Thời gian ở làng Kiều Tây dường như vẫn đứng yên suốt 500 năm qua. Kể từ thời nhà Minh, những người dân ở đây đã quen với cảnh sống yên bình, vắng lặng. Xung quanh ngôi làng, nằm cách Bắc Kinh khoảng 150 cây số về phía tây nam, là những bãi sậy cao lút đầu người của Bạch Dương Điện, hồ nước ngọt lớn nhất miền Bắc của Trung Quốc.
Để vào làng, cách duy nhất là men theo con đường hẹp nằm len lỏi giữa vùng đất ngập nước và những ruộng ngô, lúa mì. Vùng này khá nổi tiếng với những cư dân ở thủ đô Trung Quốc vì họ thường xuyên đến đây vào dịp cuối tuần để ngắm hoa sen và ăn cá nước ngọt.
Thế nhưng ngày 1/4 vừa qua, ngôi làng nhỏ ở huyện An Tân, tỉnh Hà Bắc, bỗng trở nên náo loạn khi gần như tất cả báo đài ở Trung Quốc đều nói về vùng đất này. Đây là nơi mà Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định xây nên một thành phố mới với tên gọi Hùng An. "Hùng An tân khu" dự kiến bao phủ diện tích lên đến 2.000 km2 - tương đương Thâm Quyến và gấp 20 lần diện tích Paris, 3 lần diện tích New York.
Hùng An là nơi có hồ nước ngọt lớn nhất miền Bắc của Trung Quốc. Ảnh: VCG. |
Tưởng trò đùa ngày Cá tháng Tư
"Đầu tiên là chúng tôi nghe tin này từ tivi", một người dân kể với phóng viên của tờ Les Echos (Pháp). "Ai nấy đều phấn khích. Một vài người thậm chí ra đường đốt pháo hoa ăn mừng".
Một người hàng xóm đang chơi bài nói với qua: "Họ công bố vào ngày 1/4, chúng tôi còn nghĩ đó là trò đùa ngày nói dối nữa cơ".
Trên thực tế, theo South China Morning Post, "Hùng An tân khu" đánh dấu lần đầu tiên ý tưởng thành lập đặc khu kinh tế mới xuất phát trực tiếp từ Chủ tịch Tập Cận Bình và đã được đề cập từ năm 2014. Không khó để nhận ra nhà lãnh đạo Trung Quốc tham vọng có được thành tựu tương tự (hoặc hơn) những gì ông Đặng Tiểu Bình đã làm với Thâm Quyến hay ông Giang Trạch Dân đã làm với Thượng Hải. Ông Tập đã đích thân đến thăm huyện An Tân (một trong 3 huyện thuộc dự án Hùng An) hồi tháng 2 và bàn chuyện thành lập đặc khu kinh tế mới.
Không khó để nhận ra nhà lãnh đạo Tập Cận Bình tham vọng có được thành tựu tương tự (hoặc hơn) những gì ông Đặng Tiểu Bình đã làm với Thâm Quyến hay ông Giang Trạch Dân đã làm với Thượng Hải.
Siêu dự án Hùng An, được giới chức Trung Quốc tụng xưng là "kế hoạch thiên niên kỷ", hướng đến một số mục tiêu. Đầu tiên là "cởi trói" cho Bắc Kinh, một đô thị 23 triệu dân đang đau đầu vì tình trạng ô nhiễm không khí, ách tắc giao thông. Vì vậy, chính phủ muốn chuyển tất cả những chức năng "phi tài chính" từ Bắc Kinh đến Hùng An: các công ty quốc doanh, các viện văn hóa, các trường đại học cũng như các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực khác.
Nằm ở trung tâm của tam giác Kinh - Tân - Ký ("Kinh" chỉ Bắc Kinh, "Tân" tức Thiên Tân - 2 thành phố lớn nhất miền Bắc của Trung Quốc, và "Ký" là tên thường gọi của tỉnh Hà Bắc), Hùng An cũng được kỳ vọng tạo ra đột phá trong chiến lược hợp nhất phát triển 3 tỉnh, thành này. Việc thành lập đặc khu kinh tế mới không chỉ nhằm giảm áp lực cho thủ đô Bắc Kinh mà còn để thúc đẩy nền kinh tế chuyển từ định hướng sản xuất sang định hướng dịch vụ, bên cạnh ưu tiên phát triển các ngành công nghệ cao.
Hùng An nằm ở vị trí trung tâm của tam giác kinh tế Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc. Đồ họa: Nhân Lê. |
Tuy nhiên, mục tiêu mà ông Tập theo đuổi còn là xây dựng một thành phố kiểu mẫu "mở cửa và tiên phong", tiếp nối thành công tại Thâm Quyến - nơi vốn là làng chài nghèo cách đây 40 năm, và Phố Đông - nơi những tòa nhà chọc trời bắt đầu thay thế vùng đầm lầy và những chòi canh của nông dân 25 năm trước.
Tân Hoa xã dẫn lời các quan chức cho hay Hùng An sẽ nhấn mạnh việc "bảo vệ sinh thái" và "cải thiện chất lượng cuộc sống người dân", cũng như đóng vai trò là một thành phố thử nghiệm cho "công cuộc đô thị hóa mới tại Trung Quốc". Chủ tịch Trung Quốc, người mô tả dự án là "vấn đề quyết định trong thiên niên kỷ tới", hứa hẹn Hùng An sẽ là nơi "trời xanh, không khí trong lành và nước sạch".
Với những lời hứa hẹn đó cùng việc đưa tin như phát cuồng của truyền thông, từng đoàn người từ Bắc Kinh và Thiên Tân đã kéo đến 3 huyện nằm trong phạm vi dự án Hùng An (bao gồm huyện Hùng, An Tân và Dung Thành) để tìm kiếm cơ hội làm ăn chỉ vài giờ sau khi thông tin được công bố. Giá các mảnh đất nhỏ lập tức tăng vọt khiến chính quyền địa phương phải ra lệnh cấm mọi giao dịch và đóng cửa tất cả công ty môi giới nhà đất.
Sau hôm cuối tuần đầu tiên đó của tháng 4, cổ phiếu của những công ty đăng ký tại khu vực cũng tăng vọt. "Người ta mang hàng vali tiền đến để mua căn hộ", chủ một công ty đóng gói nhỏ tại huyện Hùng kể lại. "Nhiều người còn đề nghị mua cả công ty của tôi vì giờ không thể mở công ty mới để làm ăn ở đây nữa".
Thành phố thông minh
Trong những tháng qua, chính phủ Trung Quốc đã thuê hơn 300 chuyên gia trong ngoài nước làm việc với 12 nhóm thiết kế (được chọn ra từ 183 nhóm) cạnh tranh giành quyền quy hoạch đô thị mới Hùng An. Theo ông Hà Lập Phong, chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC), quy hoạch Hùng An dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, đặc trưng Trung Quốc cũng như như yêu cầu cao đối với đặc khu kinh tế mới.
"Theo tôi biết thì việc quy hoạch đã bước vào giai đoạn quan trọng cuối cùng... Quy hoạch này đã được xem xét, chỉnh sửa nhiều lần", China News dẫn lời ông Hà nói trong cuộc họp báo bên lề đại hội 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10. Ông cũng cho biết thêm rằng việc trồng rừng đã được triển khai tại "tân khu" và những công việc đầu tiên của dự án xây dựng đường sắt cao tốc từ Bắc Kinh đến Hùng An đã bắt đầu. Nếu tuyến đường sắt hoàn thành, thời gian di chuyển giữa Bắc Kinh và Hùng An sẽ rút ngắn từ khoảng 1,5 tiếng còn 40 phút.
NDRC cũng đang làm việc với chính quyền địa phương để soạn thảo khung chính sách cho Hùng An. Khung chính sách này sẽ được đệ trình cùng lúc với đề án quy hoạch sau khi đề án này được thông qua.
Các chuyên gia kinh tế đang xem xét những kịch bản khác nhau nhằm đánh giá những lợi ích tài chính của dự án. Citi dự đoán đầu tư toàn cầu vào Hùng An đạt khoảng 75 tỷ USD trong 5 năm đầu tiên, trong khi Morgan Stanley's ước tính dự án tối đa có thể thu hút khoảng 350 tỷ USD trong vòng 10 năm và siêu đô thị có thể có 6,7 triệu người sinh sống.
Trung Quốc cũng tham vọng biến Hùng An thành đô thị thông minh. Tân Hoa xã đưa tin ủy ban quản lý Hùng An và tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược hôm 8/11 nhằm cùng nhau xây dựng "bộ não thành phố" được điều khiển bằng trí thông minh nhân tạo (AI). Thành phố thông minh này sẽ vận hành trên nền tảng "điện toán đám mây" và công nghệ "Internet Vạn vật" sẽ phục vụ "bộ não" nói trên. Alibaba cũng công bố việc đăng ký 3 công ty chi nhánh tại Hùng An để cung cấp các dịch vụ về công nghệ, tài chính và hậu cần.
China News hồi tháng 10 dẫn lời các chuyên gia cố vấn quy hoạch dự án Hùng An cho biết siêu đô thị tương lai có thể đi theo mô hình của Singapore về quản lý đất đai. Một trong những đặc điểm nổi bật đã được đưa vào các bản thảo quy hoạch là việc "ngầm hóa" từ hệ thống giao thông công cộng, đường ống nước, khí đốt, đường dây điện cũng như hệ thống phòng ngừa thảm họa.
Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng Hùng An trở thành đô thị được điều khiển bằng trí thông minh nhân tạo. Ảnh: VCG. |
Những nan đề hiển hiện
Dù vậy, trạng thái phấn kích ban đầu đã nhanh chóng được thay thế bằng cảm giác lo lắng. Theo Les Echos, Một số người dân ở Kiều Tây tự hỏi liệu họ có thể không bị tịch thu đất hay không, lo lắng về số tiền đền bù ít ỏi mà họ nhận được. Một số người khác lo lắng về công việc khi mọi công trường đều đã ngừng hoạt động. Nhiều người làm trong các nhà máy địa phương đoán rằng những nơi này sẽ sớm đóng cửa.
Dệt may, giày da, nhựa, bao bì,..., tất cả những ngành sản xuất gây ô nhiễm này đều hiện diện và tạo nên nguồn thu chính cho địa phương. "Thành phố mới sẽ là cơ hội tốt cho các thế hệ tương lai, không nghi ngờ gì, nhưng còn chúng tôi thì sao? Những người không được đi học, chúng tôi sẽ làm gì đây?", một người đàn ông bán dưa hấu ở Kiều Tây chia sẻ.
Những người không được đi học, chúng tôi sẽ làm gì đây?
Người bán dưa hấu ở Kiều Tây
Song trước khi bất cứ điều gì có thể xảy ra, điều đầu tiên là Hùng An cần phải thực sự tồn tại. Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc muốn xây dựng một thành phố mới từ con số 0. Nước này đã có 19 "tân khu", 13 trong số đó ra đời từ năm 2014. Tuy nhiên, chỉ một vài "tân khu" thực sự tạo ra khác biệt và thậm chí một số dự án cuối cùng lại biến thành "thị trấn ma".
"Cho đến nay, những sáng kiến của chính quyền trung ương trong việc tạo ra các thành phố mới vẫn chưa thành công", giáo sư kinh tế học Hứa Thành Cương, Trường Cao học Kinh doanh Trường Giang ở Hong Kong, nhận định. "Chính phủ muốn Hùng An có thể xếp ngang hàng với Thâm Quyến và Phố Đông vì đây là những dự án vô cùng thành công, song vẫn còn đó nhiều khác biệt hơn là điểm chung".
Nhiều nhà kinh tế cùng chia sẻ quan điểm rằng không thể so sánh Thâm Quyến với Hùng An vì thời gian và mục tiêu khác nhau. Khi Thâm Quyến ra đời, nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu bùng nổ và mục tiêu là sử dụng lực lượng thị trường để thu hút dòng vốn nước ngoài. Trong khi đó, dự án Hùng An hình thành trước tiên là để phục vụ việc di dời các doanh nghiệp nhà nước khỏi Bắc Kinh, qua đó thúc đẩy miền Bắc của Trung Quốc phát triển thông qua các dự án hạ tầng lớn. Đây có thể là điểm không mấy hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Phố Đông (ảnh trên bên trái), Thâm Quyến (ảnh trên bên phải) và Hùng An (ảnh dưới). Ảnh: Xinhua / Wikimedia Commons. |
Một điểm khác nhau nữa là về vị trí. Thâm Quyến nằm ven bờ biển và gần Hong Kong, Phố Đông đối diện trung tâm cũ của Thượng Hải qua sông Hoàng Phố. Trong khi đó, Hùng An lại có vị trí biệt lập hơn hẳn và lại nằm giữa lòng Hà Bắc, một trong những tỉnh ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất Trung Quốc.
Theo Diplomat, ngay sau khi thông tin về siêu dự án được công bố, một tổ chức phi chính phủ đã công khai một số hình ảnh chụp từ trên không cho thấy những vùng đầm lầy tăm tối có tích bằng 42 sân bóng đá, bị ô nhiễm vì nước thải, nằm ngay bên ngoài khu vực Hùng An. Những tác động môi trường đã được đề cập khi dự án bao trùm toàn bộ khu vực hồ Bạch Dương Điện, nơi được xem là "lá thận của miền Bắc Trung Quốc" với hệ sinh thái đặc biệt.
Từ trang giấy trắng
Các chuyên gia cho rằng Hùng An là một dự án đầy thách thức. Tuy nhiên trong quá khứ, Trung Quốc từng chứng tỏ họ biết cách dẫn dắt những dự án hạ tầng lớn đi đến thành công. Hơn nữa, dự án này được đích thân ông Tập Cận Bình lựa chọn và chỉ đạo. 40 năm sau Đặng Tiểu Bình và Thâm Quyến, 25 năm sau Giang Trạch Dân và Thượng Hải, thì ông Tập, người vừa nắm quyền nhiệm kỳ hai tại Trung Quốc với học thuyết được ghi tên trong điều lệ đảng, đang mong muốn có được thành phố của mình.
"Giống như một trang giấy trắng, khu vực này (Hùng An), với mật độ dân số thấp, trình độ phát triển kém và còn nhiều không gian để phát triển, sở hữu những điều kiện cơ bản để bắt đầu một dự án đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn cao như vậy", Diplomat trích lời ông Từ Khuông Địch, nguyên thị trưởng Thượng Hải, hiện là lãnh đạo nhóm chuyên gia cố vấn cho dự án phát triển Kinh - Tân - Ký.
Người dân ở An Tân tham gia khóa học tập huấn về lối sống thành thị hồi tháng 8/2017. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Trong khi đó, những người nông dân ở thị trấn Đại Vương, huyện An Tân, đã được tập huấn về "lối sống thành thị" với các khóa học do chính quyền tổ chức. Theo Tân Hoa xã, họ được dạy nhiều thứ, bao gồm việc mở cơ sở kinh doanh, thuê mướn lao động và thậm chí cả thực đơn dinh dưỡng cho bà bầu. Tính đến ngày 1/8, hơn 2.000 nông dân được tham gia tập huấn và ước tính đến cuối năm 2017, con số này sẽ là 10.000 người.
Hiện tại, tổng GDP của toàn bộ 3 huyện thuộc dự án chỉ vào khoảng 3,5 tỷ USD, bằng 1% GDP của Bắc Kinh. Đó sẽ là một con đường dài phải đi trước khi giấc mơ Hùng An của ông Tập có thể trở thành sự thật.