Cụ thể, lãnh đạo các nước thành viên G7 đã đạt được sự đồng thuận về kế hoạch cung cấp hơn 1 tỷ liều vaccine Covid-19 cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Nhóm này cũng cam kết giúp thúc đẩy nền kinh tế của các nước đang phát triển song vẫn nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Các nhà lãnh đạo G7 đồng thời nhất trí về việc thách thức "các hoạt động kinh tế phi thị trường" từ phía Trung Quốc.
Trong thông cáo của khối được công bố hôm 13/6, G7 cho biết: "Đối với Trung Quốc và sự cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, chúng tôi sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến về các phương pháp tiếp cận tập thể đối với những chính sách phi thị trường đầy thách thức, vốn làm suy yếu hoạt động công bằng và minh bạch của nền kinh tế toàn cầu".
G7 cũng ủng hộ mức thuế tối thiểu ít nhất là 15% đối với các công ty đa quốc gia lớn để ngăn chặn tình trạng sử dụng "ốc đảo thuế" để trốn thuế. Ốc đảo thuế là các quốc gia và vùng lãnh thổ không đánh thuế hoặc lấy thuế rất thấp tính trên thu nhập hoặc tài sản.
Lãnh đạo nhóm G7 chụp ảnh lưu niệm tại sau buổi họp mặt kéo dài 3 tiếng ở hạt Cornwall, miền Tây Nam nước Anh. Ảnh: AP. |
Phát biểu khi kết thúc hội nghị ở Cornwall, Thủ tướng Anh Boris Johnson ca ngợi "mức độ hòa hợp tuyệt vời" giữa các thành viên trong khối dù đây là lần họp mặt trực tiếp đầu tiên sau 2 năm.
Thủ tướng Johnson cũng cho biết G7 sẽ chứng minh giá trị của dân chủ và nhân quyền và giúp "các quốc gia nghèo nhất trên thế giới phát triển bản thân theo hướng sạch, xanh và bền vững".
"Chúng tôi cảm thấy chưa đủ nếu chỉ nghỉ ngơi và nói về tầm quan trọng của những giá trị mà chúng tôi đã đạt được", thủ tướng Anh nói với báo giới.
"Và đây không phải là việc áp đặt các giá trị của chúng tôi lên phần còn lại của thế giới", ông Johnson nói thêm. "Với tư cách G7, những gì chúng tôi cần làm là chứng minh những lợi ích của dân chủ, tự do và nhân quyền cho phần còn lại của thế giới".