Tờ South China Morning Post cho hay, Pháp và Brazil đã chi hơn 40 triệu USD trong vòng hai năm để tìm ra hộp đen của chuyến bay 447 của Air France, vốn rơi xuống biển Đại Tây Dương năm 2009 trong lộ trình từ Paris tới Rio de Janeiro. Trong chiến dịch này, người ta phải sử dụng các robot để rà soát đáy biển. Giới chức đã dừng cuộc tìm kiếm sau khi các đội cứu hộ tìm thấy 50 thi thể trong tổng số 228 hành khách.
27 quốc gia đang tham gia vào quá trình tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Ảnh: AP. |
Theo Zhao Chaofang, một nhà hải dương học tại Đại học Qingdao, Trung Quốc, tổng chi phí dành cho chiến dịch tìm kiếm MH370 có thể cao gấp 10 lần so với cuộc tìm kiếm của Air France. “Nếu chiến dịch tìm kiếm kéo dài trong nhiều năm, người ta cần 200 triệu USD mỗi năm để duy trì các nỗ lực tìm kiếm đa quốc gia", ông Zhao nhấn mạnh.
Một nhà nghiên cứu giấu tên của Đại học Hàng không Dân dụng Trung Quốc cũng đồng tình với ý kiến cho rằng, chi phí cho quá trình tìm kiếm MH370 sẽ “vượt xa, rất xa” so với cuộc tìm kiếm của Air France. Tuy nhiên, các chuyên gia không rõ quốc gia nào có thể trả chi phí cho hoạt động tìm kiếm lần này.
Quyền Bộ trưởng giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết, nước này chưa thảo luận về chi phí tìm kiếm với các quốc gia khác. "Không ai, kể cả chính phủ Malaysia và các đối tác của chúng tôi, nói về chuyện tiền nong. Tất cả chỉ đang cố gắng tìm máy bay. Chúng tôi chưa nghĩ tới chuyện đó", ông Hussein nói.
Theo South China Morning Post, hiện nay chưa có nghị định thư quốc tế nào đề cập tới việc phân chia chi phí điều tra tai nạn.
Ông Oh Ei Sun, một chuyên viên cao cấp thuộc Viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore cho biết, về mặt lý thuyết, quốc gia đứng đầu quá trình tìm kiếm sẽ phải chi trả.
Tuy nhiên, trên thực tế, các quốc gia tham gia vào chiến dịch tìm kiếm thường giúp các khoản chi phí đó để chứng tỏ lòng thiện chí.
Tổng cộng 27 quốc gia đang tích cực triển khai máy bay, tàu chiến tới khi vực tìm kiếm. 10 tàu thủy của Trung Quốc, 5 tàu Australia, 6 tàu Malaysia và một tàu của Anh đã tham gia tìm kiếm trên biển. Mỗi tàu này tiêu tốn khoảng 160 USD tiền nhiên liệu mỗi giờ. Bên cạnh đó, chi phí dành cho các vệ tinh cũng tăng cao với hơn 20 vệ tinh Trung Quốc đang tham gia vào quá trình tìm kiếm.
Theo thông tin mới nhất, ảnh vệ tinh của Nhật Bản cho thấy khoảng 10 vật thể trôi nổi ở vùng biển ngoài khơi Australia, cách thành phố Perth khoảng 2.500 km.