Thế giới đang xôn xao trước thông tin hơn 11,5 triệu tài liệu tài chính bị rò rỉ của hãng luật Mossack Fonseca tại Panama. Mossack Fonseca lập hàng trăm nghìn công ty bình phong cho hàng loạt chính trị gia, doanh nhân, ngôi sao thể thao và giải trí... che giấu tài sản ở nước ngoài.
Trong số những cái tên liên quan đến vụ Tài liệu Panama, nhiều ngôi sao bóng đá bất ngờ xuất hiện trong tập hồ sơ mật. Đình đám nhất phải kể đến Lionel Messi (Barcelona), tiền đạo Leonardo Ulloa (Leicester), cựu chân sút Iván Zamorano, hậu vệ Gabriel Iván Heinze...
Ngoài ra, những sai phạm liên quan đến thuế má của đội bóng Real Sociedad đang thi đấu ở La Liga (Tây Ban Nha) cũng bị vạch trần.
Tân chủ tịch FIFA Gianni Infantino cũng nằm trong những cái tên có hoạt động sai trái của Tài liệu Panama. Ảnh: AFP. |
Và mới đây, truyền thông thế giới đưa tin tân chủ tịch Gianni Infantino của FIFA cũng có tên trong Tài liệu Panama. Các tài liệu cho thấy ông Infantino có móc nối làm ăn với cha con Hugo và Mariano Jinkis, những kẻ bị tình nghi hối lộ để mua bản quyền truyền hình các giải UEFA Champions League, cúp UEFA và siêu châu Âu hơn 10 năm trước.
Thời điểm đó, tân Chủ tịch Infantino giữ chức Trưởng bộ phận pháp lý của Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA). Chính ông phê duyệt cho nhà Jinkis mua bản quyền truyền hình cúp châu Âu.
Theo báo Guardian, bản quyền giải Champions League, cúp UEFA và Siêu cúp châu Âu do công ty Cross Trading của Argentina mua lại và sau đó bán cho đài truyền hình Teleamazonas (Ecuador) cao gấp ba hay bốn lần giá gốc.
Được biết, bản hợp đồng của các bên ký kết được công bố trong giai đoạn từ năm 2003 tới 2006 và từ 2006 tới 2009. Về phần Cross Trading, đây là chi nhánh của công ty Full Play, thuộc quyền sở hữu của Hugo Jinkis.
Năm ngoái, ông Jinkis bị các công tố viên của Mỹ cáo buộc đã hối lộ hàng triệu USD cho các nhà điều hành bóng đá để có quyền nắm giữ bản quyền truyền thông và tiếp thị. Hiện tại, Hugo và Mariano Jinkis đang bị giám sát ở nhà riêng tại Argentina.
Theo Tài liệu Panama, nhà Jinkis bắt đầu liên quan đến những bản hợp đồng ký kết với UEFA hơn một thập niên trước. Công ty Croos Trading ký một thỏa thuận với UEFA liên quan đến bản quyền phát sóng các giải đấu và cũng trở thành đối tác tiếp thị của cơ quan này.
Khi đó, công ty Cross Trading mua độc quyền bản quyền phát sóng giải Champions League với giá 111.000 USD từ mùa 2006-07 đến 2008-09. Thậm chí, UEFA còn chúc mừng Cross Trading vì gia nhập các đối tác phát sóng giải đấu.
Sau này, Cross Trading bán lại bản quyền phát sóng Champions League cho kênh Teleamazonas với giá 311.170 USD. Phản ứng trước những chi tiết có trong Tài liệu Panama, tân Chủ tịch Infantino phủ nhận mọi hành động sai trái.
Ông nói với AFP: "Tôi mất hết tinh thần và không chấp nhận những nghi ngờ nào về tính minh bạch của mình, đặc biệt về các vấn đề liên quan đến UEFA và các bản hợp đồng. Trong quá khứ, tôi chưa bao giờ có thỏa thuận riêng với Cross Trading cũng như các ông chủ đứng đằng sau công ty này".
Theo AFP, việc Cross Trading bán lại bản quyền phát sóng Champions League cho bên thứ ba cao hơn giá gốc gấp ba lần dấy lên câu hỏi lớn. Đó là tại sao UEFA lại bán bản quyền các giải đấu với giá rẻ bèo để rồi bên mua thu lời bằng cách nhượng cho đại diện thứ ba với giá cao gấp ba? Điều này cũng khiến vị tân chủ tịch FIFA bị nghi ngờ.
Tân chủ tịch
Infantino phủ nhận mọi cáo buộc trong Tài liệu Panama. Ảnh: AFP. |
Thực hư chưa biết ra sao vì mọi thứ mới nằm trong vòng nghi vấn. Nhưng nếu ông Infantino có dính líu tới vụ hối lộ của nhà Jinkis, đó sẽ tiếp tục là cú sốc lớn với FIFA.
Đầu năm nay, ông Infantino mới chính thức được bầu chọn làm tân chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), thay cho Sepp Blatter. Còn nhớ sau khi lên nắm quyền, ông Infantino cam kết sẽ nỗ lực làm trong sạch hình ảnh FIFA sau những nhiều bê bối tham nhũng gây chấn đọng.
Nhưng cùng với thông tin xuất hiện trong Tài liệu Panama, uy tín người đàn ông mang hai quốc tịch Thụy Sĩ-Italy đang bắt đầu lung lay, dù trắng đen vẫn chưa được xác định.
“Tài liệu Panama” là khối dữ liệu 11,5 triệu trang của công ty Mossack Fonseca, bị rò rỉ ra bên ngoài cho thấy hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của các cá nhân, tổ chức nhiều quốc gia từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015.
Tài liệu cho thấy công ty Mossack Fonseca đã lập mạng lưới khổng lồ để hỗ trợ hàng loạt chính trị gia và doanh nhân các nước che giấu tài sản và có thể đã rửa hàng tỷ USD tiền mặt.
Những cái tên nổi bật trong danh sách bị cáo buộc có liên quan đến gia đình và cộng sự của cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, Tổng thống Syria Bashar al-Assad...
Công ty luật Mossack Fonseca đặt trụ sở ở Panama nhưng hoạt động trên toàn thế giới. Website của Mossack Fonseca cho biết công ty có hệ thống 600 nhân viên làm việc tại 42 quốc gia, bao gồm nhiều "thiên đường trốn thuế" như Thụy Sĩ, Cyprus, quần đảo British Virgin…