Vợ chồng Tổng thống Mỹ Joe Biden chạm khuỷu tay với vợ chồng Thủ tướng Anh Boris Johnson trên bờ biển Cornwall thuộc Vịnh Carbis, miền tây nam nước Anh. Hội nghị Thượng đỉnh G7 là sự kiện nhóm họp thường niên quy tụ các nền công nghiệp hàng đầu thế giới. Năm nay, sự kiện diễn ra từ 11/6 đến 13/6 tại Cornwall, Anh. Diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều chủ đề nóng được dự đoán bao trùm chương trình nghị sự của các quốc gia. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Johnson chạm khuỷu tay với Phu nhân Brigitte Macron của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Sau hai năm gián đoạn, Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo hàng đầu các quốc gia Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản có dịp gặp gỡ. Ảnh: Reuters. |
Diễn ra trong vòng ba ngày, từ 11/6 đến 13/6, đại diện các nền công nghiệp hàng đầu thế giới sẽ cùng nhau bàn thảo về triển vọng của nền kinh thế thế giới sau đại dịch, ứng phó với biến đổi khí hậu, các quy định về thuế và một số nội dung khác. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In có mặt tại buổi hội nghị. Ngoài các thành viên chính thức, phiên họp còn có sự góp mặt của bốn quốc gia khách mời là Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và Nam Phi. Ảnh: Reuters. |
Trong phiên khai mạc, các quốc gia đã cam kết chia sẻ ít nhất một tỷ liều vaccine Covid-19 cho các nước gặp khó khăn. Ngoài ra, Anh cũng cố gắng thông qua "Tuyên bố Carbis", hướng tới mục tiêu 100 ngày phát triển vaccine, phương pháp điều trị và chẩn đoán bệnh tật. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Johnson cho biết mục tiêu của gói biện pháp này là "bảo đảm thế giới sẽ không bao giờ mất cảnh giác một lần nữa". Trong phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Johnson cảnh báo rằng các lãnh đạo thế giới không thể lặp lại sai lầm như đã mắc phải trong 18 tháng qua, cũng như những sai lầm trong quá trình hồi phục từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. "Chúng ta không được phép lặp lại sai lầm của đại khủng hoảng lần trước, đại khủng hoảng suy thoái kinh tế 2008, khi quá trình phục hồi không đồng đều giữa mọi thành phần trong xã hội", Thủ tướng Johnson cho biết. "Và tôi nghĩ những sai lầm trong đại dịch lần này, điều có nguy cơ sẽ trở thành vết sẹo lâu dài, chính là sự bất bình đẳng sẽ tồn tại dài lâu", Thủ tướng Johnson nói thêm. |
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Biden có mục tiêu hàn gắn và thắt chặt quan hệ với các đồng minh Mỹ. Ông Biden cũng củng cố hợp tác trong Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) sau khi đưa Mỹ trở lại tổ chức này. Sắp tới, người đứng đầu Nhà Trắng sẽ có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin trên cương vị mới. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà hy vọng sự kiện này sẽ thể hiện các thành viên G7 "không chỉ nghĩ đến bản thân mình". Tổng thống Pháp Macron cũng nhấn mạnh điều đó khi cho biết Pháp đã gửi vaccine đến những quốc gia nghèo trên thế giới. Ảnh: Reuters. |
Các ống kính máy ảnh đã ghi lại một khoảnh khắc đặc biệt giữa Tổng thống Biden và người đồng cấp Pháp Macron. Sau khi kết thúc màn chụp ảnh lưu niệm, hai nhà lãnh đạo đã trao cho nhau cái choàng vai thân mật, dù trước đó Thủ tướng Johnson và Tổng thống Biden chỉ chào nhau theo hình thức chạm khuỷu tay. Ảnh: Reuters. |
Cùng ngày, Nữ hoàng Anh Elizabeth cũng tổ chức buổi tiệc chiêu đãi và có màn pha trò cùng với lãnh đạo các quốc gia bên lề cuộc gặp thượng đỉnh. Khi ngồi xuống ghế chuẩn bị chụp bức ảnh chung với các nhà lãnh đạo thế giới, Nữ hoàng Elizabeth đã nói một câu đùa để khuấy động không khí. "Chẳng phải các ông đáng ra cần trông thoải mái hơn à", Nữ hoàng Elizabeth nói. Các lãnh đạo G7 cùng bật cười trước lời nói đùa của Nữ hoàng Elizabeth. Buổi tiệc còn sự tham gia của các thành viên Hoàng gia Anh trong sự kiện đầu tiên sau lễ tang của cố Hoàng thân Philip. Ảnh: Reuters. |
Sự kiện được tổ chức ở Eden Project, khu vườn thực vật tương lai được miêu tả là rừng mưa trong nhà lớn nhất thế giới với hàng nghìn giống cây trồng. Hành động này gửi đi thông điệp rằng môi trường và biến đổi khí hậu là những ưu tiên hàng đầu của hội nghị G7 năm nay. Ảnh: Reuters. |