Sau 4 năm kể từ khi thiết lập khu tự do thương mại (FTZ) Thượng Hải, Trung Quốc giờ đây đang nóng lòng xây nên "cảng tự do thương mại" ngay trong lòng khu này. Kế hoạch được giới quan sát xem là nỗ lực lần hai của Trung Quốc trong việc biến Thượng Hải thành một nơi có thể cạnh tranh với Hong Kong và Singapore.
Theo một bài viết trên South China Morning Post (SCMP), chính phủ Trung Quốc sẽ công bố chi tiết kế hoạch này trong tương lai gần bất chấp những ý kiến cho rằng tầm nhìn của giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải là phi thực tế. Để có thể sánh vai với Hong Kong hay Singapore, Thượng Hải sẽ phải cần mở rộng khu FTZ, tự do hóa cán cân vốn tiền nhân dân tệ và miễn visa cho người nước ngoài.
"Một cảng tự do thương mại không thể nào được xây xong chỉ sau một đêm", ông Chen Bo, giáo sư Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung đồng thời là cố vấn chính sách của chính quyền Thượng Hải, nhận định. Một trong những rào cản lớn nhất chính là việc cho phép chuyển đổi hoàn toàn đồng nhân dân tệ, điều mà FTZ Thượng Hải vẫn chưa đáp ứng được như kỳ vọng khi ra đời vào năm 2013.
Một góc Thượng Hải với sông Hoàng Phố chia đôi thành phố. Ảnh: Bloomberg. |
Nỗi thất vọng mang tên FTZ
Khi Thượng Hải công bố thành lập khu FTZ cách đây 4 năm, các quan chức địa phương nói rằng doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới có thể tự do tiến hành giao dịch hàng hóa và đầu tư tại đây mà không vướng phải trở ngại về thuế quan hay vấn đề kiểm soát trao đổi tiền tệ.
Tuy nhiên, FTZ Thượng Hải, mô hình FTZ đầu tiên tại Trung Quốc, đã không đáp ứng được kỳ vọng với những tiến triển chậm chạp trong việc tự do hóa đồng nhân dân tệ cũng như với sự hạn chế về không gian để các doanh nghiệp quy mô lớn của nước ngoài có thể xây dựng cơ sở sản xuất.
Một bài viết trên SCMP hồi cuối năm 2016 nói rằng FTZ Thượng Hải đã "đập tan hy vọng" của nhiều doanh nhân khi chính quyền địa phương thay vì nỗ lực tự do hóa thương mại lại quay sang kiểm soát dòng vốn.
Trên thực tế, Bắc Kinh từ lâu đã áp đặt lệnh cấm chuyển tiền ra nước ngoài với các khoản đầu tư trị giá hơn 5 triệu USD như một biện pháp để đối phó với sự suy yếu của đồng nhân dân tệ. Giới hạn chuyển tiền đối với cá nhân là 50.000 USD/năm, trong khi các công ty muốn đầu tư ngoài nước cần phải được chính phủ cho phép, Bloomberg cho hay. FTZ Thượng Hải ra đời với mục đích thử nghiệm gỡ bỏ những quy định này.
"Khu tự do thương mại hóa ra lại là một nơi bị quản lý nghiêm ngặt hơn", bài viết của SCMP dẫn lời ông Wang Xiangjie, doanh nhân 40 tuổi có kế hoạch mua lại dây chuyền sản xuất máy xay thịt từ Đức. Ông Wang cho biết ông không thể dùng tài khoản ngân hàng mở tại FTZ Thượng Hải để vay vốn ở nước ngoài vì sự thay đổi bất ngờ trong chính sách.
Trước đó, những người có tài khoản ngân hàng mở tại FTZ Thượng Hải được tạo điều kiện để vay tiền từ chi nhánh nước ngoài của một ngân hàng Trung Quốc với mức lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc đã dừng hoạt động này vào tháng 11/2016 nhằm làm chậm tốc độ giao dịch của các công ty nội địa với nước ngoài.
Một cổng chào trên đường dẫn vào FTZ Thượng Hải. Ảnh: Xinhua. |
Sự thay đổi chính sách nói trên đã vấp phải nhiều chỉ trích.
Một khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ hồi năm 2015 từng cho thấy gần 75% số người được hỏi nói họ không thấy lợi ích hữu hình khi đầu tư vào FTZ Thượng Hải. Tháng 4 năm nay, giám đốc đầu tiên của FTZ này đã bị kết án 17 năm tù vì nhận hối lộ 6,5 triệu USD trong thời gian giữ chức.
Trả lời SCMP, hai quan chức của cơ quan quản lý cảng địa phương nói Thượng Hải "vẫn còn cần nhiều thời gian" mới có thể trở thành một thị trường tự do kiểu Hong Kong, bất chấp những nỗ lực trong việc mở rộng diện tích. Khu FTZ hiện tại bao phủ diện tích 120 km2, hơn gấp bốn lần diện tích ban đầu (28,78 km2).
"Tốc độ thực hiện các biện pháp cải cách thí điểm về dòng vốn và tài chính cần phải nhanh hơn để làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của cảng tự do thương mại", ông Liu Xuezhi, nhà phân tích tại Ngân hàng Giao thông (BoCom), nêu ý kiến.
Giấc mơ ngoài tầm với?
Kế hoạch xây dựng cảng tự do thương mại Thượng Hải nhận được sự ủng hộ của đích thân Phó thủ tướng Uông Dương, người vừa được bầu vào Thường vụ Bộ Chính trị, nhóm 7 lãnh đạo cấp cao chịu trách nhiệm cho các quyết sách quan trọng nhất Trung Quốc.
Trong một bài viết trên Nhân dân Nhật báo hồi giữa tháng 11, ông Uông nói các cảng tự do thương mại sẽ được định vị là các "cao nguyên với những hiệu ứng bức xạ mạnh mẽ hơn". Ông so sánh những nơi này với Hong Kong, Singapore, Rotterdam và Dubai nhưng không mô tả chi tiết về chiến lược hay chính sách cần thiết để mang đến sự chuyển đổi.
Phát biểu của ông Uông xuất hiện sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình nói trong báo cáo chính trị tại Đại hội 19 rằng 11 khu FTZ ở Trung Quốc hiện tại sẽ "tìm cách để xây dựng cảng tự do thương mại". Kế hoạch với Thượng Hải càng được củng cố khi Lý Cường, một người thân cận với ông Tập thời ông làm lãnh đạo tỉnh Chiết Giang, được chỉ định làm tân bí thư thành phố.
Kế hoạch xây dựng cảng tự do thương mại Thượng Hải nhận được sự ủng hộ của Phó thủ tướng Uông Dương, một trong 7 ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Theo SCMP, một cảng tự do thương mại sẽ cho phép hàng hóa và vốn lưu thông ra vào một cách tự do mà không bị tính thuế nhập khẩu. Ngoại trừ những ngành nằm trong "danh sách tiêu cực", mọi dự án đầu tư đều có thể được thực hiện mà không cần trải qua thủ tục xin cấp phép từ chính quyền.
Tuy vậy, một số quan chức trong lĩnh vực cho rằng kế hoạch xây cảng tự do thương mại Thượng Hải sẽ chỉ là một giấc mơ không thể vươn tới trừ khi được hỗ trợ bởi những chính sách vững chắc mang tính đột phá cũng như sự thay đổi trong tư duy.
"Chính quyền địa phương không lạc quan về viễn cảnh đó", một quan chức của cơ quan quản lý cảng thành phố phát biểu, đề nghị giấu tên. "Cơ sở hạ tầng đã sẵn sàng nhưng toàn bộ hệ thống, mọi thứ từ thuế quan, tài chính và quản lý cho đến tư duy của con người, đều hoàn toàn chưa sẵn sàng".
Ông Xiao Yingjie, hiệu trưởng Học viện Thương mại Hàng hải thuộc Đại học Hàng hải Thượng Hải, cho rằng thành phố đã có cơ sở hạ tầng tân tiến nhất thế giới để xử lý hàng hóa và đang trong quá trình gỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng như cải cách tài chính.
Hồi tháng 12, Tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải đã đưa vào vận hành 7 khu neo đậu mới tại cảng nước sâu Dương Sơn. Những khu neo đậu mới, với kinh phí xây dựng lên đến gần 2 tỷ USD, có 130 phương tiện hướng dẫn tự động hóa, nhiều nhất trên thế giới.
Cảng nước sâu Dương Sơn ở Thượng Hải được xem là cảng container tự động lớn nhất thế giới. Ảnh: SCMP. |
Chuyên gia Cao Heping, cố vấn của chính quyền Thượng Hải về FTZ, nói cảng tự do thương mại sẽ đáp ứng kỳ vọng một cách tốt hơn. Dự kiến cảng có diện tích 18 km2, tức chỉ chiếm khoảng 15% diện tích FTZ, bao gồm khu cảng biển Dương Sơn và khu sân bay Phố Đông.
"Cảng tự do sẽ là một phiên bản nhỏ hơn, linh hoạt hơn và tốt hơn FTZ", ông Cao, chủ nhiệm khoa Kinh tế phát triển của Đại học Bắc Kinh, nói với Bloomberg. "Đây sẽ giống như một nỗ lực thứ hai để thúc đẩy các cải cách tài chính vì chúng ta đã không làm tốt trong lần đầu tiên".