Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

WHO: Mỹ có thể trở thành điểm nóng mới của dịch Covid-19

Người phát ngôn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết 85% số ca nhiễm virus corona trong 24 giờ qua là ở Mỹ và châu Âu. Mỹ có khả năng trở thành tâm điểm mới của dịch bệnh.

Bà Margaret Harris, người phát ngôn của WHO, nói cơ quan này thấy "sự gia tăng rất nhanh" số ca nhiễm tại Mỹ, cũng như "tia hy vọng" cho Italy sau khi nước này ghi nhận sự sụt giảm trong các thống kê liên quan Covid-19, bệnh do virus corona chủng mới gây ra.

Trong cuộc họp báo tại Geneva hôm 24/3, bà Harris cho hay số ca nhiễm mới tại châu Âu và Mỹ chiếm 85% tổng số ca nhiễm mới được ghi nhận trên toàn cầu trong 24 giờ qua, theo Reuters. Trong đó, 40% số ca nhiễm mới là từ Mỹ.

Khi được hỏi liệu Mỹ có thể trở thành tâm điểm mới của đại dịch toàn cầu hay không, bà nói: "Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng rất nhanh số ca nhiễm tại Mỹ. Vì vậy, thực sự là có khả năng đó".

"Họ (Mỹ) có sự bùng phát (dịch bệnh) lớn và sự bùng phát này đang gia tăng cường độ", người phát ngôn WHO nói thêm.

85% ca nhiem virus la o chau au va my anh 1

Số ca nhiễm virus sẽ tiếp tục "gia tăng đáng kể" trên toàn cầu, theo WHO. Ảnh: AP.

Tính đến sáng 24/3, Mỹ đã có ít nhất 46.450 ca nhiễm ở khắp các bang cũng như thủ đô Washington. Ít nhất 593 người đã tử vong vì virus, theo dữ liệu của Đại học John Hopkins.

Châu Âu đã trở thành nơi virus lây lan mạnh mẽ nhất trong những tuần qua, với 6 nước đứng trong top 10 nước có số ca nhiễm cao nhất toàn cầu, gồm các nền kinh tế lớn nhất châu lục như Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Anh.

Tây Ban Nha hôm 24/3 công bố thống kê mới, cho biết nước này có thêm 6.584 ca dương tính với virus trong 24 giờ qua, theo AFP. Tổng số ca nhiễm đã lên đến 39.089, cao thứ ba thế giới, với 2.696 người đã tử vong.

Trước đó, Italy cho hay nước này đã có thêm 4.789 ca nhiễm mới hôm 23/3, giảm so với 2 ngày trước. Với gần 64.000 ca dương tính được báo cáo, Italy hiện là điểm nóng về dịch lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc.

Bà Harris nói số ca bệnh và tử vong sẽ tiếp tục "gia tăng đáng kể" trong những ngày tới. Toàn cầu hiện đã ghi nhận 387.382 người nhiễm và 16.766 người chết vì Covid-19, theo thống kê của Đại học John Hopkins.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo dịch bệnh đang bùng phát ngày một nhanh trên quy mô toàn cầu.

Thống kê cho thấy làn sóng thứ nhất mất 67 ngày từ khi dịch bệnh khởi phát tại Trung Quốc để đạt mốc 100.000 ca nhiễm.

Chỉ 11 ngày sau, con số này lên đến 200.000 và chỉ mất thêm 4 ngày để vượt mốc 300.000.

Trong khi tình hình có vẻ lắng dịu tại Trung Quốc, các nước đang chạy đua khống chế sự lây lan của virus, với thêm nhiều chính phủ quyết định phong tỏa các đô thị, hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới. Khoảng 20% dân số thế giới, tương đương 1,7 tỷ người, đang bị hạn chế đi lại vì dịch bệnh, theo WHO.

Ca nhiễm toàn cầu vượt 370.000, gần 1,7 tỷ dân bị phong tỏa

Gần 1/5 dân số thế giới từ ngày 23/3 đã được chính phủ các nước yêu cầu không ra khỏi nhà. Châu Âu và nước Mỹ khởi đầu hai tuần then chốt trong cuộc chiến với virus corona.

Ấn Độ cho phong tỏa 1,3 tỷ dân trong 21 ngày để chống dịch

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thông báo lệnh phong tỏa toàn dân sẽ được áp dụng từ 0h00 ngày 25/3 và kéo dài trong 21 ngày.

Số ca nhiễm ở Italy tăng lên 63.927

Italy chứng kiến số ca nhiễm và ca tử vong tiếp tục tăng trong khi số người chết tại Tây Ban Nha tăng 27% so với một ngày trước đó.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm