Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bức xúc trước nạn bôi bẩn, vẽ bậy trên cầu Thủ Thiêm 2

Chỉ mới khánh thành ba tháng, cầu Thủ Thiêm 2 đã bị sơn nguệch ngoạc nhiều vị trí. Người dân tới đây tham quan tiếc nuối khi cầu biểu tượng mới của TP.HCM bị bôi bẩn.

"Phải biết đặt đúng nơi, đúng chỗ thì mới tôn lên giá trị nghệ thuật của hình vẽ. Cứ gặp đâu vẽ đó như thế này thì mọi người sẽ có cái nhìn ác cảm về giới graffiti", Hoàng Vũ (27 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè) bức xúc nhìn những vết sơn bậy trên cầu Thủ Thiêm 2.

Là người yêu thích bộ môn vẽ tranh tường nhưng Hoàng Vũ không hài lòng khi thấy cây cầu mới khánh thành bị bôi bẩn. Chàng trai này mong cơ quan chức năng sớm khôi phục hiện trạng cho cây cầu và tăng cường an ninh quanh khu vực để không xảy ra tình trạng tương tự.

Ghi nhận của Zing tại lối đi bộ xuống cầu Thủ Thiêm 2 (đoạn hướng về quận 1), chi chít vết vẽ bằng sơn. Tương tự, hai đoạn đầu dây văng trên cầu cũng bị bôi bẩn.

Không chỉ vậy, đường đi bộ lên cầu cũng ngập rác thải. Xung quanh các trụ và cột điện thắp sáng của cây cầu bị dán nhiều tờ rơi.

Đây chỉ là một trong số hàng chục công trình công cộng tại TP.HCM bị sơn, vẽ bậy.

Phản cảm

Tham quan, hóng mát vào cuối tuần, Thanh Thùy (27 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) lắc đầu ngao ngán khi nhìn thấy hình vẽ tựa mặt người màu trắng, nổi bật lên ngay lối đi bộ lên cầu.

Thùy nói thường xuyên qua khu vực này đạp xe thể dục và lần đầu thấy xuất hiện những hình thù thế này.

“Ở TP.HCM, có nhiều nơi bị bôi bẩn nhưng với cây cầu mới xây như Thủ Thiêm 2 thì nhìn rất phản cảm. Mong cơ quan chức năng sớm tìm ra thủ phạm, xử lý theo pháp luật để tạo tính răn đe những người khác”, Thùy bức xúc.

Cau Thu Thiem 2 bi ve bay anh 1

Cầu Thủ Thiêm 2 bị sơn nguệch ngoạc theo kiểu graffiti trên thành và ở lối đi bộ xuống cầu. Ảnh: Anh Nhàn.

Cùng quan điểm, chị Hoàng Giang (ngụ quận Gò Vấp) nhìn nhận cầu Thủ Thiêm 2 có nhiều khách nước ngoài, khách du lịch tới tham quan. Một biểu tượng mới bị bôi bẩn sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh thành phố. Chị này đề xuất xử phạt nghiêm cá nhân thiếu ý thức.

"Một vài cá nhân không có ý thức đã làm ảnh hưởng chung đến không gian công cộng của thành phố", chị Giang nói.

Theo Đại diện đơn vị quản lý, cầu Thủ Thiêm 2 mới bị bôi bẩn trong những ngày gần đây. Đơn vị sẽ trích xuất camera trên cầu xác minh và đề nghị công an làm rõ.

Cau Thu Thiem 2 bi ve bay anh 2

Lối đi bộ lên cầu Thủ Thiêm 2 ngập rác thải. Ảnh: Anh Nhàn.

Trước đó, sau khánh thành một tháng, hơn 40 nắp chắn rác trên cầu Thủ Thiêm 2 từng bị mất trộm. Người lấy trộm sau đó bị công an tạm giữ. Hiện, nắp chắn rác đã được thay mới để đảm bảo an toàn cho người đi đường.

Sau sự việc, Công an quận 1 (TP.HCM) đã gắn camera trên cầu Thủ Thiêm 2 để theo dõi an ninh trật tự ở khu vực này. Hình ảnh cũng được lưu lại để phục vụ công tác khi cần thiết.

Nhiều nơi tại TP.HCM bị bôi bẩn

Tình trạng bôi bẩn, vẽ bậy trên các bức tường nơi công cộng, toà nhà... diễn ra nhiều nơi ở TP.HCM. Hồi giữa tháng 6, tàu metro số 1 đặt tại depot Long Bình, TP Thủ Đức, bị sơn vẽ nhiều hình thù khác nhau.

Theo Nghị định 144 của Chính phủ, hành vi phun sơn, viết, vẽ lên tường, cột điện hoặc các công trình công cộng mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền lên tới 5 triệu đồng.

Luật sư Hà Hải (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) còn nhìn nhận người vẽ bậy có thể bị xử lý hình sự tội Hủy hoại, Cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự...

Ngược lại, nhiều tuyến đường, khu phố được các nghệ sĩ graffiti lên kế hoạch thực hiện kỳ công đã mang một màu áo mới, đem đến nhiều giá trị nghệ thuật.

Đánh giá về graffiti, nghệ sĩ Đỗ Thế Thành cho rằng ranh giới giữa nghệ thuật và bôi bẩn rất mong manh. Môn nghệ thuật này được thực hiện hợp pháp sẽ góp phần tạo ra các tác phẩm tốt, khiến người khác có cái nhìn thiện cảm. Ngược lại, nếu vẽ tranh graffiti bất hợp pháp tại khu vực công cộng sẽ rất phản cảm.

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn (quận 1), điểm cuối kết nối vào đường Trần Bạch Đằng (tuyến R1, TP Thủ Đức), chiều dài gần 1,5 km. Công trình được khởi công từ năm 2015 và đưa vào sử dụng cuối tháng 4/2022.

Cầu có vai trò kết nối giao thông khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm TP.HCM, giảm áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm, đường hầm vượt sông Sài Gòn.

Vị trí cầu Thủ Thiêm 2 - gạch đỏ. Ảnh: Google Maps.

Graffiti biến tướng làm xấu bộ mặt TP.HCM Nhiều thành cầu, công trình công cộng của TP.HCM đang bị một bộ phận người vẽ graffiti làm bẩn bởi những hình thù quái dị, gây mất mỹ quan đô thị.

Ranh giới mong manh giữa nghệ thuật graffiti và bôi bẩn

Vẽ tranh tường hay graffiti gây tranh cãi ở TP.HCM sau khi toa tàu metro bị bôi bẩn. Tuy nhiên, giới nghệ sĩ và người dân có góc nhìn khác về môn nghệ thuật này.

2 họa sĩ gốc Việt đưa graffiti vào phòng tranh tại TP.HCM

Cyril Kongo và Hom Nguyen đưa graffiti vào phòng tranh tại quận 1. Các bức vẽ chân dung với lối thể hiện tự do mang âm hưởng đường phố, đậm phần hồn và ánh mắt biết nói.

Anh Nhàn - Thư Trần

Bạn có thể quan tâm