Thành công cuối cùng của ngành xe hơi Mỹ đã xảy ra cách đây 114 năm. Nó có tên là Ford.
Nhưng chỉ mất hơn một thập niên, Tesla có được tất cả những điều đó: sự thành công, trở thành một gã khổng lồ và được hàng triệu người ngưỡng mộ. Vốn hoá thị trường của hãng đã quanh mức 48,58 tỷ USD. Morgan Stanley gọi Tesla là "công ty xe hơi quan trọng nhất thế giới". Nhiều cuộc khảo sát cho thấy Tesla Model S là "phương tiện được yêu thích nhất tại Mỹ".
Người ta thường truyền tai nhau rằng sự thành công của Tesla ngày hôm nay bởi công lớn của Giám đốc điều hành tài năng - Elon Musk - người sáng lập PayPal, SpaceX và là tỷ phú trẻ mang tham vọng chinh phục sao Hoả.
Nhưng câu chuyện về Tesla dài hơn những gì xuất hiện trên mặt báo. Nó là lòng tin, sự liều lĩnh và may mắn.
Mùa hè năm 2004, nhà thiết kế sản phẩm Malcolm Smith nhận được cuộc gọi từ một chuyên gia phần cứng mà anh ta từng làm chung tên là Martin Eberhard.
"Tôi không thể nói cho anh biết chúng ta sẽ làm gì", Eberhard nói, "nhưng tại sao ông bạn không đến xem chiếc xe mà tôi có."
Smith ghé thăm văn phòng nhỏ bé của Eberhard tại trung tâm thành phố Menlo Park, California. Eberhard và đối tác Marc Tarpenning đã trình bày một kế hoạch kinh doanh bước đầu và một số chi tiết kỹ thuật thô về chiếc xe mới mà họ muốn xây dựng với Smith.
Nó không giống bất kỳ chiếc xe nào trên thị trường, nó là một chiếc xe điện. Smith đã hoài nghi, tò mò và cảm thấy kỳ quặc.
Ông nhận ra rằng Eberhard và Tarpenning không cần phải phát minh lại những định luật vật lý. Họ chỉ cần ứng dụng công nghệ có sẵn để tạo nên một "bước đột phá công nghệ".
Tuyệt vời! Eberhard nói, "chúng ta hãy hợp tác cùng nhau."
Smith nhảy vào chiếc xe màu vàng nhỏ bé kỳ lạ cùng Eberhard. Họ lên đường tới Sand Hill, đường phố nổi tiếng bởi đây là nơi đặt trụ sở của những công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu. Chiếc xe hơi không tạo nên bất kỳ tiếng động nào đáng kể, hoàn toàn yên tĩnh.
Xe chỉ chạy vận tốc khoảng 16 km/h. "Hãy thử chạm vào bảng điều khiển", Eberhard nói với Smith. Khi Smith vừa chạm vào màn hình, Eberhard đã nhấn phím tăng tốc. Chiếc tzero, một mẫu xe điện hai chỗ ngồi có thể tăng tốc từ 0-100 km/h trong 4 giây. Lực G ép chặt Smith vào thành ghế.
"Hiểu rồi!" Smith suy nghĩ. Đây chính là tương lai của ngành công nghiệp xe hơi!
Đó chính là tiền thân sự ra đời Tesla, những chiếc xe điện đẹp và ứng dụng công nghệ cao.
Không có chiếc xe động cơ đốt trong nào đạt được mô-men xoắn 100% ngay lập tức, và xe điện hiệu suất cao chính là mấu chốt của vấn đề. Xe điện không nên chỉ quanh quẩn trong sân golf.
Smith trở thành một trong 20 nhân viên đầu tiên của công ty xe hơi mới do Eberhard sáng lập. Ông trở thành Phó chủ tịch Kỹ thuật của Tesla Motors.
Roadster, chiếc xe thể thao đầu tiên của Tesla được giới thiệu năm 2008. Tờ Car and Driver đánh giá: "Nó không chỉ là một chiếc xe thể thao mà còn là một trong những mẫu xe mạnh nhất trên đường".
Model S, chiếc sedan thể thao được giới thiệu năm 2013 giành được giải thưởng Xe hơi của năm do Motor Trend bình chọn. Năm đó, Model S đã vượt qua Mercedes Benz S Class, BMW 7 Series và tất cả những chiếc sedan sang trọng khác.
Nhưng Tesla đã manh nha hình thành từ khoảng năm 1990.
Kỹ sư Marc Tarpenning làm việc cho Textron ở Ả-rập Xê-út. Trong một chuyến viếng thăm quê hương ở California, ông gặp một người bạn lâu năm, Greg Renda, làm việc cho Wyse Technology ở San Jose.
Renda mời Tarpenning đến văn phòng của ông để xem các thiết bị đầu cuối mà Wyse đang chế tạo.
Tại đây, ông đã gặp Martin Eberhard, một kỹ sư đầy năng lượng, chu đáo và phóng khoáng. Hai người nhanh chóng tìm ra điểm chung và bắt đầu làm việc cùng nhau.
Một thời gian sau, Eberhard và Tarpenning kết hợp trong các dự án kinh doanh. Họ bắt đầu tham vấn cho nhau từ công ty chế tạo đầu đĩa, các quán cà phê hay máy tính di động, điện thoại, máy tính xách tay...
Cả hai đều nhận ra rằng hiệu suất pin đang tăng lên. Nhưng quá trình này diễn ra rất chậm. Thay vì tăng gấp đôi công suất trong 18 tháng như bộ vi xử lý, dung lượng pin tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm.
Điều này khiến hai người suy nghĩ: liệu họ có thể bắt đầu một công ty để tận dụng tất cả công nghệ trong lĩnh vực này.
"Tôi nghĩ mọi người có tiền đều muốn một chiếc xe thể thao. Nhưng tôi không thể lái chiếc xe chỉ chạy được 100 km với 15 lít xăng, trong thời điểm cuộc chiến Trung Đông đẩy giá dầu mỏ lên cao và khí hậu toàn cầu đang bị ấm lên bởi hiệu ứng nhà kính. Một chiếc xe điện hiệu suất cao, thân thiện với môi trường là giải pháp cho tình thế này", Eberhard nói.
Eberhard bắt đầu lựa chọn loại nhiên liệu, tính toán để so sánh các con số. Pin nhiên liệu hydro, xăng dầu, khí tự nhiên và một số loại pin rắn. Sau khi có kết quả, Eberhard khá ngạc nhiên khi thấy rằng, năng lượng trên tế bào nhiên liệu hydro cũng không lớn hơn khí đốt. Ngoài ra để sản xuất ra điện, chúng ta vẫn cần huỷ hoại môi trường bằng cách đốt than hay xây thuỷ điện.
Ông bắt đầu liên hệ với cộng đồng yêu thích xe điện và gặp hãng AC Propulsion, một công ty sản xuất xe điện để tìm cách chế tạo những mẫu xe hơi không có khí thải. Sự hợp tác này đã tạo ra chiếc xe thể thao được gọi là "tzero".
Eberhard cảm thấy hưng phấn khi lái nó. Nó có gia tốc của một chiếc Lamborghini, chứng tỏ xe điện không hề chậm. Tuy nhiên vấn đề lớn là không thể lái xe trong mưa vì làm chập điện và hỏng hệ thống máy tính.
Mùa hè năm 2003, Tarpenning và Eberhard muốn thành lập một công ty xe điện, bắt đầu từ một chiếc xe hai chỗ ngồi và chuyển sang các model khác khi thị trường dễ tiếp cận hơn.
Theo nghiên cứu của họ, xe điện tạo ra nhiều mô-men xoắn hơn và có thể sử dụng phanh tái tạo năng lượng. Năng lượng này sẽ được sạc lại pin giúp xe tăng cự ly hành trình.
Tesla được đặt tên theo một kỹ sư điện, đồng thời là nhà vật lý người Serbia, Nikola Tesla. Chiếc xe đầu tiên của Tesla sử dụng động cơ điện xoay chiều trực tiếp từ thiết kế năm 1882 của Nikola Tesla.
Họ mất nhiều tháng để hoàn thành kế hoạch kinh doanh và thuyết phục các nhà đầu tư.
Năm 2004, những dòng vốn đầu tiên được đổ vào Tesla, nhưng những khoản đầu tư nhỏ từ gia đình, bạn bè và người thân không đủ sức giúp công ty lớn mạnh. Họ cần những khoản đầu tư khổng lồ để xây dựng nhà máy và nghiên cứu sản phẩm.
Thời điểm này, Elon Musk đã là một nhà đầu tư có tiếng, PayPal mới được bán và ông thu về 170 triệu USD. Musk đang dồn tâm huyết vào dự án hàng không vũ trụ SpaceX.
Ngày 31/3/2004, Eberhard gửi cho Elon Musk một email. "Chúng tôi muốn nói chuyện với ông về Tesla Motors. Đặc biệt nếu ông quan tâm đến việc đầu tư vào công ty. Chúng tôi muốn thuyết phục ông rằng chúng tôi có thể tạo ra những chiếc xe hơi chạy điện cao cấp và sẽ tạo ra lợi nhuận. Đây là một công ty có tiềm năng tăng trưởng cao, đồng thời phá vỡ sự thoả hiệp giữa hiệu suất và tiết kiệm".
Musk đã trả lời ngay tối hôm đó. "Chắc chắn", ông nói. "Thứ sáu tuần này hoặc thứ sáu tuần tới chúng ta sẽ có cuộc nói chuyện".
Eberhard và Ian Wright (thành viên thứ ba trong nhóm sáng lập) đã bay tới Los Angeles, nơi SpaceX đã đặt trụ sở và gặp Musk trong văn phòng SpaceX của ông ta.
Eberhard nhớ lại khoảng thời gian cuộc gặp được dự kiến là 30 phút, nhưng nó kéo dài tới hai tiếng.
Eberhard nhận ra rằng Musk là người đầu tiên ông gặp có tầm nhìn về xe điện: "Hãy tạo ra một chiếc xe vượt trội, không chỉ là chiếc xe tiết kiệm hơn", Musk nói.
Một chiếc xe như thế có thể định nghĩa lại những gì cả thế giới đang nghĩ về xe điện. Với quy mô tương đối nhỏ của thị trường xe hơi thể thao, các nhà sản xuất ôtô mới có thể không gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các ông lớn do tâm lý chủ quan, và đây là hướng đi đầu tiên của công ty, trước khi chen chân vào những phân khúc đông khách hàng.
Roadster đã phá vỡ những quy tắc về xe điện, có thể đạt cự ly trên 300 km mỗi lần sạc, hiệu suất không thua gì những mẫu xe thể thao nổi tiếng. Eberhard, Wright và Musk đã thông qua kế hoạch kinh doanh của họ.
Nhưng Musk tuyên bố: "Các ông phải làm nhanh, vợ tôi đang mang thai một cặp song sinh, và khi những đứa trẻ ra đời, tôi sẽ không có thời gian để tập trung vào Tesla".
Các thủ tục giấy tờ được soạn thảo và hoàn thiện vào ngày 23/4/2004. Musk chi 7,5 triệu USD và trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị Tesla.
Năm 2003, cả thế giới nhìn Tesla - hãng xe điện non trẻ mới thành lập tại Mỹ với ánh mắt đầy hoài nghi. Trong suy nghĩ của nhiều người khi đó, xe điện gắn liền với những chiếc xe đồ chơi của trẻ con, không ai lái xe điện đi làm.
Mức giá đắt đỏ và dung lượng pin ít ỏi là lý do xe điện không được kỳ vọng nhiều. Đã bao nhiêu năm qua, hầu hết ngành công nghiệp đều phát triển vượt bậc, nhưng nghành chế tạo pin vẫn dậm chân tại chỗ. Kỹ thuật chế tạo pin thời đó ở mức độ sơ khai khiến không nhiều người lạc quan về tương lai của hãng.
Tháng 2/2008, Tesla giới thiệu chiếc Roadster, mẫu xe thể thao thuần chạy điện đầu tiên.
Tesla có kế hoạch PR thông minh khi dựa vào những người nổi tiếng tại Hollywood để quảng bá chiếc xe của mình.
Tesla Roadster được xây dựng trên khung sườn chiếc xe thể thao nhỏ Lotus Elise, còn được gọi là Vauxhall VX220 hay Opel Speedster ở châu Âu.
Roadster là chiếc ôtô sản xuất đầu tiên sử dụng pin lithium-ion, đồng thời là chiếc xe điện đầu tiên có tầm hoạt động trên 320 km mỗi lần sạc. Từ năm 2008 đến tháng 3/2012, Tesla đã bán được 2.250 chiếc Roadster ở 31 quốc gia.
Tháng 6/2012, Tesla lại một lần nữa gây chú ý khi cho ra đời mẫu xe thứ hai mang tên Model S, chiếc sedan sang trọng chạy điện. Model S trở thành mẫu xe điện bán chạy nhất thế giới trong hai năm 2015 và 2016
Doanh thu toàn cầu của mẫu xe này đạt 150.000 chiếc vào tháng 11/2016, tổng cộng 4 năm và 5 tháng kể từ khi được giới thiệu. Tính đến tháng 12 năm 2016, Model S được đánh giá là mẫu xe điện hạng sang bán chạy nhất mọi thời đại, không tính chiếc Nissan Leaf.
Tháng 9/2016, Tesla giới thiệu Model X, một chiếc crossover chạy điện. Mẫu xe này chiếm ngôi vị xe an toàn nhất thế giới và nhận được nhiều giải thưởng về thiết kế.
Mẫu xe mới nhất được Tesla tung ra thị trường là Model 3, có giá chỉ 35.000 USD. Đây được xem là dòng xe mang tính cách mạng trong thế giới xe, đưa ngành công nghiệp xe hơi bước sang thời kỳ mới - kỷ nguyên của điện khí hoá.
Tính đến tháng 12/2016, Tesla đã bán được 186.000 chiếc xe điện trên toàn cầu, kể từ khi giới thiệu Tesla Roadster đầu tiên vào năm 2008. Thành tích này đưa Tesla trở thành hãng sản xuất xe điện lớn thứ hai thế giới, sau liên minh Renault-Nissan.
Elon Musk - Giám đốc điều hành Tesla cho biết ông đã hình dung Tesla là một công ty công nghệ và nhà sản xuất độc lập. Mục đích cuối cùng là cung cấp xe điện với giá cả phải chăng cho người tiêu dùng trung lưu.
Tesla đã xây dựng mạng lưới trạm sạc siêu tăng áp nằm khắp Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á để phục vụ các chủ sở hữu xe của hãng. Với những bước đi đầy tham vọng, Tesla được các nhà đầu tư đánh giá cao khiến cổ phiếu của hãng tăng vọt.
Hãng xe non trẻ lần lượt vượt qua nhiều "gã khổng lồ" như GM và Ford, trở thành hãng xe giá trị nhất thế giới với giá trị thương hiệu trên 60 tỷ USD. Hiện nay, Tesla là hãng xe giá thị thứ 3 thế giới, chỉ sau Daimler AG và Volkswagen Group.
Đến năm 2012, Tesla tạo công ăn việc làm cho khoảng 3.000 người. Đến năm 2015, con số này tăng lên 13.058 nhân viên, và đến cuối 2016, Tesla có tổng cộng khoảng 30.000 nhân viên, trong đó 25.000 người làm việc tại Mỹ.
Năm 2016, Tesla đứng đầu trong báo cáo về độ hài lòng của khách hàng sau năm đầu sử dụng, với tỷ lệ lên tới 91%.
Nhiều người vẫn không thể tin vào sự thành công thần kỳ của Tesla. Hãng xe điện non trẻ có doanh số chưa đầy 100.000 chiếc mỗi năm lại có giá trị thương hiệu trên 60 tỷ USD, vượt qua nhiều gã khổng lồ với hàng trăm năm gây dựng.
Theo dự đoán của các chuyên gia, Tesla sẽ sớm vượt lên dẫn đầu ngành công nghiệp xe hơi, trở thành hãng xe giá trị nhất, tương tự điều mà Apple đã làm được đối với ngành điện thoại di động.
Vậy điều gì làm nên sự thành công của Tesla?
Theo Peter Thiel, nhà đầu tư huyền thoại tại thung lũng Silicon, bí quyết thành công của Tesla nằm ở công nghệ mà hãng sở hữu, CEO Elon Musk là thiên tài công nghệ và không thể thiếu sự may mắn.
Thiel - người đã giúp Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk xây dựng PayPal cho rằng: Musk là người cuối cùng có thể cùng lúc khởi nghiệp ba doanh (PayPal, Tesla và SpaceX ) trong ba ngành công nghiệp khác nhau và đạt được thành công.
Thiel lưu ý rằng Tesla có thể làm những điều mà không công ty nào khác có thể làm, bởi đầu tư đúng nơi, đúng thời điểm. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho công ty mà còn cho các cổ đông của họ.
Peter Thiel chỉ ra 7 lý do khiến Tesla thành công, trong khi nhiều công ty xe điện khác thất bại.
"Công nghệ của Tesla đi trước thời đại, và các công ty khác phải dựa trên nó để phát triển chiếc xe của mình. Daimler sử dụng công nghệ pin của Tesla; Mercedes-Benz sử dụng hệ thống truyền động của Tesla; Toyota sử dụng động cơ Tesla. General Motors thậm chí đã tạo ra một "đội đặc nhiệm" để theo dõi những bước tiến tiếp theo của Tesla".
Model S là một kỳ quan công nghệ, nhận được vô số giải thưởng, bao gồm giải thưởng từ những tổ chức uy tín như Consumer Reports, tạp chí Motor Trend và Automobile. Những thoả thuận với các công ty xe lớn để sản xuất các bộ phận khác nhau giúp Tesla có lợi nhuận để tái đầu tư vào sản phẩm của mình, đó là thứ mà Musk đã nhìn thấy từ trước khi nó xảy ra.
Vào tháng 1/2010, khoảng một năm rưỡi trước khi Solyndra (công ty sản xuất pin mặt trời) xin phá sản, Tesla đã vay được một khoản 465 triệu USD từ Bộ Năng lượng Hoa Kỳ. Nửa tỷ USD trợ cấp là điều không thể tưởng tượng được vào thời điểm bấy giờ, Tesla đã rất thành công trong khâu vận động hành lang.
Tesla đánh giá tầm quan trọng của việc cải tiến công nghệ và thuyết phục các chính trị gia, trong đó có Tổng thống Obama. Công ty giữ uy tín khi hoàn trả đầy đủ, điều đó cho thấy việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và đúng thời điểm sẽ tạo nên lợi ích khổng lồ.
Tesla đã bắt đầu khởi nghiệp ở một thị trường nhỏ mà hãng nắm ưu thế, đó là thị trường xe thể thao cao cấp.
Mặc dù Tesla Roadster sẽ không bao giờ bán chạy như Ford F-150, nhưng nó đem lại lợi nhuận không nhỏ cho hãng xe non trẻ. Gần 3.000 chiếc được bán với mức giá khởi điểm 109.000 USD.
Sau khi có tiền, Tesla tiếp tục tái đầu tư để sản xuất Model S với số lượng lớn hơn và mức giá cũng thấp hơn. Và bước đi quan trọng nhất, đó là phổ biến dòng xe điện vốn chỉ là món đồ chơi của giới nhà giàu trở thành chiếc xe cho các bà nội trợ dùng đi chợ hàng ngày với Model 3.
Musk tin rằng mẫu xe này sẽ phù hợp với khách hàng đại chúng và chiếm thị phần của những chiếc xe bán chạy nhất hiện nay như Toyota Camry, Honda Accord...
Chủ tịch của Tesla là một kỹ sư và nhân viên bán hàng hoàn hảo, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi ông đã tập hợp được một đội ngũ rất giỏi.
Thiel nói rằng Elon Musk mô tả đội của mình như một "lực lượng đặc biệt". Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với TheStreet, Gilbert Passin, Phó chủ tịch Tesla phụ trách bộ phận sản xuất nói: "Elon là một con người đầy cảm hứng, anh ấy sẽ đưa bạn đến mức giới hạn. Anh ta đưa ra những điều tưởng như không thể, và anh cũng không chấp nhận những kết quả tầm thường. Anh ấy chỉ chấp nhận những kết quả tốt nhất khi bạn đã nỗ lực hết mình".
Hầu hết công ty đánh giá thấp mạng lưới phân phối, nhưng Tesla rất nghiêm túc và quyết định sở hữu toàn bộ chuỗi phân phối. Có nhiều địa điểm, Tesla rất khó khăn để mở các cửa hàng, chẳng hạn bang New Jersey , New York và Ohio.
Thiel nói rằng chi phí trước mắt của Tesla cao hơn các hãng ôtô khác vì khác biệt về mô hình kinh doanh mà không có mạng lưới đại lý. Nhưng điều này giúp kiểm soát trải nghiệm của khách hàng, củng cố thương hiệu Tesla và tiết kiệm tiền cho công ty trong một thời gian dài. Tesla cũng đang nỗ lực để mở rộng công suất nhà máy Gigafactory, cho phép sản xuất ôtô với số lượng lớn gấp nhiều lần hiện tại.
Tesla có khởi đầu bằng cả trái tim và có tốc độ phát triển nhanh hơn bất kỳ đối thủ nào trong ngành. Xe hơi là loại hàng hoá đặc biệt vì có giá trị cao. Niềm tin của người tiêu dùng có ý nghĩa quan trọng trong quyết định mua hàng.
Tesla chiếm thế giới xe bằng một cơn bão, người dùng, phương tiện truyền thông và các nhà đầu tư đều khen ngợt về khả năng hoạt động của nó. Thậm chí General Motors phải thành lập một đội đặc nhiệm để xem Tesla đang làm gì.
Có nhiều báo cáo về tai nạn hay hoả hoạn trên xe Tesla nhưng lỗi thuộc về người điều khiển. Cục An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA) chứng nhận đây là mẫu xe an toàn với người dùng, vì vậy khách hàng tại Mỹ đặt niềm tin lớn vào các sản phẩm Tesla.
Tesla biết rằng công nghệ xanh sẽ thu hút những người giàu. Nhưng người nổi tiếng, người có địa vị trong xã hội thường muốn người khác nghĩ mình có trách nhiệm với xã hội, và việc chạy một chiếc xe "xanh" thể hiện hành động đó. Đáp ứng nhu cầu này, Tesla chế tạo những chiếc xe trông rất thời trang. Leonardo DiCaprio đã bỏ ngay chiếc Toyota Prius của mình để tậu ngay một chiếc Tesla Roadster khi xe được giới thiệu.
Model S là chiếc xe tuyệt vời và hấp dẫn đáng kinh ngạc, nó gây chú ý khi bắt gặp trên đường hay trong bãi đỗ xe. Thẩm mỹ rất quan trọng, bởi nó là yếu tố trực quan, đầu tiên tác động vào tâm lý khách hàng. Tesla đã làm rất tốt khía cạnh này. Đó là mấu chốt của sự thành công mang tên Tesla, trong khi vô số hãng xe điện chịu thất bại thảm hại trong cuộc đua này.
Tesla vẫn còn quá xa lạ với người Việt, tuy nhiên với diễn biến giá xăng dầu ngày càng đắt đỏ, nhiều người dùng sẽ nghĩ tới mẫu xe chạy điện hoàn toàn nhằm giảm chi phí. Theo tính toán, chi phí năng lượng sử dụng xe Tesla chỉ bằng khoảng 30% so với những mẫu xe chạy xăng tiết kiệm nhất trên thị trường hiện nay.
Chẳng hạn Tesla Model X có gói pin 100 kWh, chạy được 465 km. Tính giá điện trung bình tại Việt Nam là 1.400 đ/kWh, với 140.000 đồng tiền điện, Tesla Model X chạy được 465 km. Như vậy với mỗi km, chủ xe chỉ mất khoảng 300 đồng.
Trong khi một mẫu xe chạy xăng trung bình tốn 6 lít/100 km, giá xăng A95 là 18.000 lít. Trung bình xe chạy xăng tiêu tốn 108.000 đồng/100 km. Mỗi km tốn khoảng 1.000 đồng.
Tesla là mẫu xe thuần chạy điện, không có bất kỳ động cơ đốt trong nào được gắn trên xe. Vì vậy, để sử dụng Tesla, nhất định nơi bạn ở phải có nguồn điện. Cường độ dòng điện càng lớn thì tốc độ sạc càng nhanh. Có ba cấp độ sạc điện cho Tesla. Cấp 1 sử dụng điện 120 volt. Thời gian sạc đầy khối pin 100kWh trên Model X khoảng 4 ngày.
Nếu sử dụng bộ sạc cấp độ 2, sử dụng nguồn điện 240 volt, thời gian sạc đầy rút ngắn xuống khoảng từ 6 đến 30 tiếng.
Và cuối cùng là bộ sạc cấp 3, được gọi là các trạm siêu tăng áp, người dùng chỉ mất 30 phút để chiếc xe chạy được 280 km. Pin sẽ đầy 80% trong vòng 40 phút. Tuy nhiên những trạm siêu tăng áp hiện chỉ có tại Bắc Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Australia.
Nếu sử dụng Tesla tại Việt Nam, người dùng có thể sử dụng sạc cấp độ hai, bao gồm bộ sạc không dây và sạc gắn tường. Chiếc xe sẽ được sạc đầy sau một đêm, vì vậy người dùng dễ dàng sử dụng vào ngày tiếp theo. Chi phí để lắp một trạm sạc tại nhà khoảng 100 triệu đồng.
Bộ sạc tại nhà là lý tưởng bởi chủ sở hữu có thể khôi phục lại quãng đường di chuyển trong ngày chỉ sau vài giờ. Chi phí cũng thấp hơn nhiều so với sạc tại các trạm do Tesla cung cấp.
Tuy nhiên, với hạ tầng giao thông không đảm bảo như Việt Nam, việc sử dụng xe Tesla vẫn còn khá khó khăn. Nếu xe chạy động cơ đốt trong bị ngập nước có thể sửa chữa đơn giản thì xe điện lại là chuyện khác. Toàn bộ hệ thống pin và điện có thể bị hỏng nếu xe bị ngập nước. Ngoài ra, thời tiết nhiệt đới nóng ẩm như Việt Nam cũng dễ khiến các thiết bị điện hiện đại trên Tesla bị ảnh hưởng, giảm tuổi thọ.
Mặc dù vậy, với những gì Tesla đã làm được trên thế giới, các chuyên gia trong ngành nhận định, xe điện sẽ trở nên thông dụng trong khoảng một thập kỷ tới. Và có thể trong tương lai, dòng xe điện vốn lạ lẫm với đa phần người Việt sẽ xuất hiện thường xuyên hơn trên đường phố Việt Nam.