Tết trong cung nhà Trần thường được tổ chức kéo dài, từ lúc lập xuân cho đến tháng hai mới kết thúc. Sách Tết cổ truyền người Việt (PGS Lê Trung Vũ chủ biên, Lê Văn Kỳ, Nguyễn Hương Liên, Nguyễn Quang Lê) cho rằng các nghi lễ, phong tục Tết của nhà Trần thường diễn ra theo một trình tự.
Sách Tết cổ truyền người Việt. |
Từ ngày lập xuân, vua quan nhà Trần bắt đầu ăn Tết. Trong ngày này, quan văn võ trang phục chỉnh tề, cài hoa lên đầu vào Đại nội dự yến. Ngày 28 tháng chạp, vua sẽ ngự trên xe, các quan mặc triều phục đi tế ễ ở đền Đế Thích ngoài thành Thăng Long.
Trong ngày 30 Tết, vua và quan cùng làm lễ rồi xem ca nhi mua hát. Buổi chiều, vua bái yết thái thượng hoàng. Ban đêm, chư tăng vào đại nội tụng kinh và làm lễ đuổi ma quỷ (lễ khu na).
Trong ngày mùng một Tết, vua sẽ dậy sớm, từ canh 5 thì ra điện cho các hoàng tử, công chúa và quan cận thần làm lễ bái hạ. Sau đó vua sẽ tới cung Trường Xuân hướng về lăng Tiên tổ (lăng phát tích nhà Trần) làm lễ vọng bái.
Sáng hôm ấy, vua ra điện Thiên An, hoàng hậu và các phi tần, quan nội thần đã đứng đợi. Trong khi các nhạc công tấu nhạc, hoàng tử, hoàng thân cùng trăm quan xếp hàng hành lễ, dâng rượu. Tất cả cùng dự yến tới trưa.
Một nghi lễ được các vua nhà Trần cho thực hiện trong sáng mùng một Tết là làm đài “chúng tiên”. Những người thợ khéo léo được chọn để làm chiếc đài hai tầng, trang trí vàng ngọc này. Làm xong, vua sẽ ngồi trên đài, các quan dâng 9 tuần rượu chúc thọ ra về. Ngày mùng 2, các quan ăn Tết ở nhà riêng.
Sang ngày mùng 3, vua và quan sẽ ngồi trên đài xem các hoàng tử và công tử con quan chơi đánh cầu. “Đây là trò chơi thượng võ đầu xuân mà các vua nhà Trần yêu thích, năm nào cũng phải có”, sách viết.
Ngày mùng 5 Tết vua tôi nhà Trần tổ chức lễ khai hạ. Vua sẽ ban yến ở nội điện, các quan dự yến xong đi du ngoạn quanh vườn thượng uyển hoặc đi lễ đền chùa ở ngoại thành.
Quý tộc thời Trần chơi mã cầu. Tranh thuộc tác phẩm Long thần tướng. |
Đêm rằm tháng giêng, một cây đèn to cao được dựng trong cung. Trên đèn thắp vạn ngọn sáng rực cả trời đất. Trong khi các chư tăng đi quanh đèn làm lễ tụng kinh thì các quan sẽ hành lễ ở dưới.
Tết của vua quan nhà Trần còn kéo dài tới tháng 2 với nhiều lễ hội phong phú. Sách An Nam chí lược (Lê Tắc biên soạn) cho biết tháng 2, trong cung dựng lên một xuân đài. Các ca nhi ăn mặc, hóa trang giả làm 12 vị thần đứng múa ở đấy và hát những khúc như: Nam thiên nhạc, Đạp thanh du, Canh lậu trường, Ngọc lâu xuân, Mộng du tiên…
“Vua coi các trò tranh đua trước sân, coi bọn lực sĩ và con trẻ đấu vật, ai thắng thì được thưởng. Các công hầu thì đánh bóng trên lưng ngựa. Quan nhỏ thì chơi các trò như đánh cờ vây, đánh vu bổ (bài thẻ), đá bóng, giác đấu, sơn hô hầu”. Sau buổi này, Tết mới thực sự kết thúc.
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho rằng, đánh bóng trên lưng ngựa chính là trò polo ngày nay. Khi làm cố vấn cho nhóm tác giả Phong Dương Comics trong dự án truyện Long thần tướng, Trần Quang Đức cũng cung cấp các tư liệu lịch sử cho nhóm tác giả. Trận đấu mã cấu của các công hầu, công tử thời Trần cùng nhiều trò chơi khác của quý tộc thời đó đã được tái hiện lại trong truyện tranh Long thần tướng.