Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã phối hợp các đơn vị liên quan và chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện tẩy xóa các vị trí bị sơn vẽ bằng dung dịch chuyên dụng, hoàn tất vào ngày 3/8.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Zing vào ngày 16/8, một số vết vẽ mới lại xuất hiện trên thành cầu, đè lên những khu vực đã được khắc phục.
Những vết vẽ mới đè lên vết sơn vẽ cũ (ảnh chụp ngày 16/8). Ảnh: Tâm Linh. |
Theo đánh giá của Sở GTVT, ngoài sơn vẽ bậy thì việc dán quảng cáo cũng gây mất mỹ quan trên các công trình giao thông công cộng. Tình trạng này diễn ra thường xuyên và rất khó để phát hiện, xử lý.
Do đó, Sở GTVT đã đề xuất lắp camera, sơn chống dính trên các công trình công cộng lớn ở thành phố để ngăn tình trạng vẽ bậy, dán quảng cáo, rao vặt…
Sở GTVT từng thí điểm sơn chuyên dụng chống dính trên một số công trình, nhưng giá thành cao hơn nhiều so với sơn thông thường (khoảng 300.000 đồng mỗi m2), nên chưa triển khai rộng rãi.
Ngành giao thông thành phố đề xuất cần phải sơn chống dính trên các bề mặt cầu lớn như Thủ Thiêm, Thủ Thiêm 2, Bình Lợi, Sài Gòn, Sài Gòn 2, Tân Thuận 1, Tân Thuận 2...
Sở GTVT đã đề xuất lắp camera, sơn chống dính trên các công trình công cộng lớn ở thành phố để ngăn tình trạng vẽ bậy. Ảnh: Tâm Linh. |
Tình trạng bôi bẩn, vẽ bậy trên các bức tường nơi công cộng, tòa nhà... diễn ra nhiều nơi ở TP.HCM. Hồi giữa tháng 6, tàu metro số 1 đặt tại depot Long Bình, TP Thủ Đức, bị sơn vẽ nhiều hình thù khác nhau.
Theo Nghị định 144 của Chính phủ, hành vi phun sơn, viết, vẽ lên tường, cột điện hoặc các công trình công cộng mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền lên tới 5 triệu đồng.