MH653 gặp nạn ở Tanjung Kupang, Johor, Malaysia. |
Năm 1977, chuyến bay MH653 bị không tặc khi đang trên đường từ Penang tới Kuala Lumpur, Malaysia. Lúc đó, chiếc Boeing 737-200 lao xuống một đầm lầy ngập mặn và làm tất cả 100 người trên máy bay thiệt mạng. Đây là vụ tai nạn khiến nhiều người chết nhất trong lịch sử hàng không Malaysia trước sự kiện MH370.
“Sau 37 năm, chúng tôi vẫn chưa biết sự thật về vụ tai nạn”, Ruth Parr, người mới 19 tuổi khi cha ông, Thomas, thiệt mạng trong vụ tai nạn, chia sẻ với CNN.
Một báo cáo của Cục Hàng không Dân dụng Malaysia kết luận, máy bay bị không tặc khi nó đến gần thủ đô Kuala Lumpur. Khi phi cơ hạ độ cao, những tên không tặc đã bắn phi hành đoàn và khiến máy bay lao xuống đầm lầy ở làng Tanjung Kupang, Johor, Malaysia.
Tuy nhiên người ta chưa bao giờ xác định được danh tính không tặc trên chuyến bay MH653, mặc dù dữ liệu ghi âm ở buồng lái có thể ghi lại mọi thứ, từ vụ hỗn loạn đến tiếng súng giết chết hai phi công.
Trong khi đó, CNN dẫn một báo cáo khác cho hay, vụ tai nạn xảy ra khi phi công bị vô hiệu hóa và khiến máy bay rơi vào tình trạng không thể kiểm soát.
Ngoài ra, một số nhân chứng nhìn thấy máy bay bốc cháy trước khi lao xuống đất, trong khi những người khác nói rằng họ nghe thấy một tiếng nổ trước vụ tai nạn. Dù vậy, người ta không tìm thấy bằng chứng xác nhận những lời kể này.
Hiện trường vụ tai nạn MH653 năm 1977. |
Đối với gia đình của những nạn nhân trên MH653, vụ mất tích của MH370 lại gợi lại những ký ức đau đớn mặc dù họ đã học cách đối mặt với nỗi đau. “Bạn phải luôn cố gắng học cách vượt qua nỗi đau này”, Tom Sherrington, con của hành khách Richard trên chuyến bay MH653, chia sẻ.
Ông Sherrington nói rằng, việc thường xuyên trò chuyện về Richard, người được miêu tả là một “anh chàng vui tính và một nhà thám hiểm vĩ đại”, đã giúp gia đình làm quen với nỗi đau mất người thân.
Gia đình Sherrington cũng đến thăm đài tưởng niệm vụ tai nạn nằm gần hiện trường ở thị trấn duyên hải Tanjung Kupang.
Sherrington nói với CNN rằng, gia đình của những người trên chuyến bay MH370 mất tích nên tập trung tưởng nhớ người thân thay vì đổ lỗi cho nhà chức trách.
“Điều tôi có thể khuyên các gia đình đó là không nên bị ám ảnh với vụ tai nạn và tìm cách đổ lỗi cho người khác”, ông Sherrington nhấn mạnh.
Sherrington nói thêm rằng, ông hy vọng gia đình của các hành khách trên MH370 đoàn kết và cùng nhau vượt qua nỗi đau mất mát. Tất nhiên, họ không thể ngay lập tức làm được điều này.
“Thời gian có thể giúp người thân nguôi ngoai nhưng họ không bao giờ có thể quên về sự kiện đó. Bạn sẽ mãi mãi nhìn thấy hình bóng của người thân ở mọi nơi, mọi lúc”, Sherrington chia sẻ.
Trong khi đó, gia đình của hành khách trên MH370 vừa kêu gọi chính quyền Malaysia cung cấp bằng chứng cho thấy chiếc Boeing 777-200 thực sự gặp nạn ở Ấn Độ Dương, sau khi Thủ tướng Najib Razak công bố điều này đêm 24/3.
Ch’ng’s Khai Cheak, người có chị gái Ch’ng Mei Ling trên chuyến bay định mệnh, nói rằng giới chức Malaysia chỉ nên đưa ra tuyên bố như vậy khi họ cung cấp bằng chứng cụ thể hoặc thi thể người chết để chứng tỏ MH370 lao xuống biển.
“Tôi sẽ phải nói gì với mẹ khi về nhà? Mẹ xem tin tức nhưng không thể chấp nhận thực tế là chị gái tôi đã chết. Bà luôn hỏi tôi chị ấy qua đời thế nào? Tôi không biết phải nói gì với bà vì chẳng có bằng chứng nào cho thấy Mei Ling đã thiệt mạng”, Khai Cheak giận dữ nói.
Trong khi đó, gia đình các hành khách ở Trung Quốc cũng không ngừng chỉ trích chính quyền Malaysia và quan chức cao cấp tại các cuộc họp báo. Một số người thân vừa biểu tình trước Đại sứ quán Malaysia ở Bắc Kinh để yêu cầu đưa ra câu trả lời về số phận của phi cơ mất tích. Họ khóc lóc, nắm chặt tay nhau và hô vang khẩu hiệu “Chúng tôi muốn người thân trở về”.
Thậm chí, một số người thân tìm cách tiếp cận một công ty luật ở Chicago, Mỹ để giúp họ kiện hãng chế tạo máy bay Boeing và hãng hàng không Malaysia Airlines, vì họ tin rằng phi cơ gặp nạn là do sự cố kỹ thuật.