Các tài liệu mật của Mỹ và NATO về Ukraine nghi bị chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Istock. |
Vào ngày 8/4, các tài liệu mật của Lầu Năm Góc về chiến sự Ukraine vẫn tiếp tục xuất hiện trên Twitter. Không có dấu hiệu nào cho thấy tỷ phú Elon Musk - CEO Twitter - sẽ có biện pháp ngăn chặn những dòng tweets chứa tài liệu mật.
Thậm chí, ông chủ Twitter còn mỉa mai rằng việc xóa mọi thông tin trên Internet sẽ chỉ khiến công chúng chú ý nhiều hơn đến những gì “họ đang cố che giấu”.
Twitter và nền tảng truyền thông xã hội Discord có nhiều chính sách khác nhau cho phép họ xóa tài liệu bị rò rỉ chứa những thông tin quan trọng về hoạt động tình báo của Mỹ.
Tuy nhiên, các vùng xám trong những quy định này và việc thực thi không đồng đều khiến quyết định của những nhà điều hành trở nên khó đoán hơn. Hiện không rõ các công ty có lựa chọn xóa những tài liệu này hay không và bằng cách nào, theo New York Times.
Quyết định khó đoán
Trên Discord - nền tảng phổ biến với những người đam mê trò chơi điện tử, các tài liệu của Lầu Năm Góc có thể đã được lưu hành từ đầu tháng 3. Discord không trực tiếp quản lý người dùng như Facebook hay Twitter, do đó rất khó phát hiện việc lan truyền các tài liệu nhạy cảm.
Hiện nay, cả Twitter và Discord đều từ chối bình luận, và không rõ các công ty này đã nhận được yêu cầu xóa tài liệu từ Lầu Năm Góc hay chưa.
Hai cựu giám đốc giấu tên của Twitter cho biết nền tảng này có thể xóa tài liệu theo quy định cấm xuất bản và phân phối tài liệu bị hack. Với quy định này, Twitter sẽ xóa hoặc dán nhãn cảnh báo các bài đăng có tài liệu bị hack.
Tuy nhiên, chính sách của Twitter vẫn có những vùng xám. Theo bản cập nhật chính sách mới nhất hồi tháng 10/2020, quy định trên không áp dụng với các tài liệu làm cơ sở đưa tin cho các hãng tin.
Do đó, nội bộ Twitter cũng có những cuộc tranh luận về việc liệu các tài liệu bị rò rỉ hoặc hack có ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, và liệu mức độ ảnh hưởng có đến mức không được phép xuất bản hay không.
Tỷ phú Elon Musk chưa quyết định cách xử lý các tài liệu mật lan truyền trên Twitter. Ảnh: USA Today. |
Trước đây, Twitter từng viện dẫn chính sách về tài liệu bị hack và ngăn chặn việc lan truyền bài báo của New York Post đưa tin FBI đã thu giữ chiếc máy tính được cho là của Hunter Biden, con trai Tổng thống Joe Biden, vào tháng 10/2020.
Tuy nhiên, các lãnh đạo của công ty, bao gồm cả cựu giám đốc điều hành Jack Dorsey, sau đó đã gọi quyết định này là sai lầm. Ông Yoel Roth, cựu lãnh đạo bộ phận an toàn và tin cậy của Twitter cho rằng thông tin này không đến mức bị kiểm duyệt.
Chia sẻ với New York Times, các cựu giám đốc điều hành nói rằng Twitter thường nhận được báo cáo về khả năng vi phạm chính sách từ các tổ chức chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, kể từ khi mua lại công ty vào tháng 10/2022, ông Musk đã cắt giảm các nhóm nhân sự chịu trách nhiệm kiểm duyệt và hơn 75% trong số 7.500 nhân viên của Twitter đã bị sa thải hoặc nghỉ việc. Ella Irwin, người đứng đầu bộ phận quản lý độ tin cậy và an toàn của Twitter, không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Twitter từng xóa hoặc ngăn chặn việc lan truyền nội dung theo lệnh của các quốc gia như Ấn Độ, hay theo ý thích bất chợt của ông chủ Elon Musk.
Chẳng hạn tuần trước, nền tảng này bắt đầu điều chỉnh tương tác với các liên kết đến Substack, sau khi công ty này giới thiệu một dịch vụ tương tự Twitter, theo Verge.
Vượt tầm kiểm soát
Trong khi đó, Discord ngày càng trở nên phổ biến trong thời kỳ đại dịch Covid-19, vượt ra ngoài cộng đồng đam mê videogame. Đến cuối năm 2021, nền tảng này có hơn 150 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng.
Discord cung cấp các máy chủ - hay phòng chat - cho phép mọi người thảo luận về sở thích, nhắn tin hoặc gọi điện cho nhau. Một số phòng chat công khai có tới hàng nghìn người, trong khi những phòng chat riêng tư chỉ dành cho một nhóm bạn.
Mô hình này đã giúp Discord phát triển mạnh, nhưng đồng thời dẫn đến các vấn đề về nội dung có hại. Việc đảm bảo người dùng tuân thủ các chính sách của nền tảng và không đăng tài liệu không phù hợp phần lớn phụ thuộc vào các cá nhân tạo nhóm chat.
Tính riêng tư của một số nhóm chat cũng đồng nghĩa họ có thể dễ dàng thoát khỏi sự kiểm duyệt.
Jason Citron, người sáng lập Discord. Ảnh: Financial Times. |
Vào năm 2017, những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng đã tổ chức cuộc biểu tình “Đoàn kết cánh hữu” ở Charlottesville, bang Virginia, trên các nhóm chat Discord.
Các giám đốc điều hành đã biết những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng sử dụng nền tảng này, nhưng không loại bỏ tài khoản của họ cho đến sau cuộc biểu tình.
Kể từ đó, Discord đã tăng cường đội ngũ kiểm duyệt nội dung. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2021, Giám đốc điều hành Jason Citron cho biết 15% nhân viên của ông làm việc trong các bộ phận đảm bảo độ an toàn và tin cậy.
Tuy nhiên, vào mùa xuân năm 2022, nền tảng này đã không phát hiện ra các tin nhắn trong một nhóm chat riêng của tay súng sát hại 10 người tại một cửa hàng tạp hóa ở Buffalo.
Trong những tin nhắn này, tay súng sử dụng lời lẽ phân biệt chủng tộc và tiết lộ cách lên kế hoạch thực hiện vụ tấn công. Sau vụ xả súng, Discord cho biết đang điều tra các bài đăng và làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật.
Trong báo cáo minh bạch mới nhất, Discord khẳng định đã vô hiệu hóa hơn 150.000 tài khoản do vi phạm chính sách trong 3 tháng cuối năm 2022. Công ty cho biết thêm số lượng tài khoản bị vô hiệu hóa đã giảm 17% so với 3 tháng trước đó.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.