Một ngày sau khi phiến quân Houthi tuyên bố đã sát hại cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullha Saleh, trên các kênh truyền thông và mạng xã hội tràn ngập hình ảnh xác chết loang lổ máu của người đàn ông từng nắm quyền lực tuyệt đối tại Yemen trong suốt hơn 30 năm.
Trong đoạn băng công bố cái chết của Saleh có thể nghe thấy tiếng hô từ những tay súng Houthi: “Trả thù cho Hussein”. Ở đây đang nói đến Hussein Baddreddin Al Houthi, kẻ sáng lập nên lực lượng Hồi giáo dòng Shiite này và cũng là kẻ đã bỏ mạng dưới tay Saleh hơn 10 năm về trước.
Cái chết của Saleh, do đó, đã khép lại vòng tuần hoàn quan hệ liên minh lợi ích không dễ dàng giữa Saleh-Houthi, đưa nó trở lại điểm xuất phát của hai bên đối địch.
Cựu Tổng thống Saleh đột ngột tuyên bố cắt đứt quan hệ đồng minh 3 năm với phiến quân Houthi hồi tuần trước. Ảnh: AP. |
Năm 2014, sau khi bị dồn đến đường phải từ bỏ quyền lực, cái bắt tay với Houthi đã giúp Saleh trở lại trung tâm của bàn cờ chính trị Yemen. Ba năm sau đó, chính nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Shiite này lại trở thành nước "chiếu tướng" kết thúc người đàn ông này.
Những ngày dậy sóng ở thủ đô
Diễn biến tại Yemen trở nên dồn dập từ tuần trước. Ban đầu là một cuộc xung đột tại khu đền thờ chính Saleh ở thủ đô Sanaa, nơi quân của Saleh và Houthi đang chia nhau quyền kiểm soát.
Liên minh Saleh-Houthi chiếm Sanaa vào năm 2014 sau khi đánh đuổi Tổng thống Yemen được cộng đồng quốc tế công nhận Mansour Hadi phải chạy sang Saudi Arabia. Houthi đóng đô ở khu phía Bắc thành phố trong khi lực lượng của Saleh trấn giữ khu phía Nam.
Giao tranh sau đó tiếp tục lan rộng. Sang đến ngày 2/9, cựu Tổng thống Saleh bất ngờ tuyên bố cắt đứt quan hệ đồng minh với Houthi. Trong phát biểu phát sóng trên truyền hình, ông nhấn mạnh: “Người dân Yemen đã phải nhẫn nhịn những hành động liều lĩnh của Houthi trong suốt 2 năm rưỡi qua và điều này không thể tiếp tục nữa”.
Bên cạnh đó, ông này cũng tuyên bố đã sẵn sàng "sang trang lịch sử" với Saudi Arabia nếu nước này chấm dứt các phong tỏa tại Yemen.
Một tay súng Houthi đứng giữa đống đổ nát ở thủ đô Sanaa. Ảnh:AFP. |
Saleh ngay sau đó ra lệnh cho lực lượng trung thành với mình ở thủ đô ngừng nhận lệnh từ Houthi cũng như quân đóng tại thành phố miền Nam Aden lơi dụng tình hình hỗn loạn để tiến về phía Bắc và đánh vào các cứ điểm của Houthi tại đây.
Trong một phản ứng vô cùng phối hợp, từ Saudi Arabia, Tổng thống Hadi ra lệnh cho quân đội của mình tiến vào Sanaa, đồng thời tuyên bố sẽ miễn tội cho những đối tượng từng hợp tác với chế độ Houthi chấp nhận "quay đầu". Máy bay của liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu cũng không kích dồn dập vào các vị trí của Houthi.
Houthi ngay lập tức điều quân cứu viện từ các cứ điểm miền Bắc Yemen tới phía Nam Sanaa. Các cuộc giao tranh tập trung vào khu vực trung tâm, nơi đặt nhiều trụ sở chính phủ và đại sứ quán. Houthi bao vây và sát hại nhiều thành viên thân cận của Saleh và nhắm thẳng tới nhà riêng của gia đình cựu Tổng thống tại Sanaa.
Một tờ báo ủng hộ Houthi đã gọi Saleh là "kẻ phản bội" đồng thời cảnh báo: "Ông ta đã bị vạch mặt và giờ ông ta đang sống những giờ cuối cùng của mình".
Cuộc đối đầu cuối cùng
Theo CNN, Saleh quyết định chạy khỏi Sanaa sau khi nhà riêng ở thủ đô bị Houthi bao vây trong suốt hơn 48 giờ. Đích đến của cuộc tháo chạy là thị trấn quê nhà Sanhan, nơi nằm dưới quyền kiểm soát của những lực lượng trung thành.
20 xe vũ trang chở đầy những tay súng Houthi đã đeo bám Saleh trong cuộc đào thoát. AFP cho biết mọi chuyện kết thúc sau khi Houthi bắn tên lửa RPG chặn xe của Saleh tại một chốt kiểm soát phía Nam Sanaa sau đó trực tiếp bắn chết Saleh. Đảng của ông Saleh xác nhận cựu Tổng thống đã bị giết trong xe.
Phiến quân Houthi ăn mừng trên đường phố thủ đô sau cái chết của Saleh. Ảnh: Reuters. |
Cái chết của Ali Abdullah Saleh là cú sốc đối với Yemen cũng như toàn bộ giới quan sát đang dán chặt mắt theo dõi những diễn biến dồn dập, điên rồ và rối rắm của quốc gia nghèo nhất Trung Đông này.
Không mấy ai nghĩ rằng Saleh sẽ chết, nhất là lại chóng vánh như vậy. Là kẻ từng lèo lái nền chính trị phức tạp của Yemen trong suốt hơn 3 thập kỷ, Ali Abdullah Saleh chính là chính trị gia thừa mánh khóe và lọc lõi, kẻ đã sống sót qua nội chiến, nổi loạn ở miền Bắc, binh biến của Al-Qaeda ở miền Nam và cả vụ đánh bom năm 2011 làm chết toàn bộ những người đứng gần ông khi nổ bom.
Ngay cả khi bị buộc phải từ bỏ quyền lực vào năm 2012, “cáo già” Yemen thậm chí vẫn có thể tự đưa mình trở lại vị trí trung tâm của bàn cờ chính trị bằng cách bắt tay với kẻ thù không đội trời chung Houthi để chĩa họng súng vào đồng minh một thời Saudi Arabia.
Ba năm sau, Saleh lần nữa dùng tới chiêu bài “đổi thù thành bạn” nhưng chiến thuật từng một thời đắc lực lần này lại trở thành sai lầm chí mạng.
“Ngay từ đầu, liên minh Houthi-Saleh đã là một liên minh không thoải mái, ràng buộc với nhau bằng mục đích chống những kẻ thù chung song chia rẽ sâu sắc do khác biệt chính trị và tư tưởng,” April Longley Alley, một chuyên gia nghiên cứu Bán đảo Arab của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, trả lời AFP.
Bước ngoặt mịt mờ
Nhiều ý kiến cho rằng Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) chính là đạo diễn đốc thúc kịch bản trở mặt của Saleh suốt nhiều tháng trời, một nỗ lực nhằm phá thế giằng co bế tắc tại Yemen và giành lợi thế trước Iran – nước đang ủng hộ và hỗ trợ Houthi.
“Saudi Arabia chắc chắn đã tận dụng những bất bình của Saleh đối với mối quan hệ đồng minh đang ngày một trở nên khó thở. Riyadh có thể đã cho Saleh một số hứa hẹn chính trị để dẫn đến tuyên bố hôm 2/12,” Laurent Bonnefoy, một chuyên gia về Yemen tại Trung tâm nghiên cứu SciencesPo trụ sở tại Paris, nhận định.
Chìm trong bạo lực và khủng hoảng nhân đạo, Yemen đang đứng trước một tương lai bất định. Ảnh: Reuters. |
Nếu thành công, cuộc đào thoát của Saleh đã có thể mở ra cơ hội để ổn định tình hình Yemen mà không cần phải huy động một trận đánh vào Sanaa. Tuy nhiên, cái chết của Saleh vào đúng thời điểm then chốt đã dập tắt hy vọng về một giải pháp ít đổ máu và tiếp tục đẩy quốc gia nghèo đói bậc nhất Trung Đông tới một bờ vực bấp bênh mới.
“Yemen đang trở thành một chiến trường hoàn toàn mới ngay dưới mắt chúng ta và không ai có thể dự đoán bất cứ điều gì vào lúc này. Những diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: quan điểm của các bộ lạc Yemen quanh khu vực thủ đô, khả năng tái tổ chức của phe Saleh khi không còn người dẫn đầu, và những tính toán và hành động sắp tới của liên minh Saudi Arabia”, theo chuyên gia Alley.
“Cái chết của Saleh không nghi ngờ gì là một bước ngoặt đối với Yemen, nhưng sau ngã rẽ là cảnh tượng gì thì hiện không thể nói trước được”.
Bỏ mạng ở tuổi 75, Ali Abdullah Saleh là người đàn ông đã định hình lịch sử hậu độc lập của Yemen, kẻ lãnh đạo từng được gọi là "bạo chúa", chiến lược gia "cáo già" đã sống sót qua gần 40 năm sóng gió chính trường Yemen. Thứ di sản ông ta để lại cho đất nước mình cuối cùng là một mớ bòng bong bạo lực và máu đổ cùng một tương lai không ai biết sẽ được viết tiếp như thế nào.