khoản vốn khổng lồ rót vào hạ tầng cơ sở. Đổi lại, các chính quyền kỳ vọng về những khoản đầu tư ấn tượng từ các đại gia toàn cầu, đi liền với tạo việc làm, tăng giao thương và là động lực để cả vùng đất cất cánh.
Mầm mống đầu tiên của các đặc khu kinh tế ấy khởi phát từ thế kỷ 15. Khi đó, các "cảng tự do" đầu tiên được thành hình ở Italy. Mô hình này sau đó mở rộng trên phạm vi một vùng lãnh thổ, trở thành khu mậu dịch tự do như Singapore, Hong Kong những năm đầu thế kỷ 19.
Những năm 1940s, mô hình khu kinh tế hiện đại đầu tiên được thai nghén ở vùng quốc hải Đông Bắc biển Caribe thuộc chủ quyền của Mỹ và nhân rộng ra nhiều quốc gia châu Á hai thập kỷ sau đó.
Số lượng các khu kinh tế đến nay bùng nổ như nấm sau mưa. Với những fan hâm mộ của mô hình này, sự phồn thịnh xa hoa của Thâm Quyến với các tòa nhà chọc trời và cửa hàng xa xỉ là điều thần kỳ, một giấc mơ mà họ muốn có cho vùng đất của mình. Thành phố "mỗi ngày xây một cao ốc, 3 ngày làm một đại lộ" trong thập niên 90 ấy giờ đây là bến cảng bận rộn thứ 3 thế giới và sở hữu sàn chứng khoán lớn thứ 22 toàn cầu. Thâm Quyết thu hút tới hơn 400 trong tổng số 500 công ty lớn nhất thế giới tới đầu tư và mở văn phòng.
Sự phồn thịnh của làng chài nghèo với 3.000 dân ấy xuất phát từ quyết định lịch sử năm 1979: Trao cơ chế đặc khu cho Thẩm Quyến của chính quyền Bắc Kinh.
Năm 1979, Việt Nam cũng khai sinh đặc khu kinh tế đầu tiên: Vũng Tàu - Côn Đảo. Đáng tiếc, đến năm 1991, đặc khu này đã bị giải thể, để lập nên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cùng lúc đó, chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế được bàn thảo trở lại, và đưa vào Hiến pháp năm 1992. Quan điểm này được nêu lại nhiều lần trong các văn bản, nghị quyết của Trung ương Đảng. Nhiều thử nghiệm đã được triển khai, với các tên gọi khác nhau, nhưng đến nay, kỳ vọng về một Thâm Quyến của Việt Nam vẫn chỉ là giấc mơ.
Việt Nam vẫn không có một đặc khu kinh tế nào chính thức thành hình, đã có tới 18 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích 54.000 ha trên cả nước.
Mới đây nhất, ngày 22/3/2017, Ban chấp hành Trung ương thông báo việc Bộ Chính trị đồng ý cho thành lập ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
“Đây là chủ trương lớn của Đảng đã được thông qua nhiều kỳ đại hội, do vậy cần quyết tâm triển khai thực hiện, làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, thông báo nhấn mạnh.
Tại cuộc gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng đến từ 21 nền kinh tế đang đóng góp 65% GDP toàn cầu ở Đà Nẵng, các ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng chung thông điệp: "Chúng tôi chân thành mời gọi và sẵn sàng hợp tác với các bạn".
Trong khi ông Don Lâm, Tổng giám đốc của quỹ đầu tư Vinacapital, hy vọng một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam sau APEC 2017, TS Võ Trí Thành nêu rõ, đặc khu chính là một trọng điểm để thu hút nguồn vốn ấy, để đánh thức tiềm năng bị ngủ quên của các vùng đất chiến lược, hiện thực hóa giấc mơ Thượng Hải kiểu Việt Nam.
Vài ngày sau cuộc gặp gỡ tại Cấp cao APEC ở Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư tham dự một sự kiện đặc biệt quan trọng gắn với câu chuyện bàn tại APEC. Chiều 10/11, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt trước Quốc hội. Trong lúc đó, các lãnh đạo địa phương cũng bận rộn với những kế hoạch cụ thể hoá cho giấc mơ đặc khu ấp ủ từ 5-7 năm trước.
Từ năm 2012, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương xây dựng Đề án thành lập đặc khu, các địa phương cũng đã rục rịch các bước chuẩn bị.
Nguyên bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Nguyễn Duy Hưng, chia sẻ ngay từ khi xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội cho Quảng Ninh 5 năm trước, địa phương đã nhìn ra tiềm năng của Vân Đồn. Tỉnh đã cử đoàn đi học ở nhiều nước, tìm hiểu về mô hình đặc khu trên thế giới…, để thay đổi cách nhìn của các cấp trên địa bàn về đặc khu.
Hơn 50 hội nghị, hội thảo, các buổi làm việc lấy ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học cũng được tổ chức. Quảng Ninh còn mời nhiều đơn vị tư vấn bao gồm Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp (AVSE), công ty tư vấn Pricewaterhouse Coopers (PwC) Việt Nam để hoàn thiện dự thảo đề án.
Đề án đã được đập đi, sửa lại nhiều lần, qua tham khảo nhiều nhà đầu tư và chuyên gia trong và ngoài nước.
“Các chuyên gia tư vấn, nhà đầu tư nước ngoài họ nhìn ra nhiều tiềm năng, với những kế hoạch khai thác sáng tạo mà chính lãnh đạo địa phương chúng tôi chưa nhìn thấy”, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND Quảng Ninh, kể.
Chậm chân hơn Phú Quốc trong đầu tư hạ tầng, giờ đây Vân Đồn đang tăng tốc để đảm bảo kết nối thông suốt cho vùng đất này. Nhiều dự án đầu tư hạ tầng cho huyện đảo đang cấp tập triển khai: xây dựng sân bay, phát triển cao tốc nối Vân Đồn với Móng Cái, Hạ Long, thông ra Hải Phòng, Hà Nội...
"Năm 2018, khi các dự án hoàn thành, từ Vân Đồn nối với các trục kinh tế Bắc Bộ: Hà Nội, Hải Phòng sẽ chỉ còn khoảng 2 giờ xe. Việc kết nối đường bộ, đường thủy với Trung Quốc vốn thuận lợi sẵn", ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Quảng Ninh, thông tin.
Đến nay, địa phương này đã thu hút được trên 55.300 tỷ đồng (2,5 tỷ USD) đầu tư cho Vân Đồn, trong đó riêng giai đoạn 2015-2017, trên 36.000 tỷ đồng vốn đầu tư đã được huy động theo hình thức đối tác công - tư.
Đội mưa ở công trường sân bay Vân Đồn một ngày cuối tháng 10, ông Thành say sưa nói về giấc mơ đặc khu mà ông và các lãnh đạo thành phố đã theo đuổi 5 năm qua.
“Vân Đồn sẽ trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, trung tâm kinh tế năng động với ngành nghề mới, trình độ cao..., trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương. Đến năm 2050, chúng tôi muốn Vân Đồn phải trở thành vùng động lực phát triển, nơi đáng sống, đáng đến, và nơi đáng làm ăn của nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông nói.
Theo tính toán của tỉnh, thành lập đặc khu sẽ góp phần thúc đẩy đầu tư và tạo đột phá về tăng trưởng kinh tế. Đến năm 2030, tăng trưởng kinh tế vùng của Vân Đồn sẽ gấp 70 lần, từ 2.000 tỷ đồng năm 2016 lên hơn 140.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người từ 2.273 USD năm 2016 lên 21.300 USD năm 2030, tăng gần 10 lần.
“Vân Đồn sẽ là động lực mới cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng để Quảng Ninh thực sự trở thành đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc, có sức lan tỏa trong vùng và cả nước”, đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn nêu rõ.
Địa phương cũng xác định rằng phát triển con người, cải thiện dân sinh là mục đích, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế là định hướng, nhưng đột phá nằm ở cải cách thể chế, cơ chế chính sách và mô hình quản lý.
Vị lãnh đạo Quảng Ninh thông tin việc nhà đầu tư khi đến với các địa phương này đã “mang một tâm thế khác”. “Trước đây họ tiếp cận với những kế hoạch dành cho một huyện đảo, nhưng khi có chiến lược về phát triển đặc khu, họ cũng trách nhiệm hơn, với kế hoạch bài bản, quy mô hơn”.
Với kỳ vọng ấy, ông Thành càng mong ngóng cuộc thảo luận tại diễn đàn Quốc hội sau tờ trình của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để ông có thể giải đáp có những câu hỏi trị giá tỷ USD được nêu ra 4 năm trước.
Một ngày cuối năm 2013, lãnh đạo Quảng Ninh hồi hộp đón một vị khách đặc biệt, người được kỳ vọng sẽ cùng địa phương thay đổi diện mạo vùng đất quê hương họ. Nhân vật ấy là vị tỷ phú Mỹ, ông Sheldon Adelson, Chủ tịch kiêm CEO của tập đoàn Las Vegas Sands, doanh nghiệp kinh doanh casino lớn nhất nước Mỹ. Ông cũng là người giàu thứ 21 thế giới theo danh sách của Forbes và đứng thứ 72 trong số những người quyền lực nhất toàn cầu.
Sau khi tham quan Hạ Long, Vân Đồn từ trực thăng mượn của ông chủ Hòa Phát, tỷ phú Sheldon Adelson trở về TP. Hạ Long làm thượng khách của Quảng Ninh.
Để có chuyến bay chuyên cơ nửa vòng trái đất cho cuộc gặp ấy, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch Quảng Ninh và các đại diện của tỉnh này đã không dưới 3 lần tìm gặp thuyết phục. Lần đầu, lãnh đạo Quảng Ninh đến Singapore với đề án phát triển Vân Đồn và những tham vọng của địa phương cho câu chuyện phát triển khu kinh tế hành chính đặc biệt này, cũng như chỗ đứng của những đơn vị như Las Vegas Sands trong chiến lược phát triển chung. Sau khi nghe trình bày, đại diện tại Singapore cho biết việc này vượt tầm quyết định, và giới thiệu ông tới gặp lãnh đạo cấp vùng, có văn phòng đóng tại Macau. Ông Thành qua Macau và lại được một lần nữa giới thiệu qua Mỹ, tại trụ sở chính.
Dày công thuyết phục, chuẩn bị xấp dày tài liệu cho cuộc gặp quan trọng nhưng chưa kịp bắt đầu, lãnh đạo Quảng Ninh đã bị đứng trước 4 câu hỏi khó mà vị tỷ phú Mỹ nêu ra.
Phó chủ tịch UBND Quảng Ninh còn nhớ rất rõ vị tỷ phú Mỹ nói rằng nếu trả lời được 4 câu hỏi đó, ông sẵn lòng ký kết với Quảng Ninh để rót vài tỷ USD vào Vân Đồn ngay lúc đó. Còn nếu không, vị tỷ phú Mỹ sẽ đợi, bao giờ có được câu trả lời, tỉnh hãy thông tin cho ông, để hai bên bàn chuyện hiện thực hóa tham vọng mang tên khu kinh tế Vân Đồn.
Bốn câu hỏi đó là: Quy hoạch tầm quốc gia về đặc khu kinh tế Vân Đồn ra sao? Hạ tầng kết nối từ Vân Đồn tới các điểm thế nào, bao giờ xong? Đã có văn bản luật hóa các cam kết chưa? Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước Chính phủ, và là người để doanh nghiệp thường xuyên kết nối?
Đáng tiếc, các lãnh đạo Quảng Ninh không có câu trả lời cho cả 4 câu hỏi ấy. Cuộc họp dự kiến 2 giờ cắt ngắn còn chưa tới 5 phút. Bốn câu hỏi của ông trùm casino Mỹ đến nay, sau 4 năm, Quảng Ninh vẫn còn nợ câu trả lời.
Và ông trùm casino Mỹ, Sheldon Adelson, không phải là người duy nhất chờ lời đáp từ các địa phương của Việt Nam cho câu chuyện làm đặc khu.
Riêng tại Quảng Ninh, một loạt nhà đầu tư khác đã đến tìm hiểu và ngỏ ý đầu tư, bao gồm tập đoàn Rockingham (Mỹ), Genting Malaysia, Phoenix Macau Tailoi (Ma Cau, Trung Quốc), Quỹ đầu tư Westar (Australia), tập đoàn ISC (Australia), Casinos (Austria)… Mỗi nhà đầu tư đều có những kế hoạch riêng, hấp dẫn với tổng mức đầu tư vài tỷ đôla.
Thế nhưng, như chia sẻ của giáo sư Hà Tôn Vinh, khi đó là cố vấn đầu tư của tỉnh Quảng Ninh, trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn năm 2014, ông đã tham gia cuộc làm việc với ít nhất 4 tỷ phú thế giới để thuyết phục đầu tư vào Vân Đồn. Nếu Việt Nam chưa có được khuôn khổ pháp lý cụ thể, thì “họ đơn giản là không quan tâm”. Không một nhà đầu tư nào bỏ hàng tỷ đôla mà không cần cơ sở pháp lý cao nhất, được luật hóa để đảm bảo đồng tiền của họ.
Và họ đều đang đợi câu trả lời Việt Nam, mà rõ ràng nhất là với Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu) được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV này.
Ngày 10/11, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư trình bày trước Quốc hội dự án Luật về khu hành chính - kinh tế đặc biệt dành cho Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Sau rất nhiều chờ đợi và những lần đá qua đá lại trách nhiệm soạn thảo giữa Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Nội vụ, cuối cùng, dự thảo luật cũng thành hình, để hiện thực hóa ý chí của Bộ Chính trị và Trung ương Đảng, về một luật chung cho các đặc khu.
Trao đổi với Zing.vn, Phó thủ tương Vương Đình Huệ nhấn mạnh: tương tự như cơ chế đặc thù với TP.HCM, vấn đề lớn nhất với phát triển đặc khu chính là tạo đột phá về thể chế. "Tiền cũng cần nhưng quan trọng hơn là cơ chế, bởi cơ chế sẽ sinh ra tiền", ông nói.
Là người trực tiếp tham gia soạn thảo luật về đặc khu, ông Nguyễn Huy Đông, Vụ trưởng Vụ các khu Kinh tế, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết cách tiếp cận của cơ quan soạn thảo luật "đặt trần duy nhất là Hiến pháp, từ đó mong muốn tạo đột phá về chính sách".
Ông Đông cho biết các ưu đãi về thuế, đất đai... quy định tại dự thảo luật không lớn hơn nhiều luật khác. Hơn nữa, đơn vị soạn thảo cũng hiểu rõ: ưu đãi thuế phí chỉ nằm trong ưu tiên thứ 4, 5 của nhà đầu tư trong quyết định rót vốn. "Với họ, cái quan trọng nhất là môi trường kinh doanh, thể chế. Đó là điều chúng tôi muốn tạo sự đột phá, quy định tại luật", ông Đông chia sẻ.
Cách tiếp cận này được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài. Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới Trần Đình Thiên nhấn mạnh luật cho đặc khu kinh tế phải thoát khỏi những trói buộc của thông lệ tổ chức chính quyền hành chính hiện hành, vượt lên tư duy thông thường.
"Xây dựng đặc khu không phải là cơi nới quy định và hạ tầng để lấy đất đặt nhà máy, giải quyết lao động phổ thông. Việt Nam muốn có đặc khu thì phải suy nghĩ là mình đang cạnh tranh với các đặc khu khác trong khu vực và trên thế giới. Nghĩa là phải tư duy câu cá lớn, hình thành thể chế sao cho hấp dẫn các nhà đầu tư hạng nhất trên thế giới vào", ông nói.
TS. Vũ Minh Khương từ Đại học Quốc gia Singapore nói với Zing.vn, "thế giới đã có tới 4.500 đặc khu, không dễ gì thu hút được nhà đầu tư bằng một vài ưu đãi tài chính. Trong thiết kế đặc khu, điều kiện kiến tạo cần đặt cao hơn điều kiện ưu đãi".
Ông chỉ rõ cơ sở hạ tầng vượt trội là điều mình đang nỗ lực, nhưng các điều kiện cần thiết khác về đội ngũ nhân lực có tay nghề, tiếng Anh thông thạo; môi trường đáng sống và bộ máy, hệ thống pháp luật tiên tiến, áp dụng chuẩn mực quốc tế..., và tính minh bạch, dễ tiên lượng là điều thiết yếu.
"Các đặc khu phải phất ngọn cờ nắm xu thế thời đại: phát triển bền vững, môi trường đáng sống, thành phố thông minh, và chỉ nhận nhà đầu tư đáp ứng đủ các tiêu chí ấy, không kiểu vơ bèo vạt tép, mở cửa hết cỡ, ai cũng vào được", TS Khương nói.
Về bộ máy, các chuyên gia đều nhấn mạnh về cá nhân hóa trách nhiệm người đứng đầu và trao thực quyền cho họ. "Nếu lại cứ cơ chế lãnh đạo tập thể như ở các địa phương khác thì khó làm việc", TS Trần Đình Thiên nói.
Trước những lấn cấn của dư luận về các đột phá như trao tới 77/116 quyền của Thủ tướng cho trưởng đặc khu theo đề xuất trong dự thảo, ông Nguyễn Duy Đông thẳng thắn: “vấn đề là chúng ta muốn mở đến đâu, thời điểm đến đâu và cơ hội đến đâu để trao đặc thù thế nào thôi... Mình phải vượt lên chính mình, vượt qua nỗi sợ hãi để thay đổi tư duy. Không vượt lên được chính mình thì không thể làm gì".
Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND Quảng Ninh cho rằng, “vấn đề phải tạo được sự đột phá, cách mạng, và có những điểm mang tính thử nghiệm. Đương nhiên, việc thử nghiệm sẽ được tiến hành thận trọng, đánh giá kỹ lưỡng, để từng bước rút kinh nghiệm và điều chỉnh phù hợp”.
Thể chế đột phá mới là điều mà các lãnh đạo Quảng Ninh và Kiên Giang đều nhấn mạnh mỗi khi nói về phát triển đặc khu. Trong thể chế ấy, lãnh đạo công nhưng quản trị tư, phân quyền mạnh mẽ, gắn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ sự lạc quan của ông về triển vọng thành công của 3 đặc khu này. "Việt Nam bây giờ mới làm nhưng thế giới họ làm nhiều và thành công nhiều rồi. Các địa phương, đặc biệt là Quảng Ninh đã nghiên cứu kinh nghiệm khu vực và quốc tế cũng hơn 5 năm rồi, nghiên cứu và cập nhật liên tục... Vì thế, không có gì quá đáng lo ngại", ông nói với Zing.vn.
Trong khi chờ đợi Luật được thông qua, đề án thành lập đặc khu được phê chuẩn, ông Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết địa phương đã chủ động khoanh vùng, giữ đất cho những dự án tương lai, khi luật được khai thông, đề án được duyệt.
“Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức rõ đến lúc tăng tốc. Thời gian chờ đợi lâu quá, niềm tin, xúc cảm và quyết tâm của nhà đầu tư lớn sẽ bị ảnh hưởng. Khi đó, không chỉ Vân Đồn, Quảng Ninh mà cả nền kinh tế của chúng ta sẽ lỡ nhịp”, ông Nguyễn Văn Thành nói.