Sử dụng dữ liệu về khí tượng học và dòng hải lưu cùng phân tích tín hiệu “ping” của công ty Inmarsat, Anh, các nhà nghiên cứu của Đại học Tây Australia đã xác định vị trí va chạm của máy bay và chuyển động của các mảnh vỡ trong nhiều tuần sau khi MH370 mất tích.
Nam Ấn Độ Dương, nơi hoạt động tìm kiếm MH370 đang diễn ra, được mô tả là vùng biển nguy hiểm nhất thế giới, đặc biệt vào mùa đông như lúc này. Ảnh: The Star. |
Daily Mirror dẫn lời Giáo sư Charitha Pattiaratchi, người giám sát cuộc nghiên cứu, nói rằng máy bay có thể nằm cách mặt biển 3,5 km. Ngoài ra, việc chưa tìm thấy mảnh vỡ cho thấy khoang máy bay có thể vẫn nguyên vẹn khi nó chìm. Điều này sẽ làm tăng thêm cơ hội tìm thấy hộp đen ở đáy biển.
“Tôi nghĩ theo cách phi cơ gặp nạn, rất nhiều mảnh vỡ vẫn nằm yên trong máy bay. Nếu phi cơ vỡ tan, chúng ta sẽ nhìn thấy rất nhiều mảnh vỡ trôi nổi trên mặt biển như áo phao, ghế ngồi…”, ông Charitha Pattiaratchi nhấn mạnh.
Giáo sư Pattiaratchi nói thêm, các mảnh vỡ có thể đã trôi vào các xoáy nước và bị giam trong một khu vực.
“Họ có thể tìm thấy chúng, vì đó có thể là các mảnh cánh. Các phát hiện mới đây hoàn toàn trùng khớp. Mảnh vỡ mắc kẹt trong một vùng cách nơi máy bay có thể rơi khoảng 400 km. Dựa vào thời tiết, chúng tôi biết mảnh vỡ sẽ đi đến đâu vào cuối tháng này”, ông Pattiaratchi nói với Daily Telegraph.
Sáng 28/3, truyền thông Nhật Bản đưa tin, vệ tinh nước này vừa ghi lại hình ảnh 10 vật thể trôi nổi ngoài khơi Australia, có thể là mảnh vỡ của chiếc Boeing 777 mất tích.
Hôm 27/3, vệ tinh Thái Lan cũng phát hiện khoảng 300 vật thể trôi nổi có chiều dài từ 1 đến 15 m tại Ấn Độ Dương, cách bờ biển Perth, Australia khoảng 2.700 m. Trước đó, vệ tinh của Pháp và Trung Quốc phát hiện nhiều vật thể trôi nổi khác trong khu vực.
Tuy nhiên, các đội tìm kiếm vẫn chưa phát hiện hoặc trục vớt bất kỳ mảnh vỡ đáng tin cậy nào từ chiếc Boeing 777-200. Cơ quan An toàn Hàng hải Australia (AMSA) hôm nay quyết định chuyển khu vực truy dấu MH370 sang hướng đông bắc, cách khu vực tìm kiếm cũ 1.100 km2.
"Quyết định mới được đưa ra dựa trên quá trình phân tích dữ liệu radar ở khu vực giữa Biển Đông và eo biển Malacca trước khi mất tín hiệu với MH370. Nó chỉ ra rằng phi cơ đã bay nhanh hơn so với dự đoán trước đó. Điều này dẫn đến MH370 phải sử dụng nhiều nhiên liệu hơn, quãng đường phi cơ bay trên phạm vi Ấn Độ Dương ngắn hơn", thông báo của AMSA cho hay.