Thông tin cựu tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh bị giết chết tại thủ đô Sanaa đã dập tắt hy vọng hòa giải cho Yemen và kết thúc cuộc xung đột lâu năm tại đất nước này. Bảy năm sau Mùa xuân Arab, phong trào đòi dân chủ, phản đối các chính phủ độc tài, tham nhũng ở Trung Đông và Bắc Phi, Yemen vẫn chìm sâu trong bất ổn và đất nước trở thành một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Bảy năm sau Mùa xuân Arab, trong số những nhà lãnh đạo độc tài mà phong trào nhắm đến, chỉ 1 người còn nắm quyền, ở đất nước tan nát vì cuộc nội chiến không hồi kết. Một người đã lưu vong, một người bị quản thúc, 2 người hứng chịu cái chết đau đớn, trong đó có cựu tổng thống Yemen.
Bức ảnh chụp trước cuộc họp của Hội đồng Hợp tác Arab tại Ai Cập năm 1989, (từ trái qua) với Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh, Tổng thống Iraq Saddam Hussein, Vua Hussein của Jordan và Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak. Ảnh: AFP. |
Dù vậy, bất kể số phận của người lãnh đạo ra sao, người dân ở Ai Cập, Libya, Syria, Tunisia và Yemen, những tâm điểm của phong trào nổi dậy bắt đầu vào năm 2011, đều không nhìn thấy "quả ngọt" của mùa xuân. Trừ Tunisia, 4 nước còn lại chìm trong bất ổn và bạo lực triền miên.
Ai Cập: Nhà độc tài trong lồng sắt
Hosni Mubarak bị lật đổ vào tháng 2/2011, ở tuổi 83 và sau 30 năm nắm quyền tại Ai Cập. Ông bị bỏ tù và bị truy tố với hàng loạt cáo buộc, trong đó có âm mưu ra lệnh giết người biểu tình và tham nhũng.
Hình ảnh kết thúc 30 năm quyền lực của Mubarak là cảnh ông nằm trong lồng sắt hầu tòa, nó chỉ dấu cho làn sóng thay đổi lớn sẽ đến sau đó. Nhưng đó không phải là thay đổi mà người dân Ai Cập và phương Tây đã trông đợi.
Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak ngồi ở lồng sắt trong phiên tòa xử ông ở thủ đô Cairo vào năm 2015. Ảnh: AFP. |
Mohammed Morsi, vị tổng thống Hồi giáo được bầu lên một cách dân chủ sau đó, cũng gây chia rẽ sâu sắc và bị cáo buộc chỉ chăm chăm gây dựng quyền lực chính trị thay vì giải quyết các vấn đề kinh tế và xã hội khi đó. Dịp kỷ niệm 1 năm nắm quyền của ông Morsi được đánh dấu bằng những cuộc biểu tình yêu cầu ông từ chức.
Ba ngày sau đó, quân đội lật đổ Morsi, truy tố ông tội đàn áp phe đối lập, làm lộ bí mật quốc gia và cấm hoạt động đảng Anh em Hồi giáo của cựu tổng thống. Chính quyền mới cũng âm thầm để ông Mubarak ra khỏi tù nhưng đang quản thúc ông.
Hình ảnh về sau của Morsi cũng là chiếc lồng sắt trong phiên tòa xét xử.
Libya: Cái kết buồn của "vị vua" Bắc Phi
New York Times miêu tả Muammar el-Qaddafi như nhà lãnh đạo cứng rắn của Libya, người tự nhận mình là vua của châu Phi, người đã khoác chiếc áo choàng Bedouin và cai trị Libya trong hơn 40 năm.
Ông bị lật đổ tháng 8/2011 trong cuộc nổi dậy được máy bay chiến đấu của NATO hậu thuẫn. Hai tháng sau, ông bị sát hại bởi một nhóm phiến quân đã truy đuổi và lôi ông ra khỏi quê nhà ông ở Surt. Thi thể ông bị trưng ra ở một lò mổ thịt ở thành phố Misurata.
Cựu thủ tướng Libya Muammar el-Qaddafi. Ảnh: AFP. |
Kể từ đó, Libya chìm trong tình trạng gần như phi chính phủ, đất nước này trở thành mảnh đất màu mỡ cho những kẻ buôn người tìm cách trục lợi từ dòng người di cư và tị nạn tìm đường vào châu Âu.
Tunisia: Nắm quyền trong xa hoa, lưu vong trong bình yên
Mùa xuân Arab được châm ngòi bằng ngọn lửa tự thiêu của một người bán trái cây trên đường phố Tunisia để phản đối sự bắt bớ và hạ nhục của chính phủ. Nhà lãnh đạo Zine el-Abidine Ben Ali cũng trở thành người đầu tiên bị lật đổ trong phong trào này.
Trước khi bị lật đổ, cựu tổng thống Ben Ali đã sống cuộc đời mà các nhà chỉ trích gọi là "sự giàu có trong sa đọa", hoàn toàn tương phản với cảnh sống của những người Tunisia bình thường như người bán trái cây Mohamed Bouazizi.
Tunisia là nơi duy nhất không chìm vào bất ổn triền miên sau Mùa xuân Arab. Ảnh: AFP. |
Sau khi Mùa xuân Arab nổ ra, Ben Ali cùng gia đình chạy trốn đến Saudi Arabia. Chính phủ Saudi cho phép gia đình ông sống một cuộc đời bình lặng tại đây và từ chối các yêu cầu dẫn độ từ phía Tusinia.
New York Times nhận định quá trình chuyển giao quyền lực ở Tusinia đã diễn ra ôn hòa nhất so với các nước khác, đây cũng là nơi hiếm hoi nhìn thấy một nền dân chủ đa nguyên có vẻ đang thành hình sau Mùa xuân Arab.
Yemen: Nghèo đói, nội chiến
Cựu tổng thống Ali Abdullah Saleh của Yemen từng được xem là một trong những nhà chuyên chính xảo quyệt nhất trong thế giới Arab. Ông từ chức đầu năm 2012 sau 3 thập niên lãnh đạo Yemen, nước nghèo nhất Trung Đông.
Sau đó, ông liên kết với lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen, vốn được Iran hậu thuẫn, để chiến đấu với liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu.
Ngày 4/12, ông thiệt mạng trong vụ nổ ở một con hẻm tại thủ đô Sanaa sau khi tuyên bố "đường ai nấy đi" với phe Houthi và muốn "bước sang trang mới" trong mối quan hệ với liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu. Liên minh của Saudi đã hoan nghênh động thái này và hỗ trợ về không lực cho ông Saleh trong các vụ đụng độ xảy ra sau đó.
Người tị nạn từ Yemen chạy trốn khỏi các vùng chiến sự. Ảnh: AFP. |
Theo BBC, hơn 8.600 người đã thiệt mạng và 49.000 người đã bị thương trong cuộc nội chiến tại Yemen. Ngoài ra, các cuộc xung đột và lệnh phong tỏa do liên minh do Saudi dẫn đầu đã khiến 20 triệu người rơi vào tình trạng cần sự trợ giúp nhân đạo. Yemen trở thành thảm họa lương thực nghiêm trọng nhất thế giới.
Syria: Trăm mối tơ vò
Các nhà lãnh đạo phương Tây từng mong Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ trở thành "nhà độc tài tiếp theo sụp đổ". Nhưng ông Assad đến nay vẫn nắm quyền và Syria trở thành bãi chiến trường với hàng trăm ngàn dân thường thiệt mạng, nơi các nhóm nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn chiến đấu với lực lượng chính phủ Syria được Nga ủng hộ, 1 trong 2 nơi khởi sinh ra tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Thành phố Aleppo tan hoang sau những cuộc giao tranh của lực lượng chính phủ Syria với các nhóm nổi dậy. Ảnh: AFP. |
Cuộc xung đột tại Syria đã tạo ra cuộc di cư của hàng triệu người đến châu Âu để trốn khỏi vùng chiến sự trong khi những thành phố cổ một thời sầm uất trở thành đống đổ nát.