Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ xâm nhập bất thường của tàu tuần duyên Trung Quốc ở lãnh hải Nhật

Nhật Bản ngày 24/6 cho biết 2 tàu tuần duyên Trung Quốc đã đi qua vùng lãnh hải gần một chuỗi đảo tranh chấp trong hơn 64 giờ. Đây là lần xâm nhập dài nhất trong một thập kỷ qua.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản hôm 24/6 cho biết các tàu Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải của nước này ở biển Hoa Đông vào đầu ngày 21/6 và ở lại để khảo sát một tàu đánh cá Nhật Bản đang hoạt động trong khu vực này, trước khi rời khỏi vùng biển vào tối 23/6.

Lực lượng này cũng nói rằng vào một thời điểm hôm 23/6, một trong các tàu Trung Quốc đã tiến vào vùng lãnh hải 3 km từ quần đảo Senkaku (nơi Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là quần đảo Điếu Ngư), vượt quá giới hạn 19,3 km được quốc tế công nhận đối với lãnh hải của một quốc gia.

Trước tình trạng này, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã cử các tàu tuần tra đến khu vực và yêu cầu tàu Trung Quốc ngay lập tức rời khỏi lãnh hải của Nhật Bản, CNN đưa tin.

Nhat Ban anh 1

Các tàu tuần duyên Trung Quốc nhiều lần tiến vào vùng lãnh hải gần quần đảo Senkaku, do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền. Ảnh: Kyodo.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết vụ xâm nhập hôm 21/6 đánh dấu khoảng thời gian dài nhất mà các tàu Trung Quốc hiện diện ở vùng biển này kể từ năm 2012, sau khi Tokyo mua một số hòn đảo từ một chủ sở hữu tư nhân người Nhật Bản. Trước đó, lần xâm nhập dài nhất là vào tháng 10/2020, khi một tàu Trung Quốc ở lại hơn 57 giờ.

Những vụ xâm nhập tương tự từng xảy ra nhiều lần trong khu vực tranh chấp giữa hai nước. Cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố chủ quyền với các đảo không có người ở, nhưng Nhật Bản đã quản lý chúng từ năm 1972. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền với quần đảo này.

Vụ xâm nhập xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước láng giềng ngày càng gia tăng, đặc biệt là khi Trung Quốc “thận trọng” nhìn nhận mối quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ.

Tháng trước, Tokyo đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh của nhóm Bộ Tứ, bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ. Bắc Kinh coi nhóm này là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Ý đồ của Trung Quốc qua các lần tiến vào EEZ Nhật Bản

Giới chuyên gia cho rằng những lần tàu Trung Quốc tiến vào EEZ của Nhật Bản là cách Bắc Kinh thử phản ứng của Tokyo, nhưng điều này cũng có thể phản tác dụng với Trung Quốc.

Nga, Trung Quốc tập trận chung trên Biển Nhật Bản trong lúc Bộ Tứ họp

Bộ Quốc phòng Nga và Trung Quốc xác nhận không quân hai nước đã tập trận chung ngày 24/5 trên biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông, giữa lúc lãnh đạo 4 nước Bộ Tứ họp tại Tokyo.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm