Theo Was History Online năm 1986, các phần tử khủng bố được cho là có liên quan đến Libya đánh bom một rạp chiếu phim ở Berlin, Đức kiến 2 binh sĩ Mỹ và một phụ nữ thiệt mạng, 229 người thương vong, trong đó có 50 nhân viên quân sự Mỹ.
Tổng thống Ronald Reagan rất tức giận với vụ việc, với sự ủng hộ của Quốc hội, ông phát động chiến dịch tấn công trả đũa nhắm vào Libya. Chiến dịch El Dorado Canyon bắt đầu vào ngày 15/4/1986, mục tiêu là Thủ đô Tripoli của Libya.
Bối cảnh
Năm 1978, Muammar Gaddafi lên nắm quyền ở Libya, ông thực hiện một loạt các chính sách chống Mỹ, Anh và Israel. Gaddafi được cho là đã tài trợ cho các tổ chức ly khai như Nhóm ly khai Hồi giáo ở Philippines, quân đội Cộng hòa Ireland, tổ chức Báo đen ở Mỹ, du kích Palastine và các nhóm vũ trang khác.
Ông cũng xúc tiến các chương trình để Libya trở thành quốc gia đầu tiên có điện hạt nhân của khu vực Arab. Gaddafi hy vọng sẽ thiết lập một liên đoàn các quốc gia Arab và Hồi giáo do Libya làm chủ tịch. Nhà lãnh đạo tìm cách cải thiện mối quan hệ với Liên Xô để tìm kiếm đồng minh và chỗ dựa.
Mỹ phản ứng bằng cách đưa Libya vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố vào năm 1979. Trước đó, Libya ít phiền toái và không phải là mối đe dọa với Mỹ cho đến tháng 12/1985.
Tổng thống Ronald Reagan (ngoài cùng bên phải) thảo luận với các thành viên Quốc hội về chiến dịch ném bom Libya. Ảnh: Wikipedia |
Ngày 27/12/1985, 4 người Arab gây ra vụ xả súng tại sân bay Leonardo da Vinci-Fiumicino, ngoại ô Rome, Italy. Vụ việc khiến 16 người thiệt mạng (trong đó có 5 công dân Mỹ) và khiến 99 người khác bị thương (trong đó có một nhà ngoại giao Mỹ).
Cùng thời điểm trên, 3 người đàn ông lạ mặt tấn công sân bay quốc tế Vienna, Áo khiến 3 người tử vong và 39 người bị thương. Tổ chức Adu Nidal nhận trách nhiệm gây ra 2 vụ tấn công trên để trả thù. Mỹ cáo buộc Libya tài trợ cho những kẻ khủng bố nhưng Tripoli bác bỏ và ca ngợi hành động của những kẻ tấn công.
Mọi thứ trở nên phức tạp khi chính quyền Gaddafi áp đặt một vùng ranh giới 62 hải lý từ đường bờ biển nước này và gọi là “ranh giới chết” ở vịnh Sidra. Để chứng minh tuyên bố, Libya triển khai khẩu đội tên lửa phòng không tầm xa SA-5 và radar dọc bờ biển.
Mỹ phản ứng bằng cách điều động hạm đội tàu chiến đến thách thức “ranh giới chết” của Libya. Ngày 23/3/1986, 3 tàu chiến cùng một số máy bay chiến đấu của Mỹ vượt qua đường ranh giới. Sự kiện dẫn đến xung đột vịnh Sidra.
Đến ngày 5/4/1986, các phần tử khủng bố đánh bom rạp chiếu phim Roxy-Palast ở Berlin, địa điểm ưu thích của lính Mỹ đồn trú tại Tây Đức. Tình báo Mỹ chặn được các tin nhắn phát đi từ đại sứ quán Libya ở Đông Đức chúc mừng những người gây ra vụ đánh bom. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan quyết định thực hiện chiến dịch tấn công trả đũa nhắm vào Libya.
Sự nhầm lẫn tai hại
Pháp, Italy và Tây Ban Nha từ chối cho phép máy bay chiến đấu Mỹ bay qua không phận của họ. Mỹ buộc phải sử dụng căn cứ ở Anh để tiến hành các chiến dịch. Nòng cốt chính trong nhiệm vụ tấn công Libya là các máy bay ném bom F-111.
Các máy bay F-111 đã ném bom xuống đảo không người vì nghĩ rằng đó là tàu ngầm Libya. Ảnh: Không quân Mỹ |
Để tấn công Libya từ Anh, các máy bay F-111 phải vượt qua quãng đường 2.092 km. Ngày 15/4/1986, 18 máy bay ném bom F-111 cùng 4 máy bay tác chiến điện tử EF-111 rời nước Anh, mục tiêu của họ là Thủ đô Tripoli, Libya.
Khi bay qua khu tự trị Sicily của Italy nằm giữa Địa Trung Hải. Nhóm tác chiến phát hiện một đối tượng khả nghi trên mặt nước. Đối tượng có hình tròn, màu đen rất giống tàu ngầm. Nhóm tấn công nghĩ rằng họ đã phát hiện ra tàu ngầm của Libya. Chính quyền Gaddafi có quan hệ mật thiết với Liên Xô nên khả năng Libya được chuyển giao tàu ngầm rất cao.
Vị trí mà không quân Mỹ đã tấn công nhầm trên Địa Trung Hải. Đồ họa: Wikipedia |
Một số chiếc F-111 nhận lệnh ném bom sâu xuống mục tiêu khả nghi và bay trở về Anh. Nhóm còn lại tiếp tục hướng đến Tripoli. Khoảng 60 tấn bom đã được ném xuống các mục tiêu ở Tripoli khiến 40 người thiệt mạng, trong đó có một bé gái được cho là con ông Gaddafi.
Về mục tiêu được cho là tàu ngầm Libya thực ra là một hòn đảo lúc nổi lúc chìm có tên Graham của Italy nằm trên Địa Trung Hải. Trong khi cộng đồng quốc tế phản đối kịch liệt vụ ném bom Tripoli mà không ai đề cập đến vụ ném bom nhầm vào đảo của Italy.