Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên đề: Bình minh Odyssey và bóng ma chiến tranh

Đúng 4 năm trước, bầu trời Libya rung chuyển trong vầng sáng của hàng loạt tên lửa Tomahawk trong một chiến dịch mang tên mỹ miều "Bình minh Odyssey".

Chương 1: GIẢI MÃ MẬT DANH

"Bình minh Odyssey" là chiến dịch quân sự do NATO và Mỹ thực hiện tại không phận Libya dưới danh nghĩa thực thi Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về thiết lập vùng cấm bay trên toàn lãnh thổ quốc gia Bắc Phi nhằm chống lại chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Khác với mật danh của nhiều chiến dịch quân sự trước đó, "Bình minh Odyssey" không tuân theo nguyên tắc hàm chứa thông điệp (có thể là chính trị) hoặc chỉ quốc gia hay khu vực tiến hành chiến dịch. Theo ông Eric Elliott, đại diện Bộ Chỉ huy châu Phi AFRICOM, cơ quan phụ trách kế hoạch ở Libya, mật danh của chiến dịch là sản phẩm của sự lựa chọn ngẫu nhiên từ hệ thống đặt tên của Lầu Năm Góc.

Theo cách giải thích khác, mật danh của chiến dịch cũng có thể được đặt theo tên của thiên sử thi "Odyssey” của nhà thơ Homer thời Hy Lạp cổ. Tuy nhiên, trong trường ca Odyssey của Hy Lạp, người anh hùng Odyssey sau khi thất thủ ở thành Troy, cuối cùng đã trở về nhà an toàn và hoàn thành giấc mộng mà anh ấp ủ từ lâu. Trái lại, chiến dịch của liên quân như đổ thêm dầu vào lửa, thay vì mang lại ánh binh minh cho quốc gia bên bờ Địa Trung Hải.

Bản đồ nơi đóng quân của các bên tham chiến và các vị trí tấn công thuộc chiến dịch Bình Minh Odyssey. Khu vực vùng màu đỏ là nơi liên quân tấn công tại Libya. Bạn có thể nhấn chuột lên từng vị trí để hiển thị thông tin chi tiết, phóng to thu nhỏ hoặc di chuyển bản đồ để có góc nhìn toàn diện hơn.

Chương 2: TẤN CÔNG CHỚP NHOÁNG

Ngày 19/3/2011, chiến dịch Bình minh Odyssey mở màn bằng những trận không kích ác liệt vào lãnh thổ Libya khiến hàng chục người chết. Cùng ngày, chiến hạm Mỹ nã hàng trăm tên lửa hành trình vào các mục tiêu được lựa chọn trước của lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Libya trong quầng lửa Tomahawk

Bình minh Odyssey đẩy quân đội trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi từ thế tấn công sang thế phòng thủ. Nó nhanh chóng giúp lực lượng nổi dậy chiếm ưu thế, liên tục giành quyền kiểm soát các thành phố trước khi vây ráp và sát hại nhà lãnh đạo Gaddafi.

Tổn thất

Sau hơn 7 tháng chiến dịch diễn ra, số lượng thường dân thiệt mạng sau các cuộc không kích của liên quân tăng theo từng ngày, dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Bắc Phi.

  • 570 mục tiêu quân sự
  • 355 tên lửa phòng không
  • 500 xe tăng & thiết giáp
  • 860 kho đạn
  • 500+ người chết
  • 2000+ người bị thương
  • 3204 trường học đóng cửa

Chương 3: BÌNH MINH CHƯA LÓ RẠNG

Năm 1967, khi đại tá Gaddafi lật đổ Quốc vương Idris I và thống nhất các bộ lạc, ông tiếp quản một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi. Trong suốt 42 năm trị vì, Gaddafi đã đưa Libya trở thành nước giàu bậc nhất châu lục, với GDP đầu người cao nhất và tuổi thọ trung bình ngày càng tăng. BBC dẫn số liệu Ngân hàng Thế giới cho biết Thu nhập bình quân đầu người của Libya năm 2009 là 12.320 USD.

“Bình minh Odyssey là chiến dịch thành công nhất trong lịch sử của liên minh NATO”.

Anders Fogh Rasmussen, Tổng thư ký NATO

Khi làn sóng Mùa Xuân Arab lan rộng trong khu vực, những nhóm chiến binh phản đối chế độ cai trị chuyên quyền của Gaddafi đã nổi dậy đòi thành lập một Libya mới dân chủ hơn. Các nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc lực lượng trung thành với Gaddafi đã giết hại hàng nghìn thường dân kể từ khi có cuộc cách mạng chống lại ông. Với danh nghĩa “bảo vệ dân thường Libya”, NATO triển khai chiến dịch “Bình minh Odyssey” nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi và lập một bộ máy lãnh đạo mới sau bầu cử tháng 7/2012.

Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là văn bản không đầy đủ và không hoàn thiện. Nó khiến người ta liên tưởng tới lời kêu gọi cuộc thập tự chinh như thời trung cổ. Nó đã tạo ra cái cớ hợp lý để can thiệp vào một quốc gia có chủ quyền.

Thủ tướng Nga Putin năm 2011

Tuy nhiên, Libya chưa một ngày im tiếng súng từ sau cái chết của nhà lãnh đạo Gaddafi trong tháng 10/2011. Chính quyền dân cử đầu tiên được quốc tế công nhận bị đánh bật khỏi thủ đô Tripoli trong tháng 5/2014. Một chính phủ tự xưng khác được thành lập ở thủ đô Libya. Cuộc chính biến đẫm máu tiếp tục đẩy quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ vào vòng xoáy bạo lực, với nhiều phe phái cùng tranh giành quyền lực, địa vị và các nguồn tài nguyên.

Ở thời điểm hiện tại, phúc lợi xã hội của Libya gần như không còn. Hàng triệu người phải sơ tán vì nội chiến. Trong khi đó, quốc gia Bắc Phi này cũng trở thành một trong những cái nôi nuôi dưỡng khủng bố và các phần tử cực đoan. Sau 4 năm, người dân Libya vẫn chưa thấy bình minh cho tương lai của đất nước mà thay vào đó là một Libya thời hậu Gaddafi lâm vào rối ren, kiệt quệ.

Hồng Duy - Hải Anh - Minh Anh

Bạn có thể quan tâm