“Đây là một sự hỗ trợ lớn, nhưng chúng ta cần nhiều hơn và nhanh hơn thế. Ngay lúc này, virus đang lây lan nhanh hơn tốc độ phân phối vaccine toàn cầu”, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết với báo chí. “Hơn 10.000 người chết mỗi ngày. Cộng đồng cần vaccine ngay lúc này chứ không phải trong năm tới”.
Trước sự phẫn nộ về bất bình đẳng vaccine, lãnh đạo nhóm các nước phát triển G7 đã cam kết nâng số liều vaccine ủng hộ lên 1 tỷ liều, cao hơn so với 130 triệu liều dự tính vào tháng 2/2021. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế hàng đầu cảnh báo những nỗ lực này vẫn quá ít và quá chậm trễ.
WHO mong muốn ít nhất 70% dân số thế giới được tiêm phòng Covid-19 trước hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức vào năm 2022.
“Để làm được điều đó, chúng ta cần 11 tỷ liều vaccine. G7 và G20 có thể biến điều này thành sự thật”, ông Tedros cho biết.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng những nỗ lực của G7 hiện không thể bắt kịp với sự bùng nổ của Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới đã hoài nghi về những nỗ lực của G7 để giải quyết vấn đề bất bình đẳng vaccine.
“Chúng tôi cần sự minh bạch về số lượng chính xác các liều vaccine được gửi đi và thời gian để những liều này được đưa vào sử dụng”, Hu Yuanqiong, thành viên tổ chức, cho biết.
Một số người nhấn mạnh phải nhanh chóng giải quyết vấn đề bảo hộ bằng sáng chế vaccine Covid-19. Họ cho rằng việc G7 không dứt khoát ủng hộ việc tạm thời từ bỏ các quy tắc sở hữu trí tuệ toàn cầu về vaccine sẽ gây ra hậu quả chết người.
“Các nhà lãnh đạo G7 nói rằng họ muốn tiêm chủng cho toàn thế giới vào năm tới, nhưng hành động của họ cho thấy họ quan tâm hơn đến việc bảo vệ sự độc quyền và bằng sáng chế của những gã khổng lồ dược phẩm”, Max Lawson, người đứng đầu Oxfam, Liên minh Quốc tế chống Bất bình đẳng, nhận định.
WHO và các đối tác cũng nhấn mạnh sự cấp thiết về kinh phí lớn để vượt qua đại dịch. Vẫn cần hơn 16 tỷ USD trong năm nay để tài trợ cho các nỗ lực tăng tốc sản xuất, chẩn đoán, nghiên cứu phương pháp điều trị và vaccine Covid-19.