Theo Telegraph, để bảo vệ hội đồng quản trị trước các vụ kiện tiềm năng, hãng xe điện Tesla chi tới 1 tỷ USD cho CEO Elon Musk. Khoản thanh toán sẽ bảo đảm cho tỷ phú công nghệ trong vòng 3 tháng trước các cáo buộc nhắm vào lãnh đạo của hãng. Hồi đầu năm, Tesla từng tiết lộ sẽ cho phép CEO dàn xếp thanh toán bồi thường cho các thành viên hội đồng quản trị.
Trong hồ sơ gửi lên SEC, Tesla cho biết họ sẽ nối lại việc thanh toán bảo đảm trong vòng 90 ngày cho Elon Musk. Đổi lại, Tesla sẽ trả cho Musk một khoản phí một lần là 972.361 USD. Việc tìm kiếm một công ty bảo hiểm mới đã bị trì hoãn vì đại dịch Covid-19.
Khoản thanh toán cá nhân hơn 55 tỷ USD và bảo hiểm trị giá 1 triệu USD khiến Elon Musk bị kêu gọi từ chức. Ảnh: Reuters |
Khoản thanh toán bảo hiểm trên sẽ giúp hãng giải quyết các yêu cầu pháp lý chống lại công ty và hội đồng quản trị, bao gồm cả vụ kiện về việc mua lại công ty pin mặt trời SolarCity hồi tháng 1 với khoản bồi thường lên tới 60 triệu USD.
Quyết định trên khiến sự bất mãn với Elon Musk trong công ty tiếp tục lên cao, cho rằng đây chính là bằng chứng về sự ưu ái bất bình thường dành cho Musk. Trước đó, khoản thanh toán bồi thường lỷ lục hơn 55,8 tỷ USD cũng khiến các nhà đầu tư sục sôi, lên kế hoạch bỏ phiếu chống lại Elon Musk tại cuộc họp cổ đông sắp tới.
Theo Guardian, nhiều nhà đầu tư được kêu gọi bỏ phiếu loại bỏ Elon Musk khỏi hội đồng quản trị.
Pirc, một cố vấn có ảnh hưởng đối với các cổ đông hôm 31/6 đã khuyến nghị các nhà đầu tư bỏ phiếu chống lại thỏa thuận trả lương điều hành của Tesla. Thỏa thuận này “làm giàu bất hợp lý cho CEO của hãng”, khiến công ty đối mặt kiện cáo.
Cáo buộc cho rằng “Ban quản trị, bao gồm cả CEO Elon Musk, đã tự cho mình các gói chi trả lợi ích quá cao trong thời hạn 3 năm, nhằm làm giàu cho bản thân một cách phi lý”.
Chuyên gia tư vấn cho các cổ đông kêu gọi các nhà đầu tư đồng lòng bỏ phiếu chống lại việc tái bầu Musk vào hội đồng quản trị. Ngoài ra là lời cảnh báo rằng Elon Musk sẽ mang lại “nguy cơ tổn hại nghiêm trọng uy tín đối với công ty và với các cổ đông của hãng”.
Thêm vào đó, tỷ phú Musk vốn nổi tiếng với các phát ngôn chơi ngông, gây tranh cãi trên Twitter đã khiến Tesla phải trả hàng triệu USD để xử lý, gây ra tổn hại uy tín không cần thiết.
Điển hình là vào năm ngoái, Musk đã bị kiện đòi bồi thường thiệt hại 190 triệu USD sau khi đăng tải dòng tweet xúc phạm Vernon Unsworth, người đang giúp giải cứu 13 người bị mắc kẹt trong hang động Thái Lan. Tuy nhiên, tòa án khi đó nhận thấy các tweet không đạt được tiêu chuẩn pháp lý về tội phỉ báng và Musk không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trước đó, vào năm 2018, SEC - Ủy ban quản lý và giao dịch chứng khoán Mỹ đã phạt cả Musk và hãng Tesla 20 triệu USD vì việc đăng tải thông tin thất thiệt. Vị CEO tỷ phú đã đăng tải dòng tweet bóng gió, dự định sẽ tư nhân hóa công ty ở mức giá cao hơn so với thị giá. Động thái này ngay lập tức khiến giá cổ phiếu của hãng tăng vọt đột biến.
Khi đó, một trong những điều kiện mà SEC đưa ra để giải quyết vụ bê bối thông tin này là tỷ phú Musk buộc phải từ bỏ vị trí chủ tịch Tesla.
Pirc cho biết hành vi trên “bị cáo buộc là lạm dụng cơ chế thị trường, SEC cho rằng Musk đã nói dối các nhà đầu tư. Musk và Tesla đã phải thanh toán yêu cầu bồi thường cho SEC, số tiền lên tới 40 triệu USD và gây ra thiệt hại về mặt tài chính cho hãng”.
Báo cáo còn đề cập đến việc Musk chống đối các biện pháp cách ly đối phó với dịch Covid-19 trước đó. “Musk đã yêu cầu công nhân quay lại làm việc trong thời gian cách ly mà không có biện pháp bảo vệ bất chấp sự phản đối của họ”, Pirc lên án.
Đáng nói là sau đó có nhiều nhân viên của Tesla dương tính với Covid-19 sau khi quay lại làm việc.
Đại hội thường niên Tesla dự kiến sẽ diễn ra vào 7/7 tới, nhưng việc bỏ phiếu sẽ được hoãn lại cho đến tháng 9.