Kể từ thành công của Thâm Quyến đến nay, "cơn sốt" đặc khu kinh tế chưa bao giờ hạ nhiệt ở các nước đang phát triển.
Rwanda lên kế hoạch chiến lược cho mô hình này. Myanmar chăm sóc các đặc khu mới mở, Trung Quốc và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), những nơi vốn đã ưa chuộng mô hình này, đang mở thêm nhiều đặc khu mới. Đến quần đảo Cayman, lãnh thổ hải ngoại của Anh và nổi tiếng là một "thiên đường thuế suất", cũng mở một đặc khu kinh tế.
"Bất cứ đất nước nào không có đặc khu kinh tế cách đây 10 năm đều đã mở một vài khu hoặc đang lên kế hoạch cho nó", Economist dẫn lời của nhà kinh tế Thomas Farole thuộc Ngân hàng Thế giới nhận xét vào năm 2015. Trên thế giới hiện có hơn 4.000 đặc khu kinh tế.
Một nhà sư xem sơ đồ quy hoạch đặc khu kinh tế Dawei ở Myanmar. Ảnh: AFP. |
Thành công và thất bại song hành
Định nghĩa về đặc khu kinh tế khác nhau qua từng quốc gia và ngay giữa các đặc khu của một quốc gia. Đặc khu có thể là mô hình khu xúc tiến xuất khẩu hay các "thành phố đặc quyền", nơi có luật lệ riêng so với toàn quốc ở tất cả các lĩnh vực liên quan kinh doanh.
Dù vậy, điểm chung thường thấy là các nhà đầu tư và người xuất khẩu nhận được ưu đãi về thuế suất, ít rào cản và quy định đơn giản hơn so với những khu vực khác của một nước. Các chính phủ chấp nhận đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong khi mất đi một nguồn thu thuế đáng kể để đổi lấy những khoản đầu tư lớn, tạo ra công ăn việc làm và kích thích thương mại.
Không phải mọi đặc khu kinh tế đều thành công. Trong bối cảnh các nghiên cứu về đặc khu kinh tế còn nghèo nàn, số phận các đặc khu có thể xếp thành 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất là vài trường hợp thành công rực rỡ, với ví dụ đáng ngưỡng mộ nhất là Thâm Quyến. Nhóm hai là một lượng lớn đặc khu thu được kết quả tích cực nhưng không nhiều so với chi phí bỏ ra. Nhóm cuối cùng là các trường hợp không thành công.
Ấn Độ, đất nước có ít nhất 200 đặc khu kinh tế, cũng là nơi chứng kiến hàng loạt thất bại. Theo Economist, các nhà đầu tư đã rút khỏi 61 trong số 139 đặc khu kinh tế được phê duyệt tại bang Maharashtra vì quá trình ra chính sách bất định, quy trình kiểm tra mập mờ và quan ngại về triển vọng kinh tế.
Một khảo sát chỉ ra rằng các doanh nghiệp đôi khi phải đối mặt với 15 cơ quan khi muốn làm ăn tại một đặc khu kinh tế của Ấn Độ.
Thâm Quyến, đặc khu kinh tế đầu tiên và thành công nhất của Trung Quốc. Ảnh: Istitutomarangoni. |
Không chỉ là giảm thuế
Economist nhận định các sáng kiến về tài khóa có thể làm điểm xuất phát cho một đặc khu nhưng hiệu quả sẽ không kéo dài. Những đặc khu kinh tế thành công phải gắn liền với nền kinh tế nội địa. Hàn Quốc là một ví dụ trong việc kết nối đặc khu kinh tế với các nhà cung cấp địa phương.
Ngoài ra, nó cũng cần liên kết với thế giới. Trong dài hạn, đầu tư cơ sở hạ tầng giúp ích cho đặc khu kinh tế nhiều hơn là việc giảm thuế. Các đặc khu kinh tế của châu Phi thất bại vì không có đầu tư hạ tầng, một số đặc khu nằm quá xa cảng biển hoặc không có nguồn cung điện ổn định.
Thứ hai, một đặc khu thành công cần sự cân bằng giữa giám sát chính trị với quyền tự do khỏi bộ máy hành chính quan liêu. Quá nhiều sự can thiệp từ trung ương sẽ ngăn chặn cơ hội cho các thử nghiệm được tiến hành. Một giải pháp hiệu quả là giao đặc khu kinh tế vào tay các nhà phát triển tư nhân như cách Philippines đang làm và được đánh giá tích cực.
Ngoài ra, các đặc khu hành chính cũng có những hạn chế tự nhiên. Một số mô hình, đặc biệt là các đặc khu chú trọng xuất khẩu, chỉ thành công trong bối cảnh nền kinh tế sản xuất công nghệ thấp. Khu Mậu dịch Tự do Thượng Hải, mở cửa năm 2013 với tham vọng tập trung vào ngành tài chính, không đạt được thành công như mong đợi.
Tất nhiên, nhiều nước vẫn xem thành tựu "bom tấn" của Thâm Quyến là một kết quả xứng đáng để chấp nhận nhiều lần thử nghiệm và thất bại, vì vậy những công thức cải tiến cho đặc khu kinh tế vẫn xuất hiện mỗi ngày. Hàn Quốc và Thái Lan đang thử nghiệm các khu công nghiệp - sinh thái, một số nước dùng đặc khu kinh tế để thu hút cộng đồng người di cư...