Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Messi không cô độc trong vụ Tài liệu Panama

Không chỉ có những cầu thủ và nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới chính trị, FIFA được tin rằng cũng liên quan đến những cáo buộc sai phạm thuế má trong vụ Tài liệu Panama.

Tai lieu Panama anh 1
Messi bị tình nghi trốn thuế. 

Thế giới đang xôn xao trước thông tin hơn 11,5 triệu tài liệu tài chính bị rò rỉ của hãng luật Mossack Fonseca cho thấy quy mô hoạt động trốn thuế và rửa tiền mà nhiều công ty ma đặt ở nước ngoài thực hiện. Bằng thủ đoạn tinh vi, nhiều nhân vật nổi tiếng bị cáo buộc thành lập công ty ma núp dưới hình dạng của một doanh nghiệp hợp pháp nhưng không có hoạt động gì ngoài quản lý tiền, và che đậy thân phận của người sở hữu.

Trong số những cái tên liên quan đến vụ "Panama Papers" (Tài liệu Panama), nhiều ngôi sao bóng đá bất ngờ xuất hiện trong tập hồ sơ mật. Đình đám nhất phải kể đến Lionel Messi (Barcelona), tiền đạo Leonardo Ulloa (Leicester), cựu chân sút Iván Zamorano, hậu vệ Gabriel Iván Heinze... Ngoài ra, những sai phạm liên quan đến thuế má của đội bóng Real Sociedad đang thi đấu ở La Liga (Tây Ban Nha) cũng bị vạch trần.

Messi và hàng loạt sao bóng đá dính bê bối Tài liệu Panama

Lionel Messi, Michel Platini, Gabriel Heinze... bị "bêu tên" trong vụ Tài liệu Panama rò rỉ mới đây. "Rúng động" là 2 từ xuất hiện nhiều nhất trên các mặt báo thể thao thế giới.

Cho tới nay, chưa có cầu thủ nào thừa nhận cáo buộc ghi trong Tài liệu Panama. Hiện tại, vẫn còn quá sớm để kết luận mọi thứ khi các công tố viên mỗi nước vẫn đang tiến hành điều tra. Về lý thuyết, việc thành lập một công ty bình phong ở một "thiên đường thuế" không hẳn là hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội  chỉ xảy ra nếu công ty bình phong đó được sử dụng để rửa tiền hoặc trốn thuế, Marca phân tích.

Không chỉ có các cầu thủ, ngay cả các quan chức FIFA cũng nằm trong danh sách đen của Tài liệu Panama. Theo đó, một công ty luật của thành viên thuộc Ủy ban đạo đức FIFA đã móc nối với ba nhân vật đang bị điều tra tham nhũng. Cụ thể, ba người này tiến hành hợp tác với ông Juan Pedro Damiani, thành viên thuộc Ủy ban Đạo đức độc lập của FIFA, nhằm thực hiện các hành vi mờ ám.

Được biết, hãng luật của ông Damiani đóng vai trò trung gian cho công ty có trụ sở đặt tại Nevada (Mỹ), vốn có móc nối với hai cha con Hugo và Mariano Jinkis đang bị cáo buộc hối lộ 10 triệu USD để giành quyền phát sóng những sự kiện bóng đá của FIFA ở Mỹ La-tinh, bao gồm Copa America và nhiều giải đấu lớn khác.

Tài liệu Panama nằm trong chiến dịch điều tra được thực hiện trong suốt một năm dài với sự hợp tác của nhóm Liên minh các Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) bao gồm tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung và hơn 100 tổ chức báo chí khác nhau trên thế giới. Tài liệu được tiết lộ do đội ngũ hơn 370 nhà báo từ 76 quốc gia xem xét. 

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Damiani và công ty luật của mình tuyên bố không làm điều gì bất hợp pháp, tuy nhiên, cũng nó dấy lên những hoài nghi về mối quan hệ giữa người đàn ông này và các quan chức nằm trong Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) trong thời kỳ đen tối khi hàng loạt vụ bê bối tham nhũng bị phanh phui.

Được biết, chi tiết trong Tài liệu Panama cho thấy Damiani và công ty luật của mình đã làm việc với bảy công ty ma có liên quan với ông Eugenio Figueredo, cựu Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ (Conmebol) và cũng là cựu Phó chủ tịch FIFA. Ông Figueredo đang bị các nhà chức trách Mỹ truy tố vì tham nhũng và rửa tiền.

Tai lieu Panama anh 2

Logo của công ty Luật Mossack Fonseca . Ảnh: Guardian

Ban đầu, ông Damiani phủ nhận mọi cáo buộc và thậm chí cả mối quan hệ làm ăn với ông Figueredo. Nhưng hôm 18/3 vừa qua, người đại diện của Ủy ban đạo đức FIFA xác nhận ông Damiano chính xác có mối quan hệ với ông Figueredo. Cựu Phó chủ tịch của Conmebol, ông Figueredo đã bị bắt tại Zurich (Thụy Sĩ) vào tháng 5 vừa qua trong cuộc điều tra do Mỹ dẫn đầu với hai tội danh tham nhũng và rửa tiền. Lúc này, FIFA đang mở cuộc điều tra về nghi vấn giữa ông Damiani và Figueredo xuất hiện cái bắt tay làm ăn.

Mối liên hệ giữa Cơ quan giám sát đạo đức FIFA và số vụ bê bối của tổ chức này là một trong những tiết lộ mới về góc khuất đằng sau ánh hào nhoáng của bộ mặt bóng đá xuất hiện trong Tài liệu Panama. Ngoài ra, nhiều tình tiết có trong Tài liệu Panama chỉ ra người hâm mộ đã bị đánh lừa bởi cái thường được gọi là "trận đấu đẹp" nhưng thực chất chỉ là bức bình phong che đậy cho các tập đoàn thực hiện hành vi sai trái về thuế má và rửa tiền.

Có ít nhất 20 CLB lớn, bao gồm Inter Milan và Boca Juniors, tiến hành mở những công ty ma ở nước ngoài để gian lận tiền thuế. Ngoài ra, nhiều cầu thủ cũng như các cựu vận động viên thể thao khác cũng có cách thức hoạt động tương tự. Ngay cả golf thủ nổi tiếng Nick Faldo được tin rằng đã mở công ty ma từ năm 2006 tới 2008 ở quần đảo Virgin thuộc Anh. Chưa hết, cựu chủ tịch UEFA, ông Michel Platini và Jerome Valcke, cựu Tổng thư ký FIFA, cũng từng bị cáo buộc dùng công ty ma để gian lận thuế.

"Những năm qua, chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều công ty tài chính nước ngoài xâm nhập vào thể thao. Điều này thật sự là một bất lợi cho các trận đấu," George Turner, nhân viên thuộc mạng lưới Tư pháp thuế vận động cho hành trình tìm kiếm công bằng thuế má đặt trụ sở tại London (Anh), cho biết. 

Dù các nhà chức trách vẫn đang điều tra về tính chính xác trong tập tài liệu "Panama Papers", thế nhưng sự thật dường như đã sớm được phơi bày sau khi nhiều quan chức cấp cao của FIFA bị bắt giữ hồi năm ngoái liên quan đến nghi án hối lộ và tham nhũng. Rồi đây, nhiều sự thật nữa sẽ bị vạch trần và chỉ có Chúa mới biết kịch bản nào chờ đợi làng túc cầu.

Công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama là tâm điểm của những tài liệu mật vừa rò rỉ. Hơn 11,5 triệu tài liệu tài chính của công ty này vừa lộ cho thấy quy mô của các hoạt động trốn thuế cũng như rửa tiền mà những công ty ma trên khắp thế giới thực hiện.

Những công ty ma này núp dưới hình dạng của một doanh nghiệp hợp pháp nhưng không có hoạt động gì ngoài quản lý tiền nhưng che đậy thân phận của người sở hữu. Tuy nhiên, trụ sở của những công ty ma thường đặt ở những nơi nhà chức trách khó tìm ra chủ sở hữu trong trường hợp họ muốn.

Các khách hàng cũng cần một trung tâm tài chính nước ngoài, cái thường được gọi là Thiên đường thuế. Nó thường là các quốc đảo nhỏ, với rất nhiều ngân hàng bí mật cùng mức thuế thấp hoặc không tồn tại trên giấy tờ giao dịch. Những cái tên điển hình là quần đảo Bristish Virgin, Bahamas, Panama…. Nó giúp rửa các khoản tiền phi pháp từ tham nhũng, trốn thuế, buôn bán ma túy….

Các hoạt động rửa tiền thực chất là hợp thức hóa những khoản tiền phi pháp. Nó giúp việc sử dụng chúng không bị giám sát, khiến bại lộ các hành vi phi pháp. Khi tham nhũng, một chính trị gia cần rửa số tiền bẩn để không bị lộ. Nó sẽ được chuyển tới một công ty con của trung tâm tài chính nước ngoài. Số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản không ghi tên thuộc sở hữu của công ty ma mà không ai có thể truy tìm nguồn gốc. Từ tài khoản này, số tiền có thể được dùng hợp pháp trên khắp thế giới.



Nguyên Trí

Ảnh: Getty Images.

Bạn có thể quan tâm