Cụ thể, Thủ tướng Johnson kêu gọi lãnh đạo các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) "cần hiểu rõ" rằng Vương quốc Anh là "một quốc gia thống nhất".
Chính trị gia 56 tuổi sau đó nhắc lại về khả năng Vương quốc Anh đơn phương đình chỉ Nghị định thư Bắc Ireland bằng cách viện dẫn điều 16. Động thái này được cho là sẽ lập tức khiến Brussels đưa ra hành động trả đũa thương mại.
Thủ tướng Anh Boris Johnson trong Hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Cornwall, Anh, vào ngày 13/6. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, trong các cuộc gặp song phương với Thủ tướng Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leye đều đã kêu gọi Anh thực hiện đầy đủ thỏa thuận Brexit (tiến trình Anh rời khỏi EU).
Thủ tướng Anh thậm chí nói với Sky News rằng EU đang dựng lên "mọi loại trở ngại có thể" thay vì áp dụng "tiến trình phù hợp".
"Tôi nghĩ chúng ta có thể giải quyết vấn đề này, nhưng bạn bè và đối tác EU của chúng ta phải hiểu rằng Vương quốc Anh sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết", Thủ tướng Johnson nói. "Nếu giao thức tiếp tục được áp dụng theo cách này, thì rõ ràng chúng tôi sẽ không ngần ngại viện dẫn điều 16, như tôi đã nói trước đây".
Dù Anh chính thức cắt đứt mọi ràng buộc thành viên với EU từ ngày 1/1/2021, riêng vùng lãnh thổ Bắc Ireland vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung EU và liên minh thuế quan.
Quyết định này được đưa ra để duy trì Hiệp ước Ngày thứ Sáu tốt lành vốn giúp chấm dứt cuộc xung đột tại khu vực Bắc Ireland bắt đầu từ những năm 1960, khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Do đó, Anh và EU ký Nghị định thư Bắc Ireland. Theo văn bản này, EU cử các nhân viên hải quan tới vùng Bắc Ireland để kiểm tra hàng hóa đi qua cảng nhằm bảo đảm những hàng hóa này khi vào Bắc Ireland sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường EU.